Doanh nghiệpKinh doanh

Câu chuyện của Gucci, một biểu tượng thời trang cao cấp

Trải qua nhiều thăng trầm, thương hiệu Gucci biểu tượng một thời đang bước vào một kỷ nguyên mới…

 

Câu chuyện của Gucci, một biểu tượng thời trang cao cấp

The House of Gucci, hay ngắn gọn hơn là Gucci, luôn là một trong những cái tên được nghĩ đến đầu tiên khi nói đến các nhà mốt xa xỉ của thế giới. Dù bạn là một người am hiểu sâu sắc hay chỉ biết đôi chút về lĩnh vực này, tên gọi Gucci luôn đồng nghĩa với một “tượng đài” thời trang.

Không có nhiều thương hiệu thời trang được coi là hòa quyện tinh hoa của ba trung tâm thời trang lớn nhất thế giới là Italy, Anh và Pháp, và Gucci là một trong những số ít đó. Được sáng lập bởi Guccio Gucci (1881 – 1953) tại thành phố Florence của Italy, thành công của Gucci là câu chuyện về sự biến đổi không ngừng và thích ứng tài tình với những làn sóng mới luôn xuất hiện trong thế giới trang phục và phụ kiện đầy màu sắc.

Khởi nguồn tình cờ

Một câu chuyện hết sức tình cờ đã xảy ra khi Guccio còn đang làm nhân viên khách sạn tại Londons Savoy Hotel trong những năm đầu thế kỷ 20. Khách sạn này là chốn nghỉ ngơi vốn chỉ dành cho giới thượng lưu và những người nhiều tiền ở Anh. Bằng cặp mắt tinh tường, Guccio đã phát hiện ra một nghịch cảnh khá thú vị: trong khi các quý ông, quý bà lui tới khách sạn này thường diện trên mình những bộ xiêm y sang trọng, nhưng vẻ ngoài của họ lại không thể hoàn hảo bởi họ thiếu những chiếc vali và túi xách xứng tầm để đựng đồ trong những chuyến đi dài ngày.

Với phát hiện tưởng chừng nhỏ mà lại không hề nhỏ này, Guccio – khi đó đã ở tuổi 40 – quyết định chia tay nước Anh và trở về Florence để mở một cửa hiệu bán vali, túi xách của riêng mình. Với cửa hiệu này, Guccio thiết kế và bán những sản phẩm da cao cấp chỉ dành cho những vị khách giàu có. Toàn bộ sản phẩm đều được làm thủ công bởi các nghệ nhân vùng Tuscany. Tuy nhiên, cái tên Gucci chỉ thực sự được biết đến khi tạo ra những bộ sản phẩm thời trang cưỡi ngựa – một thú vui của giới quý tộc.

Ở thời kỳ đó, cưỡi ngựa là một môn thể thao mà tầng lớp nhà giàu ở Italy nói riêng và châu Âu nói chung không thể bỏ qua. Trên thị trường lúc đó cũng đã có nhiều thương hiệu thời trang cưỡi ngựa, nhưng bằng con mắt tinh đời, Guccio vẫn tạo ra được những sản phẩm thực sự tiện lợi mà đảm bảo được độ sang trọng cho người mặc. Với quan điểm thời trang cưỡi ngựa “vừa tiện vừa sang” của mình, ông cho ra những bộ trang phục mang tông màu nâu giản dị nhưng làm bằng chất liệu da cao cấp.

Từ chỗ chỉ bán va li, túi xách và trang phục cưỡi ngựa, Guccio mở rộng sản phẩm để đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của giới giàu. Ông nhận thấy rằng các khách hàng giàu có của mình ưa thích sự đồng bộ: họ muốn sở hữu những sản phẩm đến từ cùng một thương hiệu, với sự tương đồng về màu sắc và hình ảnh logo, yên ngựa, dây cương, cho tới khăn quàng cổ, giày, túi xách, mũ, áo… Và Gucci đã trở thành hãng thời trang đầu tiên đáp ứng nhu cầu đồng bộ đó của khách hàng.

Thăng trầm và không ngừng sáng tạo

Câu chuyện của Gucci, một biểu tượng thời trang cao cấp - Ảnh 1.

Sau cửa hiệu đầu tiên ra đời vào năm 1906, trong thập niên 1920, Guccio phát triển kinh doanh nhanh chóng nhờ vào chất lượng sản phẩm tốt. Với phương châm kinh doanh là muốn bán được sản phẩm với giá cao thì mỗi sản phẩm phải là một tác phẩm nghệ thuật, Guccio luôn sử dụng những thợ thủ công lành nghề nhất và nguyên liệu hảo hạng nhất. Nhờ đó, Gucci dần trở thành biểu tượng của đẳng cấp.

