Không ai tin bản thân mình đang bị khống chế bởi tâm hồn kẻ khác. Nhưng dù bạn đi mua sắm, làm công việc thường ngày của mình, hay tham gia vào việc quản lý một tổ chức, doanh nghiệp, bạn đều phải đối mặt với hai lựa chọn – kiểm soát tâm lý người khác hoặc bị người khác kiểm soát tâm lý.
Tác giả Cao Đức gọi đó là sự “tẩy não”.
Ông là một Hoa kiều Mỹ, từng làm việc tại Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), sau khi rời FBI, ông mở một lớp đào tạo bí mật ở Washington, chuyên cung cấp khóa học bí mật trong các ông chủ tư nhân hoặc CEO công ty tại khu vực Bắc Mỹ như Microsoft, Mobil, Mckensson, CNN… Nhưng do sự can thiệp của FBI, lớp đào tạo của ông buộc phải đóng cửa sau một năm. Sau đó, ông cung cấp dịch vụ tư vấn và đào tạo quản lý cấp cao cho các công ty trong top 500, và thành lập Công ty Điều tra Grand.
Cuốn Thuật tẩy não – Nghệ thuật thao túng và kiểm soát tâm lý đối phương (do Alpha Books giữ bản quyền tiếng Việt theo thỏa thuận hợp tác với Beijing Fonghong Books) của Cao Đức có thể xem là một “bách khoa toàn thư” về kiểm soát tâm lý, giúp người đọc hiểu một cách toàn diện về bản chất của việc tẩy não, từ đó vận dụng nó vào các phương diện trong cuộc sống hằng ngày như giao tiếp xã hội, đàm phán, quản lý doanh nghiệp…
Trích lược một số nội dung trong sách:
Hằng ngày, chúng ta đều suy nghĩ về câu hỏi “vì sao”, bao gồm cả những câu hỏi mang ý nghĩa tiêu cực, như “Vì sao hàng xóm luôn lấn chiếm vườn hoa nhà tôi nhưn tôi chỉ biết nín nhịn?”, “Vì sao sếp luôn đặt ra kỳ hạn để làm khó tôi, trong khi A – anh bạn đồng nghiệp lười biếng, khôn lỏi của tôi lại thoát khỏi tầm nhìn của ông ta?”; hoặc tích cực hơn như “Vì sao có công ty quy củ trật tự, tốc độ phát triển nhanh đến mức đáng kinh ngạc, còn có công ty lại rối ren lộn xộn hệt như xưởng sản xuất thủ công của gia đình, khiến người ta không nhìn thấy một tia hy vọng nào?”…
Vì sao giữa nước này với nước kia, giữa người này với người khác lại luôn có sự khác biệt? Họ có điều kiện nền tảng như nhau, nhưng kết quả thu được lại trái ngược nhau? Vậy bí mật nằm ở đâu?
Rất ít người suy nghĩ nghiêm túc về những câu hỏi trên và tìm ra đáp án chính xác.
Về bản chất, bất cứ một công ty hay cả dây chuyền sản xuất nào, cũng đều giống với hệ thống “bán hàng đa cấp”, chỉ cấp bậc phía trên mới thu được nhiều lợi nhuận, còn các cấp bậc bên dưới đều là công cụ cung cấp dịch vụ và bị bóc lột.
Đó chính là bản chất của mô hình quản lý hiện đại, cũng là sự thật trong xã hội loài người. Quy luật hiện đại chính là kẻ mạnh dẫn dắt người yếu, kẻ thông minh quản lý người “ngu xuẩn”.
Bất kể mục đích quản lý là gì cũng phải được xây dựng và duy trì theo một trật tự nhất định. Từ khi có thuê mướn, quản lý đã bắt đầu xuất hiện. Khi một cuộc làm ăn có cơ hội sinh lời, nhưng khả năng của một cá nhân lại không thể quán xuyến hết mọi việc, anh ta sẽ phải thuê người làm, để họ bổ sung một vài khả năng nào đó cho mình.
