Từ một đất nước mà 78% các nạn nhân của những vụ quấy rối, tấn công tình dục chọn im lặng vì nghĩ rằng có hành động thì cũng không thay đổi được gì, Hàn Quốc giờ đây đang sôi sục vì chiến dịch #MeToo – cuộc vận động đã và đang đưa nhiều “yêu râu xanh” ở mọi lĩnh vực ra ánh sáng.
Ngày 5/10/2017, tờ The New York Times gây chấn động khi đăng tải bài viết vạch trần quá khứ đen tối của nhà sản xuất Harvey Weinstein , cáo buộc ông trùm Hollywood quấy rối tình dục hàng chục phụ nữ trong suốt 30 năm qua. Đã có hơn 80 phụ nữ, trong đó có những diễn viên nổi tiếng như Angelina Jolie , Gwyneth Paltrow , Cara Delevingne , lên tiếng tố cáo “vị chúa giải Quả cầu vàng” từng quấy rối hoặc tấn công tình dục họ.
Harvey Weinstein (trái)
Xuất phát từ scandal của Harvey Weinstein, một cuộc vận động đã được khởi xướng trên mạng xã hội với hashtag #MeToo (#TôiCũngVậy) nhằm vạch trần những hành vi quấy rối và tấn công tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc.
Hashtag này lần đầu được sử dụng bởi nhà hoạt động người Mỹ Tarana Burke và trở nên phổ biến nhờ bài đăng khuyến khích phụ nữ tweet #MeToo cùng câu chuyện của họ của nữ diễn viên phim Phép Thuật Alyssa Milano .
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng triệu lượt hashtag #MeToo xuất hiện trên internet, đưa cuộc vận động #MeToo lan tỏa ra nhiều quốc gia trên thế giới và làm nên những sự thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây. Đến tháng 12/2017, tạp chí Time gây bất ngờ khi công bố danh hiệu Nhân vật của năm thuộc về “The Silence Breakers” – những người phá vỡ sự im lặng. Không phải Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Time đã trao danh hiệu này cho chính những nạn nhân từng dũng cảm đứng ra tố cáo nạn quấy rối tình dục.
Danh hiệu “Nhân vật của năm” của Time thuộc về “những người phá vỡ sự im lặng”
Một cuộc khảo sát của chính phủ Hàn Quốc năm 2015 chỉ ra rằng, cứ 10 người lao động nước này thì có 8 người từng là nạn nhân của quấy rối, tấn công tình dục nhưng 78% trong số đó chọn im lặng vì nghĩ rằng có hành động thì cũng không thay đổi được gì, thậm chí người bị hại có thể sẽ phải chịu tổn thất sau khi cáo buộc.
Mặc dù là một quốc gia có nền kinh tế phát triển và công nghệ hiện đại, xã hội Hàn Quốc vẫn còn nặng tính gia trưởng, bảo thủ và vì vậy, người dân nước này ít khi lên tiếng về bạo lực tình dục. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra ở Hàn Quốc ở thời điểm hiện tại, con số 78% có thể sẽ bị giảm đi đáng kể trong thời gian tới.
Công tố viên Seo Ji Hyun xuất hiện trước báo giới tại buổi điều tra sau khi công khai vạch trần một lãnh đạo trên chương trình thời sự đài jTBC “Newsroom”.
Ngày 29/1/2018, chiến dịch #MeToo bùng nổ tại Hàn Quốc sau khi nữ công tố viên Seo Ji Hyun chia sẻ trên truyền hình về quá khứ từng bị một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tư pháp cưỡng hiếp tại một đám tang vào năm 2010. Seo Ji Hyun đã báo lại với cấp trên về hành vi của vị lãnh đạo trên nhưng cuối cùng, chính vị cấp trên này đã giáng chức Seo Ji Hyun để bưng bít mọi chuyện dù cô là một nhân viên có năng lực.
