Tài chính - Ngân hàngThị trường

Chết vì đu ‘hàng nóng’ – bài học lặp đi lặp lại không có hồi kết

Việc nhà đầu tư chạy theo những cổ phiếu ‘nóng’, tăng giá tính bằng lần chỉ trong thời gian ngắn tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Khẩu vị của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khá đa dạng, có người thích đầu tư vào những cổ phiếu cơ bản tốt, an toàn và lợi nhuận có thể chấp nhận được, nhưng có những người chỉ thích đầu tư vào cổ phiếu có tính đầu cơ cao với tỷ suất lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, “high risk, high return”, việc “đu” theo sóng có nguy cơ phải nhận những kết cục ‘bi thảm’ nếu không thận trọng và không kiềm chế lòng tham. Bài học này vốn đã nhắc đi nhắc lại nhưng chưa bao giờ rút ra được.

Từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã gặp rất nhiều những cổ phiếu như vậy, ‘nụ cười thì chưa dứt nhưng kết thúc bi thảm thì đã ở ngay trước mắt’. Điển hình nhất trong thời gian gần đây có thể kể đến cổ phiếu đang làm đau đầu nhà đầu tư là HAI.

Cụ thể, khoảng đầu tháng 7/2017, HAI nổi lên như một ngôi sao sáng trong nhóm cổ phiếu ‘đậm’ chất đầu cơ. Cổ phiếu này tăng một mạch 22 phiên trần từ mức giá 4.500 đồng/CP lên thành 22.500 đồng/CP, bất chấp việc nền tảng cơ bản của doanh nghiệp không có gì sáng sủa hơn trước.

Diễn biến giá cổ phiếu HAI

Nhiều nhà đầu tư nếu mua đúng thời điểm cổ phiếu này tăng giá thì đã có những khoản lợi nhuận ‘kếch xù’. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ cam đảm để ‘đu’ theo đúng thời điểm và chỉ cần một sai lầm cũng khiến họ trả giá. Ngay khi chạm đỉnh 24.050 đồng/CP trong phiên 9/8/2017, HAI đã lao dốc và giảm sàn 7 phiên liên tiếp, sau đó cũng có một vài phiên tăng trần nhưng kết cục không còn bất ngờ nữa. Hiện tại, HAI chỉ còn giao dịch ở mức 12.650 đồng/CP, giảm 47,4% so với đỉnh. Như vậy, có thể thấy rõ ràng nhà đầu tư nào chỉ cần mua giá trần trong phiên mùng 7/8/2017 cũng đã phải chịu thua lỗ lớn.

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp khiến nhà đầu tư ‘ngậm đắng nuốt cay’ thời gian qua. Còn rất nhiều cổ phiếu có kịch bản tương tự như TSC, OGC, VOS…

Diễn biến giá cổ phiếu TSC

Diễn biến giá cổ phiếu VOS

Có trường hợp, mặc dù ban lãnh đạo doanh nghiệp mới nhen nhóm vẽ ra kế hoạch tươi sáng cho tương lai xa vời bằng các hợp đồng béo bở như bán dự án hay sáp nhập thâu tóm các doanh nghiệp khác. Nhưng các thông tin này chỉ cần qua tay đội lái đã trở thành cái cớ để hành động đẩy giá cổ phiếu tăng sốc và từ đó thu hút được sự quan tâm từ các ‘con bạc’. Nhiều nhà đầu tư cũng chỉ cần thấy giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp cùng với lời dụ dỗ ngon ngọt được đội lái tung ra như nội tại doanh nghiệp giờ thay đổi ‘nay đã khác xưa’ thì liền lao vào như một con thiêu thân bất chấp rủi ro. Kết cục như thế nào thì chắc không còn phải bàn cãi, “được thì ít mà mất thì nhiều”.

Việc thua lỗ chỉ trong thời gian ngắn đã khiến nhà đầu tư hoang mang lo lắng đi tìm nguyên nhân tại sao cổ phiếu giảm? Thế nhưng, dù là nguyên nhân gì đi nữa, có thể thấy rằng sự tham lam quá đà chính là yếu tố lớn nhất dẫn đến sự mất mát này. Lòng tham luôn là điểm yếu nhất của các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia vào thị trường. Lòng tham trỗi dậy khi chứng kiến những nhà đầu tư khác kiếm lời nhanh trong thời gian ngắn đã khiến các nhà đầu tư dường như bị mờ mắt và chạy theo những lời ngon ngọt của đội lái hay thậm chí là lời khẳng định “nhân đôi, nhân ba tài khoản” của đồng môn.

Xét cho cùng, các tin đồn hoặc một loạt lệnh mua khủng có thể đẩy giá một cổ phiếu lên bằng lần nhưng rồi cũng sẽ quay trở về giá trị thật khi bản thân nội tại doanh nghiệp không khá khẩm hơn là bao. Mà kể cả trong trường hợp nội tại doanh nghiệp có cải thiện thật thì bất cứ thay đổi nào cùng đều cần thời gian và khó có thể thay đổi chỉ sau một vài ngày.

Như vậy, nhà đầu tư có lẽ cần phải nâng cao cảnh giác hơn nữa với hàng loạt chiêu trò trên thị trường chứng khoán, nơi mà các ‘tay to’, ‘đội lái’ nhiều tiền có thể dễ dàng thao túng được giá cổ phiếu. Minh chứng rõ nhất có lẽ là việc từ đầu năm 2017, UBCKNN đã ban hành hàng loạt quyết định xử phạt các cá nhân về hành vi thao túng giá chứng khoán, với thủ đoạn chủ yếu là dùng nhiều tài khoản khác nhau, giao dịch chéo, tạo cung cầu ảo, đẩy giá cổ phiếu để trục lợi.

Bình An

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close