Người làm thuê buộc phải phục tùng một bộ óc, hành vi của anh ta phải thể hiện được ý muốn của ông chủ. Để tiện việc kiểm soát, khiến anh ta làm việc với năng suất cao, thực hiện được lợi ích của mình, các ông chủ phải đảm bảo họ không đồng sàng dị mộng với mình, vì vậy mới cần đến tẩy não.
Ai cũng có tư duy riêng, nên nhiều điểm nhân viên có cách nghĩ khác với ông chủ, cho dù đứng trước cùng một vấn đề, cần phải đưa ra cùng một lựa chọn, cách hiểu của họ và cấp trên cũng có thể không giống nhau, do đó sẽ tạo ra sự khác biệt trong hành vi. Lúc này, quản lý chính là “tẩy não” – là loại bỏ những suy nghĩ khác biệt, để họ đi theo một lối tư duy duy nhất, và thực hiện một lựa chọn duy nhất, giống như một trình tự đã được thiết kế sẵn.
Trên thực tế, có không ít ông chủ rất thích sắm vai “anh hùng” hoặc “chuyên gia” của tổ chức. Họ thường xung phong nằm ở tuyến đầu, tiếp thị hoặc giải quyết vấn đề kỹ thuật trên thị trường.
Thường chuyện gì họ cũng muốn tự mình đảm nhiệm, tận tâm tận lực, làm tấm gương đáng ngưỡng mộ cho thuộc hạ, sau đó tự cho rằng đó là cách quản lý tốt nhất. Đó thật ra là một sai lầm.
Một người quản lý giỏi cần quan tâm đến việc làm thế nào tạo ra được một môi trường làm việc trật tự, sau đó đảm bảo năng suất, và phát huy đầy đủ năng lực của mỗi thành viên, cần biết huy động toàn bộ nhân viên cùng nhau tạo ra giá trị. Đó mới là mục đích của quản lý.
Đào tạo nhân viên, đàn ông và phụ nữ, tình cảm con người, trên đời này bất cứ mối quan hệ liên quan đến “người” nào cũng đều giống nhau về mặt bản chất. Kiểm soát tâm hồn, rồi đoạt lấy tư duy của người khác là những nội dung liên quan đến trật tự và năng suất.
Kẻ giàu không thắng về mặt quy tắc, anh ta thắng ở vạch xuất phát trong lúc bạn không chú ý. Thực ra, khi bạn còn đang ân hận vì mắc phải sai lầm nào đó, kết cục đã được ấn định trước rồi. Trước khi xuất phát, người chắc chắn sẽ thành công là người hiểu được một số kiến thức quan trọng sau đây:
1. Người sẽ thành công không tin bất cứ ai đã thành công, và cũng không bao giờ mê tín hoặc chạy theo kinh nghiệm nào đó. Họ chỉ tin vào chính mình, nắm chắc những thứ mình có thể nhìn thấy, và dự đoán xu thế sắp tới. Người thất bại thì luôn đi ngược lại, họ thích bám theo dấu chân người đi trước, và tưởng vậy có thể làm giảm tỷ lệ thất bại, họ tùy tiện tin tưởng bất cứ ai, từ đó đánh mất cơ hội quyết định vận mệnh của mình.
2. Người sẽ thành công không lập kế hoạch vĩ mô, mà chỉ chú trọng vào xu hướng phát triển để thúc đẩy sự việc. Không ai có thể hoạch định tương lai, chỉ cần làm tốt công việc của mỗi ngày, và nắm chắc từng giai đoạn mà mình dự đoán được. Người lập kế hoạch hằng ngày nhất định là người thất bại, bởi anh ta không có gì trong tay nên mới không ngừng làm vậy.
3. Người sẽ thành công hiểu rõ công dụng của đồng tiền, họ hiểu được giá trị của việc tập trung sức mạnh, kết thành một nhóm và sử dụng có trọng điểm. Những người khác không biết sử dụng đồng tiền một cách khéo léo nên để nó rơi vãi khắp nơi.