Cứ 10 người lao động Hàn Quốc thì có 8 người từng là nạn nhân của quấy rối, tấn công tình dục nhưng 78% trong số đó chọn im lặng.
Sau những tiết lộ của Seo Ji Hyun, người dân Hàn Quốc bị sốc khi biết rằng ngay cả các công tố viên – một trong những nhóm người quyền lực nhất trong xã hội Hàn – vẫn có thể là nạn nhân của tội ác tình dục. Phải mất đến 8 năm với tất cả những đấu tranh đau khổ nhất, Seo Ji Hyun mới có thể công khai câu chuyện của mình trên các phương tiện truyền thông.
Vụ việc của Seo Ji Hyun nhanh chóng mở ra một cuộc vận động chống tội ác tình dục chưa từng có tại Hàn Quốc và thực sự làm rung chuyển mọi mặt xã hội ở đất nước này chứ không riêng giới luật gia của Seo Ji Hyun. Phải mất gần 4 tháng #MeToo mới từ Mỹ lan tỏa được đến xứ kimchi, thế nhưng đây lại là một trong những quốc gia mà phong trào #TôiCũngVậy cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, sâu rộng nhất và khiến dư luận bàng hoàng nhiều nhất.
Chính khách Ahn Hee Jung.
Trong giới chính trị: Thống đốc tỉnh Chungcheong-nam Ahn Hee Jung đưa ra lời xin lỗi, đệ đơn từ chức và bị trục xuất khỏi Đảng Dân chủ sau khi thư ký của ông ta là Kim Ji Eun nói trên sóng trực tiếp của đài jTBC rằng cô bị Ahn cưỡng hiếp 4 lần trong hơn 8 tháng và có nhiều hơn một nạn nhân trong văn phòng của Ahn. Ngày 7/3, thành viên Đảng Dân chủ Chung Bong Ju đột ngột hủy cuộc vận động tranh cử chức Thị trưởng Seoul ngay sau khi tin tức ông từng cưỡng hiếp một phóng viên được đăng tải.
Trong giới ngôn luận báo chí: Phóng viên Im Bo Young, phóng viên Song Ji Hye và một phóng viên của YTN tố bị cấp trên, đồng nghiệp quấy rối. Ngày 14/2, đài KBS công bố hai đoạn video với thời lượng 8 phút và 6 phút trên chương trình “KBS MeToo: Các phóng viên của KBS lên tiếng”. Hai video có sự xuất hiện của các phóng viên nhà đài gồm Esther Park, Lee Ji Yoon, Shin Bang Sil, Park Dae Gi, Choi Eun Jin, những người “từng phải trải qua văn hóa bạo lực tình dục bên trong KBS”.
Trong giới doanh nghiệp: Park Sam Koo, 73 tuổi, chủ tịch Kumho Asiana Group – công ty mẹ của Asiana Airlines, đã phải xin lỗi sau khi bị các nhân viên của hãng tố trên ứng dụng Blind là có hành vi không đứng đắn với các tiếp viên nữ. Họ tiết lộ rằng Park Sam Koo đều đặn thăm tổng hành dinh của Asiana Airlines ở Seoul vào buổi sáng thứ Năm đầu tiên của mỗi tháng. Các tiếp viên hàng không sẽ phải tập hợp đầy đủ để chào Park bằng cách bắt tay hay ôm ông.
Đây là lần đầu tiên ở Hàn Quốc hành vi không đứng đắn của một tài phiệt (chaebol) trở thành mục tiêu của #MeToo.
Trong giới thể thao: Kỳ thủ cờ vây Yoo Chang Hyuk bị tung bằng chứng phân biệt giới tính khi còn là huấn luyện viên đội tuyển cờ vây quốc gia. Yoo sau đó đã phải mở họp báo xin lỗi về phát ngôn của mình.
