Doanh nghiệpKinh doanh
Toyota và Honda ngừng xuất xe sang Việt Nam vì Nghị định 116?
Các hãng xe lớn của Nhật Bản đã dừng sản xuất các dòng xe cho thị trường Việt Nam sau khi Nghị định 116 có hiệu lực, Nikkei đưa tin.
Ảnh minh họa.
Theo Nikkei, hai “ông lớn” sản xuất ô tô của Nhật Bản là Toyota và Honda đã tạm dừng xuất khẩu xe sang Việt Nam kể từ đầu năm nay sau khi một quy định mới yêu cầu kiểm tra khắt khe các xe nhập khẩu. Đây được coi là một động thái nhằm bảo hộ công nghiệp ô tô trong nước.
Quy định mới này có hiệu lực khi Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với xe ô tô từ ASEAN kể từ tháng 1/2017 từ mức 30% trước đó, chậm hơn 2 năm so với các quốc gia thành viên khác.
Toyota hôm thứ Ba cho biết hãng này đã dừng việc sản xuất các loại xe để xuất khẩu sang thị trường Việt Nam. Dù có nhà máy sản xuất xe tại Việt Nam, nhưng lượng xe nhập khẩu của “ông lớn” này từ Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản vẫn chiếm khoảng 20% số xe bán tại thị trường này, tương đương 1.000 xe/tháng. Các dòng xe nhập khẩu bao gồm xe bán tải Hilux, xe du lịch Yaris, xe đa dụng Fortuner và xe hạng sang Lexus.
“Tiêu thụ xe tại thị trường xe Việt Nam giảm tốc trong năm ngoái bởi người tiêu dùng chờ đợi việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu vào cuối năm 2017”, Chủ tịch Toyota Thái Lan Michinobu Sugata cho biết.
Số liệu thống kê cho thấy doanh số bán xe tại Việt Nam trong 11 tháng đầu năm giảm 10% so với cùng kỳ còn 245.000 xe. “Chúng tôi dự báo doanh số sẽ tăng mạnh trong năm 2018, nhưng vì các hàng rào phi thuế quan do Chính phủ Việt Nam đề ra, chúng tôi không thể xuất khẩu sang thị trường này”, ông Sugata nói.
Nghị định 116 do Chính phủ ban hành tháng 10/2017 về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô yêu cầu kiểm tra khí thải và an toàn đối với mỗi lo hàng nhập khẩu. Trước đó, việc kiểm tra chỉ áp dụng đối với lô nhập khẩu đầu tiên của mỗi dòng xe.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam cho rằng, mỗi lần kiểm tra khí thải phải mất đến 2 tháng và gây tốn kém 10.000 USD. “Điều này sẽ gây tốn kém nhiều về thời gian và tiền bạc”, đại diện cơ quan này cho biết trong một phát biểu vào tháng 12/2017.
Nghị định cũng yêu cầu tất cả các mẫu xe phải có giấy chứng nhận VTA do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. VTA được dùng để chứng minh rằng chiếc xe đạt tiêu chuẩn của quốc gia mà nó sẽ được tiêu thụ và thường được các đơn vị trong nước của nước nhập khẩu cấp.
Kể từ khi Nghị định 116 được ban hành tháng 10 năm ngoái, chính phủ các nước có xe xuất khẩu như Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ đã bày tỏ mối quan ngại với phía Việt Nam về những khó khăn khi xuất khẩu ô tô sang thị trường này. Thậm chí, các nước đó còn cho rằng nghị định có thể vi phạm các quy định của WTO.
Tác động lớn
Nghị định 116 cũng khiến các nhà sản xuất ô tô khác bị bất ngờ. Honda trước đó đã chuyển việc sản xuất dòng xe CR-V cho thị trường Việt Nam sang Thái Lan. Trước đó, các phụ tùng được nhập từ Thái Lan được lắp ráp và hoàn thiện ở Việt Nam.
Hãng này tính tận dụng thuế suất nhập khẩu về 0% để hoàn thiện dòng xe SUV này ở Thái Lan để tiết kiệm chi phí. Với quy định mới này, Honda đã phải dừng việc sản xuất này từ đầu tháng 1.
Trước đó, Honda lên kế hoạch nhập khẩu 10.000 xe CR-V trong năm 2018, tăng 70% so với lượng xe sản xuất ở Việt Nam trong năm ngoái, nhất là sau khi hãng tung ra mẫu xe mới.
Một đại lý xe ở Hà Nội cho biết đã nhận được đặt hàng cho dòng xe mới này, nhưng cho biết phải sớm nhất đến tháng 4 xe mới được nhập về.
Một “ông lớn” xe Nhật khác là Mitsubishi cũng đã ngừng sản xuất dòng xe Pajero Sports tại Thái Lan cho tại trường Việt Nam.
Đại diện Ford Thái Lan cũng bày tỏ lo ngại về tác động của Nghị định 116 đối với việc kinh doanh.
Việt Nam, cùng với Campuchia, Lào và Myanmar, đã có thời gian ân hạn 2 năm để dỡ bỏ tất cả thuế quan đối với các mặt hàng đã được các thành viên ASEAN thống nhất khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015.
Các công ty, đặc biệt là các nhà sản xuất, đã tận dụng khuôn khổ này để thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới và thiết lập các chuỗi cung ứng trong khu vực.
ANH MINH