Những quy tắc đơn giản của kẻ thắng:
– Trước khi thay đổi quy tắc, hãy tuân thủ quy tắc. Mấu chốt nằm ở vế trước.
– Không nên lặp lại bất cứ việc gì, dù là việc cần thiết.
– Chủ động thu thập thông tin, cố gắng thâu tóm mọi thông tin, chứ không phải ngồi cầu nguyện.
– Đơn giản, trực tiếp và ra một đòn chí mạng.
– Tìm cách kết bạn, không tìm cách kết thù.
– Tìm phương án giải quyết vấn đề chứ không chỉ nhận ra vấn đề là gì.
– Theo đuổi quyền lực tối cao, kiểm soát quá trình, bao dung với kết quả đã đạt được.
– Trong đàm phán, giữ thái độ thấu hiểu lẫn nhau, tuy nhiên đó chỉ là phương pháp, không phải mục đích.
Bạn nhận thức được những quy tắc này đều vô cùng quan trọng, nhưng lại không có hành động tương xứng, thì cuối cùng bạn vẫn phải chịu thua trước cuộc sống của mình.
Một số tiêu chuẩn cốt lõi của kẻ chiến thắng:
Tư duy và nhận thức: Kỹ năng suy nghĩ đúng đắn thể hiện ở khả năng đưa ra đối sách và giải quyết vấn đề một cách chính xác. Kẻ thắng không chỉ là người có tư duy dẫn đầu mà còn là kẻ mạnh trong việc đầu tư vào mọi mặt trong cuộc sống thực tế, nhất là về tính cách. Họ có tinh thần kiên trì, bền bỉ và dũng cảm. Muốn nắm giữ số phận mình, trước hết bạn phải hoàn thành việc phát triển tư duy. Chiến thắng sự mù quáng của đám đông tức là vượt qua giới hạn tư duy tầm thường.
Nguyên tắc quan sát và phán đoán: Chúng ta không nhất thiết phải dự đoán tương lai một cách chính xác, nhưng bắt buộc phải nắm chắc nguyên tắc phân tích chính xác. Tầm nhìn của kẻ chiến thắng luôn nằm trong phạm vi an toàn. Trước khi quyết định leo lên đỉnh núi, họ dám chắc mình không rơi xuống vực sâu.
Hành động khác với bản thân: Kẻ thắng không bao giờ than vãn, tâm trạng của họ lúc nào cũng hưng phấn, họ tuyệt đối không làm những việc vô bổ. Khi có sự “bất công”, kẻ thắng sẽ chọn cách loại bỏ những tác động tiêu cực của nó, còn người khác sẽ chỉ biết trút ra tất cả sự bất mãn trong lòng. Đó là sự khác biệt trong hành động dẫn đến sự khác biệt cuối cùng ở số phận con người.
Quan niệm về của cải: Kẻ thắng coi danh lợi là công cụ, chứ không phải là thứ mình mưu cầu. Đối với họ, mất của chỉ là khởi đầu cho một thành công mới. Họ đặt ra quy tắc cho trò chơi kiếm tiền. Người nắm vững quy tắc là người thắng, họ dễ dàng lấy lại được thứ tạm thời bị mất.
Cách “tẩy não” nhân viên của các công ty nổi tiếng
Bia tưởng niệm nhân viên – Không ai bị lãng quên
Công ty Synovus ở Georgia (Mỹ) nhân rộng loại hình văn hóa khích lệ nhân viên, thậm chí họ còn đầu tư hàng trăm triệu đô la vào việc khắc tên tất cả nhân viên trên con đường lát gạch bên dòng suối nhỏ. Hằng tháng, tổng giám đốc công ty sẽ ăn trưa cùng 25 nhân viên, mỗi nhân viên sẽ được nhận năm bì thư có dán tem, trên đó để địa chỉ gửi thư của tổng giám đốc, để khuyến khích họ tích cực đưa ra ý kiến phản hồi.