Trong giới tôn giáo: Tín đồ Thiên chúa giáo Kim Min Kyung tố một mục sư đã cưỡng hiếp cô vào năm 2011 khi đang làm tình nguyện. Hội Giám mục Thiên chúa giáo Hàn Quốc đã đưa ra lời xin lỗi với Kim và thông báo rằng mục sư kia đã bị trục xuất khỏi xứ đạo. Ngoài Đạo Thiên chúa, Đạo Tin lành cũng phải đối mặt với bê bối tình dục liên quan tới các tín đồ của mình.
Trong giới học sinh sinh viên: Rất nhiều trường hợp sinh viên các trường đại học bị quấy rối bởi chính bạn học và giáo viên trong trường. Các đại học lớn như Đại học Seoul, Đại học nữ sinh Ehwa, Đại học Sungkyunkwan, Đại học Dongguk,… đều có trung tâm bảo vệ quyền con người riêng và công khai ủng hộ chiến dịch #MeToo.
Văn hóa nghệ thuật chính là lĩnh vực được nhiều người quan tâm nhất trong chiến dịch #MeToo, cũng là lĩnh vực mà số lượng “tội phạm” bị vạch trần cao nhất, phủ kín mọi địa hạt: văn thơ, điện ảnh, sân khấu kịch, âm nhạc, truyện tranh, nhiếp ảnh, truyền hình, ngoài ra còn có tiểu văn hóa. Trong số này, có những người thậm chí từng được tôn vinh là ông bố quốc dân, là ông tiên phòng vé, là tượng đài, là vị thánh của lĩnh vực nghệ thuật mà họ theo đuổi.
Nhà thơ Ko Un bị gián tiếp gọi là “con quái vật”.
Tháng 12/2017, bài thơ “The Beast” (Con Quái Vật) của nữ nhà thơ Choi Young Mi gián tiếp vạch mặt nhà thơ Ko Un trước khi rất nhiều phụ nữ khác trong ngành đứng lên tố cáo tội ác của nhân vật này trong suốt nhiều thập kỉ. Ko Un, từ vị thế là biểu tượng và niềm hi vọng của thi ca Hàn Quốc tại giải Nobel, đã bị xóa tên khỏi sách giáo khoa, bị đồng nghiệp chỉ trích, mất chức vị giáo sư ở đại học KAIST. Dù đã phủ nhận cáo buộc, số lượng người nói rằng họ là nạn nhân của Ko Un vẫn không ngừng tăng.
Lee Youn Taek là nhà thơ, nhà soạn kịch xuất chúng của sân khấu kịch Hàn Quốc, ông chủ của đoàn kịch Yeonhee. Ngày 13/2, ông bị cáo buộc quấy rối tình dục nhiều nghệ sĩ và nhân viên nữ trong đoàn suốt 18 năm. Gần một tuần sau đó, Lee cúi đầu thừa nhận toàn bộ lỗi lầm của mình, ngoại trừ chi tiết ông đưa tiền cho nạn nhân để họ phá thai.
Cái cúi đầu xin lỗi muộn màng của Lee Youn Taek.
Lee là cái tên nổi bật nhất trong danh sách những nghệ sĩ sân khấu trở thành mục tiêu của #MeToo. Ngoài ông còn có Ha Yong Boo, Oh Tae Suk, Han Myung Gu và đặc biệt là nam diễn viên Dream High Choi Il Hwa . Sau khi thú nhận từng quấy rối tình dục, Choi Il Hwa lập tức bị đuổi khỏi dự án phim Hold Me Tight, mất chức giám đốc ở Hiệp hội Diễn viên Hàn Quốc và cố vấn học thuật tại Đại học Sejong.
Những tưởng vụ việc của Choi Il Hwa đã khép lại thì đến sáng 26/2, một phụ nữ từng là diễn viên lên tiếng cho biết cô cảm thấy tức giận khi đọc lời thú nhận của Choi Il Hwa. Cựu diễn viên này chia sẻ với báo chí rằng hành vi mà Choi Il Hwa từng làm với cô trong quá khứ không phải là quấy rối tình dục, mà là tấn công tình dục (cưỡng hiếp). “Tôi đang chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Trước khi tôi chết, tôi muốn nhận được lời xin lỗi chân thành từ Choi Il Hwa”, cô nói.
