Câu chuyệnKinh doanh

Tại sao các quỹ đầu tư lại muốn thúc giục startup đốt tiền thật nhanh?

Đôi khi, không phải các startup mà chính là những người đầu tư cho họ muốn họ đốt tiền nhanh – một sự thật không phải ai cũng nhận ra.

Sau những câu chuyện về chuyện startup đốt tiền đầu tư như nước của Uber , Didi , Github , Tiki ,…, nhiều người bắt đầu tự hỏi có quỹ đầu tư nào lại “ngu” vậy không? Hay nói đúng hơn thì, những con người lọc lõi về tài chính như vậy chẳng lẽ không phân biệt nổi các startup có tiềm năng thực sự mang lại lợi nhuận với các startup “bánh vẽ” chỉ biết phung phí nguồn lực?

Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG, họ không ngây thơ trao trứng cho ác, nhưng có một sự thật có thể không nhiều người nhận ra là mặc dù luôn khen ngợi chuyện tiết kiệm chi phí, rất nhiều quỹ đầu tư lại thích thúc giục startup đốt tiền thật nhanh. Tại sao vậy?

Động cơ sâu xa

Tuy các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) thường làm những việc mà họ tin là sẽ giúp các startup thành công nhưng đôi khi, động cơ của họ và startup có thể xung khắc với nhau.

Chính vì các quỹ hiểu rằng hầu hết lợi nhuận họ thu được sẽ luôn đến từ một số lượng nhỏ các công ty tinh hoa nhất trong danh mục đầu tư, họ luôn cần những (venture) partner (tạm dịch là “đối tác đầu tư” – thường là những doanh nhân, cựu founder startup đã “rửa tay gác kiếm”) dành nhiều thời gian theo sát hoạt động của các startup đã nhận vốn. Các partner sẽ giúp đỡ (trường hợp khả quan nhất) hoặc phân tích, đánh giá xem liệu startup đó có đáng được đầu tư thêm (thời gian + vốn) cho không.

Lý tưởng nhất là các VC có thể tăng lượng partner và ngân sách bất cứ khi nào họ cần đầu tư thêm (1). Điều này đòi hỏi các quỹ phải có nguồn tiền và partner không giới hạn (2). Thế nhưng trên thực tế, điều (1) không tồn tại, còn điều (2) thì rất khó kiểm soát.

Các VC cũng luôn bị các nhà đầu tư góp vốn gây sức ép phải mang về trái ngọt trong một khoảng thời gian nhất định thì mới tiếp tục được cấp thêm vốn. Việc huy động vốn từ các nhà đầu tư độc lập bên ngoài là rất quan trọng với VC bởi họ tồn tại bằng chính phí quản lý quỹ cho các cá nhân này. Vậy nên chỉ số quan trọng nhất đánh giá sự thành công của một VC lại là khả năng phát sinh/thu được nhiều phí hơn.

Thường để huy động thêm vốn sau mỗi 2-4 năm, các VC phải cho các nhà đầu tư góp vốn thấy được tiến triển của mình. Thường thì các quỹ sẽ không thể chờ kịp đến lúc các startup có thể hoàn lại hết tiền để đi kêu gọi nguồn vốn mới. Chính vì thế, họ phải dùng cách định giá riêng của mình để nâng hay giảm tổng giá trị danh mục đầu tư.

Nếu có thể cho nhà đầu tư thấy giá trị đi lên của các startup trong danh mục thì VC sẽ dễ dàng kêu gọi thêm vốn đổ vào quỹ mình hơn. Trong khi đó, những VC không trình bày được hiệu quả đầu tư thu về sẽ rất khó thu hút được thêm vốn.

Kết hợp hai động cơ trên lại, các VC sẽ bị đẩy vào tình thế phải thúc giục startup đốt thật nhiều tiền để họ có thể nhanh chóng đánh giá được độ thành bại của startup. Các startup thành công sớm cũng sẽ giúp VC giảm thiểu rủi ro khi quyết định có đầu tư tiếp vào hay không.