Hứa hẹn tự do – Sự hào phóng của “ông chủ tốt nhất”
Kể từ năm 2000, mỗi nhân viên của hãng hàng không Southwest (Mỹ) đều nhận được một “kế hoạch bay cá nhân” gồm tám mục tự do (chăm sóc sức khỏe, an ninh tài chính, học tập và phát triển, đổi mới, du lịch, liên lạc, công tác và nghỉ ngơi, giải trí). Kế hoạch chỉ rõ nhân viên làm thế nào để đạt được những tự do đó, đồng thời cung cấp cho họ công cụ tương ứng. Southwest truyền tải “hình tượng thương hiệu của những “ông chủ tốt nhất” qua câu nói dí dỏm: “Hãy bắt đầu sự tự do có từ hàng không Southwest”. Hãng hàng không này cho rằng, việc hứa hẹn tự do có thể mang lại hiệu quả khích lệ nhân viên, để khắc sâu hình ảnh “ông chủ tốt nhất” trong lòng họ.
Kế hoạch bồi dưỡng bản thân – Xoa dịu chính mình
Ngân hàng Chase Manhattan có quy định, “những người nhiều lần từ chối tham gia chương trình bồi dưỡng mà không có lý do chính đáng sẽ bị ngân hàng sa thải”. Hằng năm, ngân hàng yêu cầu toàn bộ nhân viên phải lập kế hoạch tự bồi dưỡng bản thân. Chase Manhattan xây dựng kế hoạch đào tạo dựa trên cơ sở kế hoạch tự bồi dưỡng bản thân của nhân viên, kế hoạch này do tổng giám đốc ngân hàng đặt ra, và được trưởng phòng đào tạo tập hợp, triển khai. Ví dụ, một nhân viên viết trong bản kế hoạch tự bồi dưỡng bản thân như sau: tháng 1 – 2: nghiên cứu cơ cấu và môi trường làm việc trong ngân hàng, tháng 2 – 3: làm một bản tổng kết có hệ thống về những điểm chưa hài lòng ở ngân hàng, tháng 3 – 7: bổ sung những kỹ năng còn thiếu, tháng 7 – 12: đưa ra kiến nghị để cải thiện những thiếu sót của ngân hàng.
“Tòa án” công ty – Niềm tin được cứu vớt
Tập đoàn FedEx ban hành quy định “đối xử công bằng với nhân viên”, để người quản lý và nhân viên giám sát lẫn nhau trong việc thực hiện văn hóa công ty. Nếu nhân viên cảm thấy mình bị phân xử không công bằng, anh ta có thể báo cáo với cấp trên của sếp trong vòng bảy ngày. Trong bảy ngày kế tiếp, cấp trên của sếp sẽ phải mở “phiên tòa” phán quyết nhân viên đó đúng hay người quản lý của anh ta đúng. Nếu nhân viên vẫn chưa hài lòng, họ có thể tiếp tục khiếu nại lên cấp cao hơn. Không ít quyết định ban đầu của các cấp quản lý đã bị “tòa án” này bác bỏ, chính vì vậy trong tập đoàn chỉ có quyền lực lý tưởng chứ không có quyền lực cá nhân.
Mở ngân sách – Hoạch định cuộc đời của nhân viên
Matsushita Konosuke đặt ra chế độ “nhân viên có nhà để ở” để nhân viên “ba mươi lăm tuổi có khả năng sở hữu một ngôi nhà riêng”. Đồng thời ông còn quyên góp hai tỷ yen mở ngân sách cho “Hội ca ngợi công đức của chủ tịch tập đoàn Matsushita”, khuyến khích nhân viên hoạch định cuộc đời theo hướng phát triển của công ty, bằng việc thực hiện chế độ trợ cấp cho thân nhân nhân viên, trong trường hợp họ chết do tai nạn nghề nghiệp, để giải quyết nỗi lo sau này của nhân viên (ở Nhật Bản, hiện tượng nhân viên chết do làm việc quá sức rất nghiêm trọng).