Nam diễn viên Choi Il Hwa.
Choi Il Hwa không phải là nghệ sĩ duy nhất khiến công chúng choáng váng vì bản chất đê tiện đằng sau gương mặt hiền lành, phúc hậu trên màn ảnh. Ở mảng điện ảnh – lĩnh vực văn hóa chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ chiến dịch #MeToo – ngoài Choi Il Hwa còn có 5 cái tên khác đã thừa nhận hoặc bị cáo buộc có hành vi quấy rối, tấn công tình dục, đó là đạo diễn Kim Ki Duk , đạo diễn Lee Hyun Joo, các nam diễn viên Jo Min Ki , Jo Jae Hyun và Oh Dal Soo .
Đầu tiên phải nhắc đến nam diễn viên Phía Đông Vườn Địa Đàng Jo Min Ki, vị giáo sư “đáng kính” bị hơn 20 sinh viên trường Đại học Cheongju tố cáo hành vi đồi bại. Ban đầu, ông phủ nhận tội trạng của mình và nói rằng tất cả chỉ là tin đồn. Tuy nhiên, khi số lượng sinh viên tố cáo tăng lên nhiều hơn, trong đó có cả nam sinh, Jo mới thừa nhận và xin lỗi công khai. Ngay lập tức, Jo Min Ki bị đuổi khỏi bộ phim Children of a Lesser God , mất chức danh giáo sư, bị công ty quản lí cắt hợp đồng và bị cảnh sát sờ gáy. Ngày 9/3, Jo tự tử sau toàn bộ bê bối. Đến cuối cùng, kẻ phạm tội vẫn thật ích kỷ.
Hiện trường nơi phát hiện thi thể của Jo Min Ki.
So về danh tiếng và độ quyền lực, Choi Il Hwa và Jo Min Ki chắc chắn đều không bằng được “ông tiên 10 triệu” Oh Dal Soo, người có số lượng phim quốc dân trên 10 triệu vé nhiều hơn bất kì ai ở làng phim Hàn. Chỉ trong vài ngày, Oh từ một “ông tiên” trở thành “con quỷ” trong mắt công chúng đúng như những gì mà một nạn nhân từng tức giận miêu tả về ông. Ban đầu, Oh phủ nhận toàn bộ cáo buộc, thậm chí còn dọa kiện những người vu khống. Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi nữ diễn viên Uhm Ji Young dũng cảm vạch mặt Oh trên chương trình Newsroom, Oh đã phải thừa nhận tội lỗi. Điều trớ trêu là trước đây, Oh từng là gương mặt đại diện của một sở cảnh sát, xuất hiện trên tấm banner quảng cáo với dòng chữ: “Hãy chỉ tin chú thôi”.
Trước khi bị vạch trần là yêu râu xanh, Oh Dal Soo là gương mặt đại diện của sở cảnh sát.
Ngay lập tức, Oh bị đuổi khỏi dự án My Ahjusshi , nhà đài tvN đã phải xóa toàn bộ clip quảng bá phim có mặt ông ta. Phần hai của bom tấn Thử Thách Thần Chết dù đã quay xong từ một năm trước và chỉ còn chờ ngày ra rạp vào tháng 8 năm nay cũng phải cắt bỏ mọi cảnh quay của Oh và tiến hành ghi hình lại. Không chỉ Oh, Choi Il Hwa cũng góp mặt trong phần hai và tất nhiên cũng phải chịu sự trừng phạt tương tự. Thử Thách Thần Chết 2 chỉ là một trong rất nhiều phim được dự kiến ra rạp của Oh trong năm nay.
Các cảnh phim của Oh Dal Soo và Choi Il Hwa trong “Thử Thách Thần Chết” phần 2 đều đã bị loại bỏ và tiến hành ghi hình lại.
