Nhiều người cao tuổi ở Mỹ tán gia bại sản sau nhiều năm đốt tiền vào những lá thư mời tham dự rút thăm trúng thưởng vì tin lời tiên tri về vận may tài chính.
Pat Wilson vẫn không biết điều gì đã khiến mẹ cô gửi tấm chi phiếu đầu tiên cho một trong những chương trình này, do mất trí, nghĩ về số tiền mà bà có thể để lại cho các con khi giành chiến thắng, hay đơn giản chỉ là tuổi già. Trong nhận thức muộn màng, cô dần nhìn thấy manh mối. Mỗi ngày, chồng thư với những lời tiên đoán về việc mẹ cô sẽ chiến thắng trong trò may rủi được gửi cho mẹ cô ngày càng nhiều hơn.
Khi nối những mảnh ghép lại với nhau, cô bàng hoàng nhận ra việc mẹ cô thành nạn nhân của những trò lừa đảo như thế nào.
Trong hơn một năm, góa phụ 91 tuổi đã viết 749 tấm séc, chi số tiền lên đến hơn 29.000 USD. Phần lớn liên quan đến các thông báo giải thưởng giả mạo và những lời tiên tri từ các nhà tâm linh nói về vận may tài chính.
Khi Wilson tìm đến Bộ trưởng Tư pháp bang Iowa vào năm 2014, cô nói rằng tiền trong tài khoản tiết kiệm của mẹ cô đã cạn kiệt. Thậm chí bà còn nợ hàng nghìn USD trong thẻ tín dụng và tiêu gần 1.000 USD mỗi tháng để mua tem gửi quốc tế.
“Những bức thư gửi tới người góa phụ mỗi ngày như thể những kẻ lừa đảo trên khắp thế giới đều tìm đến người phụ nữ dễ bị tổn thương này”, đại diện Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp bang Iowa nói.
Khi các nhà điều tra lùng sục đống chi phiếu và thư để tìm manh mối, họ ngạc nhiên khi tìm thấy sự liên quan giữa nhiều thứ tưởng chừng không liên quan.
Trong số 749 chi phiếu mà mẹ của Wilson đã gửi, Bộ trưởng Tư pháp bang Iowa xác định 566 (khoảng 75%) được gửi đến một công ty vô danh của Canada tên là PacNet Services, Ltd.
Và đây chỉ là một phần nhỏ trong số hàng chục triệu USD tiền lừa đảo gửi đến PacNet.
PacNet là cái gì?
Theo CNN, PacNet là một công ty chuyên xử lý các thanh toán. Doanh nghiệp này hưởng lợi từ những trò lừa đảo qua thư trên toàn cầu trong nhiều năm. Công ty là một trong những mục tiêu của chiến dịch đàn áp lớn chưa từng có liên quan đến lừa đảo qua thư trên toàn cầu.
Washington cho biết, PacNet là một phần của mạng lưới quốc tế đánh cắp hàng triệu USD từ hàng triệu nạn nhân cao tuổi. Chính phủ Mỹ đang thu thập hồ sơ khiếu nại của người dân.
Trong một động thái chưa từng có, Bộ Tài chính Mỹ coi PacNet là một “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia quan trọng”, xếp nó trong danh sách cùng những tên cướp, băng đảng ma túy và những kẻ giết người khét tiếng nhất thế giới.
Chính phủ Mỹ cũng phong tỏa quỹ của PacNet tại một ngân hàng của Mỹ và cáo buộc doanh nghiệp sử dụng tài khoản này để “tạo điều kiện cho các hoạt động rửa tiền” cho các chương trình bất hợp pháp. Các nhà điều tra phát hiện một công ty kiếm về hơn 50 triệu USD/năm. Và công ty này sử dụng dịch vụ của PacNet.
“PacNet là bên xử lý thanh toán được nhiều chương trình lừa đảo qua thư lựa chọn”, một Thanh tra Bưu chính viết trong hồ sơ tòa án.