Mời nhân viên quay lại làm việc – Không thể thoát khỏi “bàn tay quỷ dữ”
McKinsey tha thiết yêu cầu nhân viên để lại phương thức liên lạc khi họ xin từ chức, để hàng năm gửi thiệp chúc mừng sinh nhật, chúc mừng năm mới, do đích thân chủ tịch hoặc phó chủ tịch công ty ký tặng. Họ đều đặn gửi thông báo tình hình gần đây của công ty, và thỉnh thoảng lại mời nhân viên về công ty tham dự chương trình giao lưu, hoặc kiểm tra sức khỏe. Dù bạn đã rời công ty từ rất lâu, cũng sẽ ngấm dần những ảnh hưởng này.
Ngày gia đình – “Mua chuộc” người thân của bạn
Công ty Motorola của Trung Quốc thường mời nhân viên và người thân của họ đến tham quan nhà máy và môi trường làm việc trong Ngày gia đình, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động văn hóa thể thao phong phú. Vào Ngày gia đình, không chỉ có những tiết mục đặc sắc, tiếng nói cười vui vẻ, những phần thưởng phong phú, mà còn có cả tình cảm gia đình ấm áp, chan hòa. Motorola thu hút người lao động dựa vào văn hóa công ty, khi bạn có ý định nhảy việc, có lẽ người đầu tiên ngăn cả bạn không phải là công ty, mà chính là những người thân của bạn.
Với mỗi tập thể khác nhau, chúng ta phải tạo ra một kế hoạch tương ứng. Bạn phải đoán được sự mong đợi của họ, và làm hài lòng khẩu vị của họ. Có người thích quả táo màu xanh, có người lại thích táo non mang vị hơi chát. Xét về điểm này, các ông chủ thực sự đang “làm thuê” cho nhân viên của mình. Quá trình ấy giúp nhân viên nhận ra, chỉ có ông chủ mới có thể cho họ quả táo mang hương vị đặc biệt, và chỉ khi bước vào vườn táo họ mới tìm được loại quả mà mình muốn.
Cũng có vô số trường hợp thất bại. Những người chủ, người quản lý và chính trị gia bị người ta vô tình ruồng bỏ, không phải do họ mắc tội gì không thể tha thứ, nguyên nhân thật sự là do họ đưa ra thứ không phải mong đợi của đám đông, không phải sự kỳ vọng của cấp dưới.
Tâm lý đám đông mang sức mạnh cực lớn, người có khả năng tẩy não đều là người giỏi thúc đẩy tâm lý người khác. Họ hiểu rõ tâm lý đám đông là gì, và biết lợi dụng điểm này một cách thông minh, bình tĩnh. Nếu như bạn không biết chín mươi chín người muốn gì, cũng không hiểu cách dẫn dắt họ, thì không thể kiểm soát nổi một người còn lại, bạn chỉ có thể kiểm soát được chính mình mà thôi.
Richard Branson – ông chủ Tập đoàn Virgin, doanh nghiệp số một nước Anh là cao thủ bậc nhất trong việc “quản lý cảm xúc” của công chúng và nhân viên. Ông được xếp vào một trong hai mươi lăm nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn nhất trong vòng 25 năm qua, do chương trình truyền hình Nightly Business News của Mỹ và Trường Kinh doanh Wharton cùng bình chọn.
Ủy ban bầu chọn nhận xét về ông như sau: Richard Branson tham gia sáng lập và quản lý hơn 350 doanh nghiệp, vậy mà ông vẫn xử lý đâu vào đấy các công ty rải rắc khắp nơi. Theo một cuộc điều tra, có đến 96% người dân Anh biết đến thương hiệu Virgin, và 95% người biết tên ông.