Lại thêm một gương mặt thân quen khác với khán giả điện ảnh Hàn – Jo Jae Hyun. Một ngày sau khi bị nữ diễn viên Choi Yul cáo buộc trên Instagram, tài tử Jo Jae Hyun thừa nhận hành vi sai trái của mình: “Tôi xin thú nhận, tôi đã sống một cuộc đời sai trái”. Nam diễn viên 53 tuổi thừa nhận 80% các cáo buộc, gọi mình là một “kẻ tội lỗi”, một “con quái vật” và “xin cúi đầu tạ tội” trước các nạn nhân. Jo bị đuổi khỏi bộ phim đang đóng chính Cross và không còn là giám đốc điều hành của Liên hoan phim Tài liệu Quốc tế DMZ, chức vụ mà Jo đã đảm nhận từ năm 2009, cũng như giáo sư Đại học Kyungsung.
Khi nhà sản xuất quyết định để nhân vật của Jo Jae Hyun biến mất khỏi “Cross” bằng cách chết, nhiều cư dân mạng Hàn Quốc đề xuất rằng nhân vật này nên bị bỏ tù vì tội hiếp dâm thì hơn.
Danh sách nghệ sĩ là mục tiêu của #MeToo vẫn chưa dừng lại ở đó. Kim Ki Duk, “quái kiệt” của điện ảnh Hàn Quốc, hiện đang là cái tên duy nhất mà báo chí chưa liên lạc được để làm rõ loạt cáo buộc. Kim từng phủ nhận một số lời tố cáo, tuy nhiên sau đó, số lượng cáo buộc tiếp tục tăng. Gần đây nhất là lời tố cáo của một nhân viên nữ với đài MBC rằng Kim từng bắt cô đến khách sạn, thủ dâm trước mặt ông và quan hệ tình dục. Trong nhiều cáo buộc liên quan tới Kim còn có sự xuất hiện của Jo Jae Hyun, người tham gia hầu hết các phim của ông.
Nếu như những cáo buộc về phía Kim là đúng sự thật thì sẽ thật khó chịu khi nhìn lại những tác phẩm của ông. Bên cạnh lời khen ngợi dành cho tính triết học, rất nhiều phim của Kim gây tranh cãi vì tư tưởng ghét phụ nữ, ưa bạo lực, khai thác những vấn đề quá kinh khủng trong đó có bạo lực, loạn luân, thách thức và làm méo mó, lệch lạc tâm hồn người xem. Tác phẩm gần đây nhất của ông, Human, Space, Time, and Human , được trình chiếu tại LHP Quốc tế Berlin và cũng gặp phải những ý kiến trái chiều tương tự. Giống như Moebius, nhiều khán giả đã phải bỏ về vì không chịu đựng được bộ phim này. Với scandal hiện tại, nhiều khả năng phim sẽ không được phát hành tại Hàn Quốc, đất nước vốn cũng không mặn mà với Kim Ki Duk dù ông từng nhiều lần làm rạng danh điện ảnh quê nhà ở quốc tế.
Kim Ki Duk và Jo Jae Hyun là cặp bài trùng của điện ảnh Hàn Quốc.
Những cái tên khác trong ngành giải trí bị ảnh hưởng bởi chiến dịch #MeToo còn có Don Malik, Nam Goong Yeon (âm nhạc), Park Jae Dong (truyện tranh, hoạt hình), Bae Byung Woo, ROTTA (nhiếp ảnh),… Không một lĩnh vực nào bị bỏ sót, vì tất cả đều nằm trong bức tranh xấu xí về một nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc mà ai cũng biết là đã lắm dơ bẩn từ lâu rồi.