Ngược lại, những startup thất bại sẽ “giải thoát” cho các partner để họ tiếp tục đi tìm các công ty tiềm năng hơn. Đây không phải một kết thúc lý tưởng, nhưng ít nhất thì nó cũng giúp các VC không phải lãng phí thêm quá nhiều thời gian công sức và có thể tập trung vào việc săn lùng các startup mới vá lấp khoản đầu tư vô ích trên. Viễn cảnh tệ hại nhất mà không một VC nào muốn gặp phải chính là bỏ một đống tiền đầu tư vào một startup “sống dở chết dở” vùng vẫy suốt nhiều năm liền mà chẳng biết kết cục ra sao. Vậy nên, mấu chốt ở đây vẫn là “win fast, fail fast”.

Các founder nên phản ứng ra sao?

Đối mặt với những sức ép từ quỹ đầu tư là rất quan trọng và cũng phụ thuộc khá nhiều vào mối quan hệ giữa startup và nhà đầu tư. Điều quan trọng nhất cần phải ghi nhớ chính là CEO vẫn sẽ quản lý ngân sách công ty. Các nhà đầu tư có thể gây sức ép khiến họ phải chi mạnh, nhưng hoàn toàn không có quyền được ép buộc. Các nhà sáng lập nên có chính kiến riêng trong việc xác định những khoản cần chi tiêu.

Các founder cũng nên nhớ rằng những lời hứa sẽ rót thêm vốn nếu tình hình công ty tiến triển tốt cũng không đáng giá bằng số tiền đang nằm trong ngân sách hiện tại của công ty. Chuyện nhiều startup mạnh tay vung tiền trong thời kỳ tăng trưởng nóng cũng không có gì là hiếm gặp. Nhiều founder chia sẻ họ cần tuyển thêm nhiều kỹ sư để phát triển thêm tính năng cho sản phẩm hay tăng ngân sách cho marketing để thu hút người dùng. Và lần nào cũng vậy, họ thường dẫn lời quỹ đầu tư từng nói với công ty rằng tiêu pha là chuyện tốt, bởi trước sau gì quỹ sẽ cung tiền thêm cho họ thôi. Các VC có thể lấy ví dụ về những Uber, Amazon,… đã mất không ít vốn và thời gian để đạt được thành công, khiến nhiều nstartup chấp nhận logic này mà chẳng buồn nghĩ sâu hơn. Thực tế, không phải công ty nào cũng cần đốt tiền mới thành công.

Sau khi đốt tiền vào các hoạt động, startup của bạn càng tiến gần đến ngưỡng “khó mang về lợi nhuận đáng kể” thì nguồn ngân sách đầu tư sẽ ngày càng nhanh cạn, bất kể trước đó họ có hứa hẹn gì với bạn, bởi bạn đã góp phần giúp họ chắc chắn hơn với kết luận bạn sẽ bại. Đây chính là điểm mà động cơ của quỹ đầu tư và startup bắt đầu khác xa nhau. Vậy nên hãy học cách tăng trưởng mà không cần phải đốt quá nhiều tiền.

Trường hợp tệ hại thứ hai

Còn một tình huống nữa là khi động cơ của phía đầu tư và startup bắt đầu khác xa nhau; startup của bạn cũng có vẻ đang đi xuống, Lúc này, VC có thể chưa rút vốn ngay mà vẫn quyết định rót thêm với hy vọng bạn có thể vực dậy công ty. Tất nhiên chuyện đó sẽ kèm theo những điều khoản ngặt nghèo có lợi cho họ, khiến các founder mất rất nhiều cổ phần cũng như quyền kiểm soát công ty, thậm chí đôi khi là bị “đá” mất chiếc ghế CEO. Khả năng bị bãi nhiệm khỏi vị trí CEO có xảy ra hay không còn phụ thuộc vào số cổ phần CEO đó còn nắm giữ; và ngay khi ngân sách công ty tụt về 0, giá trị lượng cổ phần này cũng sẽ tụt theo một đường tiệm cận.

Trường hợp tệ hại nhất thì sao? Công ty của bạn hết sạch tiền hoạt động.

Tham khảo YConbinator

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close