Đâu là nhân tố quyết định thành công của Richard Branson? Giới truyền thông cho rằng ông là người chân thành và giữ chữ tín, nhưng có người lại cho rằng việc ông khéo đánh thức năng lượng tích cực bên trong nhân viên, và chỉ làm những việc quan trọng nhất mới là lý do giúp ông đạt được thành công.
Richard Branson nói: “Tưới nước cho cây hoa, nó sẽ tươi tốt, còn không nó sẽ khô héo. Đối với người làm thuê cho bạn hoặc cộng sự của bạn, bạn phải nhớ luôn rộng rãi lời khen với họ, khai thác ưu điểm của họ, có vậy nhân viên mới thể hiện ưu điểm của mình”.
Branson thích gửi tin nhắn cho nhân viên, để nói về tình hình kinh doanh của công ty, sau đó khuyến khích họ hiến kế cho công ty. Ông còn thường xuyên uống rượu, chuyện trò và khiêu vũ với nhân viên. Ông không bao giờ chứng tỏ “quyền lực đặc biệt” và địa vị của mình ở trước mặt cấp dưới. Ông thiên về việc trao đổi cởi mở với nhân viên, lắng nghe toàn bộ ý kiến của họ, đánh thức tâm lý vui vẻ vì được cống hiến của họ.
Trao đổi cởi mở với người làm thuê là công việc nền tảng của quản lý, nó có lợi cho bạn trong việc tìm hiểu mọi mặt cảm xúc của nhân viên, biết được họ đang nghĩ gì, sau đó mới có thể nhận ra đâu là việc quan trọng nhất, nắm được những vấn đề chính đó, và giải quyết chúng.
Nhận ra điểm chung và điểm riêng
Nếu bạn chỉ nhận ra điểm chung của sự việc, bạn chỉ là một hạt bụi, đâu đâu cũng đầy rẫy những người như bạn.
Nếu bạn chỉ nhận ra điểm riêng của sự việc, bạn chỉ là con dao, tuy sắc bén, nhưng ai cũng tránh xa bạn.
Làm sao hiểu được nhân viên đang nghĩ gì, nhìn ra điểm chung, điểm riêng của sự việc, và điểm giao nhau giữa hai điều này là gì? Trí tuệ truyền thống của người Trung Quốc sẽ mách cho bạn ba cách sau:
1/ Quan sắc: Quan sát sự thay đổi nét mặt và ánh mắt.
2/ Quan hành: Phán đoán tổng kết hành vi, cử chỉ.
3/ Quan tâm: Quan sát tâm lý người khác, lĩnh hội tâm trạng đối phương.
Mỗi người đều có những điểm chung, đồng thời cũng có những đặc tính khác với đám đông. Thông thường chúng ta nhìn ra điểm chung của mọi người ở bản thân mình, và nhận ra điểm riêng của mình ở người khác. Khi vận dụng logic này, bạn phải đảo ngược vị trí, quan sát theo hướng ngược lại. Tức là, nắm bắt những điểm riêng của người khác có mà bạn không có ở ngay chính bản thân bạn, đồng thời phát hiện ra những điểm chung mà cả bạn và họ đều có ở trên người anh ta.
Kết hợp hai điều này, bạn sẽ thuận lợi hơn trong việc quan sát tâm lý người khác. Đó cũng chính là bản chất của thuật đọc tâm trí và quản lý cảm xúc. Phán đoán nhu cầu ẩn chứa trong lòng đối phương thông qua biểu cảm, hành vi, đáng vẻ và giọng điệu của anh ta, có thể là một lời khẳng định, hay khen ngợi, hay chỉ là một ánh nhìn, để bạn có thể đưa ra hành động phù hợp và rõ ràng với nhu cầu của anh ta.
Nắm vững thuật đọc tâm trí
Không ai muốn người khác đọc được ý nghĩ của mình, đa số đều dùng vẻ bề ngoài để che đậy ý nghĩa thật sự bên trong, nhằm tránh sự thăm dò của người khác. Vì thế, chúng ta không nên chỉ nhìn vẻ bề ngoài của người khác.