Có một chút rùng mình khi ngày nào, chúng ta cũng đọc được những tin tức mới về #MeToo hay lại thấy có thêm một nhân vật nào đó bị tố cáo. Thậm chí, bên cạnh những mặt tích cực, chiến dịch #MeToo cũng vấp phải không ít tranh cãi. Đầu tiên là phải kể đến việc nhiều người vô tội đã bị ảnh hưởng tiêu cực trong chiến dịch này vì những cáo buộc sai sự thật nhằm mục đích xấu, trong đó có các nghệ sĩ Kwak Do Won , Sun Woo Jae Duk, Lee Hae Young và cố ca sĩ Shin Hae Chul. Ngay cả những nhân vật từng thừa nhận tội lỗi của mình cũng nói rằng trong số những lời tố cáo về phía họ, nhiều cáo buộc là vu khống.
Sự bùng nổ của #MeToo còn dẫn tới một hệ lụy khác, đó là phụ nữ bị xa lánh ở nơi làm việc. Văn hóa uống rượu công sở đã ăn sâu vào đời sống người Hàn Quốc, tuy nhiên gần đây, nhiều lao động nữ nước này nói rằng họ bị cấp trên yêu cầu về nhà thay vì được tham gia vào các cuộc chè chén, nhậu nhẹt. Một nữ nhân viên văn phòng 29 tuổi làm việc ở phía nam Seoul nói: “Tôi không làm gì sai cả, nhưng tôi cảm thấy tôi đang bị đối xử như thể tôi đã làm sai điều gì đó vậy”.
Sau cái chết của Jo Min Ki, những tranh cãi về #MeToo càng trở nên nghiêm trọng. Nhiều người gọi chiến dịch này là “witch hunt” (cuộc điều tra nhằm mục đích khủng bố) và chỉ trích cách thức tố cáo của nó – dùng việc hô hào xã hội để tố tụng vấn đề cá nhân thay vì nhờ tới các cơ quan tư pháp. Kim Seon Taek, chủ tịch Hiệp hội Những người đóng thuế Hàn Quốc, viết trên tài khoản mạng xã hội: “Trong xã hội dân chủ, con người có quyền được xét xử công bằng chứ không phải bị phán xét bởi ý kiến cộng đồng. Những người đang bị cáo buộc trong chiến dịch #MeToo đang bị phán xét bởi truyền thông và cộng đồng mà không phải luật pháp, điều này là trái với Hiến pháp”. Kim cũng gọi những gì đang diễn ra là một cách “giết người man rợ”.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia đã lên tiếng bênh vực chiến dịch #MeToo, cho rằng cái chết của Jo Min Ki có thể khiến các nạn nhân trở nên sợ sệt trước việc tố giác kẻ phạm tội. Kim Hak Jung, giám đốc Viện Quan hệ Gia đình, khẳng định chiến dịch này là để hướng tới một xã hội trong lành, an toàn hơn và không có tội phạm tình dục. Trong khi đó, Bang Gui Hee, giáo sư Đại học Soongsil, cho rằng có thể có nhiều nguyên nhân đằng sau việc Jo Min Ki tìm đến cái chết: “Có thể là vì anh ta ân hận, nhưng cũng có thể là vì lí do khác, trong đó có kinh tế”. Chính nhờ những lời ủng hộ này, #MeToo vẫn diễn ra mạnh mẽ ngay cả khi một kẻ phạm tội đã chết vì nó.
Tổng thống Moon Jae In tại cuộc họp với các cố vấn hôm 26/2.
Trong cuộc họp với các cố vấn hôm 26/2, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi: “Tôi mạnh mẽ ủng hộ chiến dịch này. Bạo lực giới tính là một vấn đề của cơ cấu xã hội, cho phép những kẻ có quyền lực đàn áp tình dục hoặc có hành vi bạo lực với những người yếu thế. Tôi hoan nghênh những nạn nhân đã dũng cảm nói lên câu chuyện của họ”.