Năm 1938, Guccio mở cửa hàng thứ hai tại Rome, rồi cửa hiệu thứ ba tiếp tục ra đời tại Milan năm 1951. Ông mất năm 1953, chẳng bao lâu sau khi cửa hàng thứ tư được mở tại New York, Mỹ, để lại toàn bộ cơ nghiệp cho bốn người con trai là Aldo, Vasco, Ugo và Rodolfo.

Kế nghiệp cha, các con trai của Guccio trung thành với định hướng kinh doanh của ông khi lập nên Gucci. Vào những năm 1960, nhà mốt này “gây sốt” với hàng loạt bộ sưu tập thời trang cao cấp nối tiếp nhau ra đời. Các ngôi sao ở kinh đô điện ảnh Mỹ Hollywood xem Gucci là thương hiệu đồng nghĩa với “chic”, có nghĩa là sang trọng và lịch sự.

Vào thập niên 1970, Gucci bắt đầu cuộc “đổ bộ” tới châu Á bằng cách mở các cửa hiệu đầu tiên ở Tokyo và Hồng Kông. Trong giai đoạn này, nhà mốt tiếp tục tăng tính đa dạng của sản phẩm, chú trọng việc tạo ra những mẫu mã đặc biệt, nhưng vẫn duy trì nguyên tắc vật liệu cao cấp. Những mẫu mã cổ điển được điều chỉnh về hình dáng và màu sắc cho hiện đại, những dòng sản phẩm mới cũng được tung ra.

Tuy nhiên, khi cháu nội Maurizio của Guccio được trao nhiệm vụ điều hành nhà mốt vào thập niên 1980 thì hoạt động kinh doanh bắt đầu đi xuống. Những bước đi sai lầm gây bất đồng trong nội bộ Gucci, thậm chí là những cuộc cãi vã trong các cuộc họp của ban lãnh đạo. Năm 1988, Maurizio phải bán lại toàn bộ sản nghiệp gia đình cho tập đoàn Investcorp. Hiện nay, nhãn hiệu Gucci thuộc về tập đoàn Kering của Pháp – một “đế chế” đồ hiệu do tỷ phú Francois Pinault sáng lập.

Kỷ nguyên mới của Gucci

Câu chuyện của Gucci, một biểu tượng thời trang cao cấp - Ảnh 2.

Năm 1990, nhà thiết kế thời trang lừng danh Tom Ford gia nhập Gucci, và 3 năm sau đó, ông trở thành Giám đốc sáng tạo của hãng. Nhờ sự tài tình của Tom Ford, thương hiệu Gucci – từng có giai đoạn bị coi là “hết thời” vào đầu thập niên 1990 – đã dần lấy lại sức mạnh và phủ sóng trên phạm vi toàn cầu.

Sau hơn một thập kỷ tạo dựng cho Gucci một đẳng cấp mới, vào năm 2006, Tom Ford rời khỏi vị trí Giám đốc sáng tạo và người thay thế là nhà thiết kế phụ kiện Frida Giannini. Từ năm 2014 đến nay, vị trí Giám đốc sáng tạo của Gucci được đảm nhiệm bởi nhà thiết kế Alessandro Michele.

Chính Michele đã thổi “luồng sinh khí mới” vào Gucci sau một thời gian dài mà những sáng tạo của Giannini bị xem là mờ nhạt, thiếu sức thuyết phục. Ông đã làm sống dậy trào lưu logo, đặt họa tiết và logo Gucci lên trên túi xách và thậm chí cả trang phục. Ông còn tạo thêm những mẫu túi nổi tiếng, chẳng hạn Sylvie và Dionysus, mở ra một kỷ nguyên mới của Gucci bằng sự dung hòa giữa tính thời trang và đa dụng của sản phẩm, để người dùng vừa sử dụng trong những buổi tiệc tùng và ở văn phòng.

Sau nhiều thăng trầm trong lịch sử của thương hiệu, phong cách của Gucci đã có nhiều sự thay đổi. Hiện nay, di sản Gucci thể hiện đậm tính nhất ở dải ruy băng màu xanh lá và đỏ – hình ảnh lấy cảm hứng từ đai yên ngựa – và khóa horsebit (hàm thiết ngựa) trang trí trên những đôi giày Mocassin đặc trưng.

Năm 2018, Gucci đạt doanh thu 8,29 tỷ Euro, tăng 33,4% so với 2017. Với mức doanh thu này, Gucci là “cỗ máy in tiền” chủ lực của Kering – tập đoàn đạt 13,66 tỷ Euro doanh thu và 3,71 tỷ Euro lợi nhuận trong 2018.

Theo Thánh Châu

VnEconomy

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close