Con người là động vật bậc cao, không một loại máy móc nào có thể hoàn toàn soi thấu họ. Việc chúng tôi có thể làm trong điều tra là từng bước phát hiện, vạch trần, phân tích ba phương diện của lời nói dối, kết hợp với phương pháp “cởi bỏ lớp vỏ ngụy trang”, dần đi sâu vào gỡ bỏ bản chất của lời nói dối, để biết được người bị điều tra đang che đậy sự thật gì, đồng thời phát hiện ra muôn hình vạn trạng các lời nói dối của họ, cũng như nhìn thấu những thủ đoạn dối trá mà họ thường dùng.
Phát hiện ra ngôn ngữ bạn không biết: Quan sát kỹ các chi tiết từ cách bắt tay cho đến dáng đứng, bạn có thể nhận ra đặc điểm tính cách thật sự của một người:
1/ Qua cách bắt tay, chúng ta có thể biết được người đó thuộc kiểu người thích điều khiển hay phục tùng người khác. Bạn cảm nhận được những điều này qua lực nắm tay.
2/ Qua nụ cười và tốc độ nói của đối phương, chúng ta có thể hiểu được đối phương có tính hướng nội hay hướng ngoại, đây là thông tin cực kỳ quan trọng.
3/ Từ biểu hiện thay đổi khi nói chuyện, và ánh mắt của người đó, chúng ta có thể nhận ra đối phương quen đưa ra phán đoán dựa trên sự thật hay thích xử lý vấn đề theo trực giác.
4/ Chúng ta tổng hợp những thông tin về dáng dứng, động tác tay và biểu hiện trên khuôn mặt để phán đoán tâm trạng hiện tại và mục đích của đối phương.
5/ Ánh mắt chứa đựng lượng lớn thông tin, nhưng bạn phải giải mã được ánh mắt đối phương, và nhận biết sự thật đằng sau ánh mắt đó.
6/ Khi người khác nói chuyện và hồi tưởng sự việc nào đó, bạn hãy chú ý tới vị trí mà bình thường anh ta hay để mắt đến, rồi xem lúc nói chuyện ánh mắt anh ta hướng vào đâu, và vẽ ra trong đầu một bức tranh chuyển động thông tin. Sau đó, trong lúc đang nói chuyện tự nhiên thoải mái, chúng ta có thể tung ra một câu hỏi mang tính chủ động để anh ta trả lời. Lúc này, bạn hãy chú ý đến biểu hiện của anh ta. Ánh mắt anh ta nhìn lên trên, nhìn sang hai bên hay nhìn xuống dưới? Những thông tin và biểu hiện khác nhau này quyết định tâm trạng của anh ta lúc đó.
Một khi biết được mong muốn và cảm xúc của đối phương, chúng ta có thể đưa ra kế hoạch đúng đắn, để lựa chiều bẻ lái, dẫn dắt cảm xúc của họ. Đó chính là tẩy não cảm xúc.
Chân lý là nước tẩy não tốt nhất
Ở miền nam nước Đức từng có một cô bé huấn luyện một con bò cái thành ngựa để cưỡi. Con bò đã lột xác đó mang tên Luna, nó ra đời tại một nông trại ở biên giới nước Đức. Regina, cô bé 15 tuổi, con gái của chủ nông trại luôn muốn có một con ngựa, nhưng ước muốn của em chưa thể thành hiện thực. Vì thế em đã chuyển sang huấn luyện Luna.
Hằng ngày, Regina dắt bò Luna đi bộ trong rừng, để vun đắp tình cảm giữa mình và con bò, đồng thời cũng nhằm cho con bò quen với yên ngựa. Luna hoàn thành vô số lần huấn luyện vì sự hấp dẫn từ thức ăn ngon. Đến một lúc, mọi hành vi của bò Luna đều giống hệt ngựa. Nó không những chở cô chủ đi trên những con đường nhỏ của vùng quê, giống như một con ngựa thực thụ, mà còn có thể phi qua rào, tuy động tác chưa thuần thục lắm. Kết quả này làm người ta không dám tin: Ngay cả một con bò cũng nghĩ mình là ngựa!