Vì sao Hàn Quốc có quá nhiều yêu râu xanh, nhưng phải tới #MeToo các nạn nhân mới dám đưa thủ phạm ra ánh sáng? Xã hội Hàn Quốc nói chung, showbiz Hàn nói riêng và ngay cả chính công chúng vẫn đang tồn tại cái nhìn khắt khe với phụ nữ. Ví dụ như trong làng giải trí, một nam tài tử ngoại tình có thể chỉ mất một thời gian ngắn để khôi phục lại tên tuổi và được yêu mến như thường, nhưng các nghệ sĩ nữ dù có tài năng đến đâu thì dường như không được may mắn như vậy.
Với những nghệ sĩ ít tiếng tăm, quyền lực, việc dám đem tên tuổi của mình ra để tố cáo càng trở nên khó khăn hơn nên họ đành nhắm mắt làm ngơ. Vì vậy, khi #MeToo bùng lên bằng vụ việc của một công tố viên, các nạn nhân biết rằng đang có rất nhiều người giống như họ, ủng hộ họ và cần sự lên tiếng của họ. Nhờ đó mà chúng ta mới thấy được một Uhm Ji Young dũng cảm nói rõ họ tên mình trên sóng trực tiếp, một cựu diễn viên quyết đấu tranh tới cùng dù cơ thể đang bị hủy hoại từng ngày vì căn bệnh ung thư.
Không còn là những nỗi sợ sẽ bị hãm hại sau khi tố cáo, không còn là nỗi sợ những lời đổ tội của những người xung quanh: “Ai bảo cô mặc bộ đồ đó làm gì?”, “Chính cô đã cho con yêu râu xanh đó cơ hội đấy chứ”. Giờ đây, phụ nữ và cả đàn ông Hàn Quốc đều đang được cả xã hội ủng hộ để nói ra nỗi đau của họ. Các ca sĩ Park Hye Kyung, Amber , loạt diễn viên Lee Soon Jae, Kim Nam Joo , Kim Ok Bin , Kim Tae Ri , UEE, Lee Joo Young, Shin So Yul, Choi Hee Seo, Kim Ji Woo,… là những nghệ sĩ đã công khai ủng hộ chiến dịch với các hashtag #MeToo #WithYou #MeFirst #WeToo.
Loạt nghệ sĩ lên tiếng ủng hộ chiến dịch #MeToo.
Nếu như trong quá khứ, các vụ án quấy rối, tấn công tình dục của người nổi tiếng thường chỉ được đưa lên mặt báo một cách nhỏ lẻ, không tạo thành một làn sóng trong xã hội và thậm chí còn bị khép lại khi vẫn còn quá nhiều uẩn khúc, thì #MeToo lại cho thấy những điều ngược lại. Đã hơn một tháng trôi qua nhưng sức nóng của phong trào này vẫn rất dai dẳng và chưa có dấu hiệu bị lụi tắt. Có thể nói, trong lịch sử chưa từng có một chiến dịch nào đạt được những thành công như vậy. Liệu #MeToo sẽ duy trì như thế nào và sẽ còn lan tỏa ra sao trong thời gian tới, thật đáng để chờ đợi.
Ngày 8/3 năm nay, phụ nữ Hàn Quốc không chỉ ở nhà đợi những món quà mà ra đường và tham gia cuộc biểu tình thuộc chiến dịch #MeToo.
Trong khi những tên yêu râu xanh chỉ chịu trách nhiệm riêng về bản thân họ vì những gì chính họ tự gây ra, thì các nạn nhân và các tập thể, tổ chức liên quan thậm chí còn bị liên lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bội phần. Tất cả cuộc đời đã bị đảo lộn chỉ vì một tai nạn ghê tởm và ngu xuẩn. Mọi chuyện dù có thể kết thúc bằng một mạng sống, nạn nhân hay thủ phạm dù có thể chọn cách kết liễu đời mình để trốn tránh những khủng hoảng tâm lí, áp lực dư luận, nhưng hậu quả mà tội ác ấy để lại sẽ không thể nào tan biến.
Trí thức trẻ