Tuy nhiên, trong thông báo trên tài khoản Facebook của công ty, PacNet phủ nhận những cáo buộc và nói rằng họ đã dừng các hoạt động liên quan đến lừa đảo qua thư và khẳng định sẽ bảo vệ bản thân chống lại những cáo buộc chưa được chứng minh.
Thậm chí doanh nghiệp còn đe dọa những biện pháp đáp trả nếu CNN còn đề cập những nội dung liên quan đến mối quan hệ giữa dịch vụ xử lý thanh toán của công ty với các hoạt động lừa đảo.
“PacNet tuyên bố nhất quán và rõ ràng rằng doanh nghiệp không xử lý thanh toán cho bất kỳ chương trình nào mà công ty biết là lừa đảo”, Tom Clare, luật sư của PacNet, nhấn mạnh. Ông cho biết doanh nghiệp hợp tác với cuộc điều tra của bang Iowa.
Bằng chứng từ những con dấu
Quá trình lừa đảo diễn ra rất vòng vèo khiến các nạn nhân thường không nghĩ rằng PacNet liên quan, trừ một số trường hợp hiếm, các thành viên trong gia đình nạn nhân tìm thấy dòng chữ nhỏ ở mặt sau các tờ chi phiếu bị hủy và truy đến doanh nghiệp này.
Jennifer Bell, cư dân bang California, là một ví dụ. Cô nhận ra một số ngân phiếu gửi đến 3 địa chỉ khác nhau đều đóng dấu của PacNet trong thời gian gần đây.
Bell cho biết một người thân trong gia đình đã gửi những ngân phiếu đó. Bà lão mắc bệnh mất trí nhớ và đã gửi hàng chục nghìn USD cho những trò lừa đảo khác nhau. Thậm chí bà còn thế chấp nhà vì tin vào những trò lừa đảo đó.
“Thật kinh khủng khi nghĩ bà có thể liên tục gửi tiền cho chúng suốt 5 năm. Trong tất cả, sống trong trại dưỡng lão là điều mà bà không muốn nhất. Vì đã tiêu sạch số tiền mà bà có, cơn ác mộng tồi tệ nhất đã xảy ra”, Bell nói.
Bà lão qua đời vào năm ngoái.
Hàng chục đơn khiếu nại cùng hàng loạt cơ quan có thẩm quyền như Bộ Tư pháp các bang và Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng tìm ra điều mà Bell tìm thấy. Thông thường, các thành viên gia đình nộp đơn khiếu nại sau khi phân loại các chi phiếu mà người thân của họ chi cho các trò lừa đảo và nhận ra điểm chung là dấu “PacNet” ở mặt sau.
Một người đàn ông nói với Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp bang Florida rằng vợ ông gọi cho PacNet để cầu xin doanh nghiệp này ngăn những lá thư mời mọc gửi đến người bố vợ 84 tuổi bị mắc chứng mất trí nhớ. Tuy nhiên, chúng vẫn tới.
Thực tế, doanh nghiệp này không tự gửi những bức thư. Tuy nhiên, các nạn nhân của những chương trình lừa đảo mà công ty nhận xử lý thanh toán thường không biết đòi tiền ở đâu hay làm thế nào để những bức thư đừng đến.
“Có thể làm gì với PacNet?”, ông viết thư gửi Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp bang Florida và nói rằng cha vợ của ông gần đây đã phá sản và phải sống nhờ vào trợ cấp an sinh xã hội.
Và chỉ trong năm ngoái, một phụ nữ khác đã viết vài trang thư gửi tới Bộ trưởng Tư pháp bang Florida về trường hợp người mẹ 84 tuổi của bà, Ruby Helms. Bà nói Helms đã tiêu toàn bộ số tiền an sinh xã hội và lương cựu chiến binh vào các trò lừa đảo. Ngoài ra, mẹ của bà cũng rút tiền hưu trí, cầm cố trang sức và vay tiền. Ước tính thiệt hại hơn 50.000 USD.
“Tôi thu thập bản sao của các chi phiếu và xác định những tấm chi cho các loại phí liên quan đến rút thăm trúng thưởng đã gửi vào tài khoản của PacNet”, bà viết trong một đơn khiếu nại.
Zing