Có lần, sau khi làm phân tích xong, tôi chợt nghe thấy tiếng khóc nức nở của một vị phu nhân, vì cuối cùng bà đã hiểu rõ lý do vì sao 40 năm qua bà lại sống khổ sở như vậy. Bà bị ông chồng “nhốt” trong nhà, yên phận làm một bà nội trợ nhẫn nhịn chịu khó, nuôi dạy con cái, không nghĩ đến chuyện ra ngoài đi làm nữa. Hằng ngày, bà sống trong sự không cam tâm, nhưng vẫn không hề phản kháng, vì chồng bà và những người thân bên cạnh bảo rằng, giúp chồng nuôi dạy con cái là việc của cánh phụ nữ.
Thế giới từng áp chế những “người đàn bà thép”, nhưng cuối cùng những lời nói dối kiểu như “phụ nữ luôn có địa vị thấp kém” cũng bị vạch trần. Còn khi nó đang thịnh hành, hầu như tất cả phụ nữ đều tin là thật, ít người đứng ra vạch trần lời nói dối.
Mọi sự thật đều cho thấy chân lý là nước tẩy não tốt nhất, buộc người khác suy nghĩ vấn đề theo cách tư duy của bạn, bạn mới hoàn toàn khống chế được cục diện.
10 bí mật để thuyết phục người khác tin bạn một cách vô điều kiện:
1/ Tìm hiểu động cơ và phán đoán phản ứng của đối phương, là bước đi đúng đắn đầu tiên.
2/ Thuyết phục đối phương không nằm mục đích giành phần thắng, mà nhằm đạt được sự hợp tác chung.
3/ Tạo ra sự khác biệt cho mình khi đứng trước sự tương đồng với người khác.
4/ Lợi dụng hiệu ứng đoàn tàu một cách khéo léo. (Hiệu ứng đoàn tàu là khiến một người có xu hướng tin theo một việc có nhiều người làm, dù anh ta không hiểu vì sao mọi người hành động như vậy).
5/ Mọi thành công trong thuyết phục đều bắt nguồn từ cách diễn đạt hiệu quả, nên việc bạn đưa thông tin như thế nào sẽ quyết định đối phương có chấp nhận đề nghị của bạn hay không.
6/ Suy nghĩ như con ếch, bạn sẽ hiểu được cái ao. Tính tất yếu của nguyên tắc này nằm ở chỗ nếu bạn không coi mình là anh ta, bạn vốn dĩ không hiểu được anh ta đang nghĩ gì và thật sự mong muốn gì.
7/ Đừng đặt ra bất cứ điều kiện gì mang tính giới hạn cho đòi hỏi của bạn, hãy loại bỏ hết những yếu tố làm ảnh hưởng đến tâm trạng vui vẻ của đối phương. Nghĩa là, hai bên nên đối thoại bình đẳng, trao đổi tương tác và hợp tác cùng có lợi. Chỉ khi làm được điều này, sự thuyết phục của bạn mới tràn đầy sinh khí, và trở thành nền tảng vững chắc cho những việc tiếp theo.
8/ Bất cứ khi nào cũng không nên nhập nhằng chuyện làm ăn với tình cảm.
9/ Lợi dụng những yếu tố như quy tắc ngầm trong xã hội, tính mù quáng của con người và sự đưa đẩy của hoàn cảnh để đưa ra một lựa chọn đúng đắn có vẻ hợp lý. Đôi khi, con người đưa ra một quyết định không phải vì nó là quyết định đúng đắn, mà là một quyết định hợp lý.
10/ Không nên chiến thắng bằng hành động chế ngự đối phương. Bất kể bạn có đầy đủ điều kiện hay chưa, kiên nhẫn chờ đợi mới là vũ khí mạnh nhất.
>> 7 phẩm chất cần để có quyền lực