Câu chuyệnKinh doanh

Từng một thời làm mưa làm gió, vì đâu Tonkin Coffee thất bại đến mức phải “bán mình”?

1 triệu USD bán mình của Tonkin Coffee, tiếc thay, cũng chỉ ngang giá trị thương hiệu này cách đây 14 năm…

Từng một thời làm mưa làm gió, vì đâu Tonkin Coffee thất bại đến mức phải “bán mình”?

Ảnh minh họa.

Tonkin Coffee từng là “chốn trú chân” yêu thích của nhiều tín đồ cà phê ở Hà Nội. Thương hiệu này đã làm mưa làm gió tại Hà Nội trước khi có sự xuất hiện của Highlands Coffee.

Theo thông tin mới đây từ tờ Deal Street Asia, Founder Team vừa cho hay đã mua lại 90% cổ phần của chuỗi cà phê Tonkin với giá 1 triệu USD.

Con số 1 triệu USD thực ra đã từng được một công ty Pháp định giá thương hiệu cho Tonkin, nhưng là từ cách đây 14 năm.

Cụ thể là theo chia sẻ của ông Bùi Ngọc Hà – Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Cà phê Bắc Bộ – từng “khoe” trên báo Doanh nhân mấy năm trước, thì hồi năm 2003 một công ty Pháp đã tiến hành định giá thương hiệu Tonkin Coffee vào khoảng 1 triệu USD.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, tính xác thực của mức giá này vẫn còn là một dấu hỏi.

Nóng vội mở chuỗi, thương hiệu 20 năm tuổi phải ngậm trái đắng

Khởi điểm là một quán cà phê nhỏ hoạt động theo mô hình gia đình. Ban đầu chỉ rang xay cà phê sống tại chỗ, nhưng sau này Tonkin chuyển sang sử dụng cà phê pha sẵn vì khách ngày một đông. Vào thời hoàng kim của mình, Tonkin Coffee đã nhân rộng lên tới 8 quán. Đó là các địa điểm số 4, 39A và 87 Lý Thường Kiệt, 8 xóm Hà Hồi, 1 và 12A Hai Bà Trưng, 33 Lê Đại Hành và 36 Quang Trung.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Trà và Cà phê Bắc Bộ – chủ sở hữu thương hiệu và chuỗi cà phê Tonkin Coffee được thành lập năm 1997. Công ty này có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, trong đó bà Nga làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, nắm giữ 80% cổ phần và ông Bùi Ngọc Hà, Phó giám đốc (chồng bà Nga) nắm 20% cổ phần còn lại.

Cuối năm 2012, theo tiết lộ từ một nguồn tin, công ty trách nhiệm hữu hạn Trà và Cà phê Bắc Bộ đã đóng cửa các quán cà phê của họ tại số 8 xóm Hà Hồi và 87 Lý Thường Kiệt.

Sự kiện đỉnh điểm xảy ra vào đầu tháng 3 năm 2013, vừa tròn 4 năm trước. Khi đó, cái tên Tonkin đồng loạt xuất hiện lên trang nhất nhiều tờ báo kinh doanh lớn, nhưng không phải vì thương hiệu mạnh hay vì cốc cà phê ngon, mà bởi nghi án “bị siết nợ” và phải đồng loạt đóng cửa tạm thời.

Thời điểm đó, tại nhiều điểm bán của Tonkin, xuất hiện nhiều xe ba gác đứng án ngữ bịt kín cửa quán. Tại cửa hàng 33A Lê Đại Hành (nay đã bán cho chủ khác), mỗi khi có khách vào Tonkin, lập tức 2 thanh niên hướng dẫn họ sang quán bên cạnh.

Các quán này sau đó có trở lại hoạt động, tuy nhiên một số dần được sang nhượng cho chủ khác.

Lý do của những thất bại này là gì?

Xương sống của một doanh nghiệp thành công, đặc biệt trong mô hình chuỗi F&B, là Nhân sự và Dòng tiền”, cô chủ nhỏ của Koh Samui Nguyễn Hà Linh – người từng “vấp ngã” trong việc mở rộng chuỗi Koh Samui – chia sẻ.

Nhìn vào 2 yếu tố này của Tonkin thì thấy rằng, Tonkin đã thất bại với cả 2.

Về nhân sự, Tonkin từng phải tuyển mới gần như toàn bộ nhân viên phục vụ tại Tonkin 12A Hai Bà Trưng do số nhân viên cũ đã nghỉ việc. Thái độ phục vụ của nhân viên nhiều quán Tonkin cũng bị phàn nàn là kém và vị cà phê cũng nhạt so với trước.

Về dòng tiền, việc mở rộng chuỗi quá nóng khiến Tonkin lâm vào cảnh vay nợ.

Theo chia sẻ của ông Hà với báo Doanh nhân, tổng chi phí thuê các mặt bằng kinh doanh vào năm 2013 của chuỗi Tonkin là khoảng 1 tỷ đồng/tháng.

Chi phí nguyên liệu và hoạt động của các quán (trước khi mở rộng) khoảng 700-800 triệu đồng/tháng, còn tổng doanh thu của toàn hệ thống đạt 2,5 tỷ đồng/tháng.

Trừ đi chi phí lương cho nhân viên, khoản lãi từ hệ thống này vẫn khá tương đối.

Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng có khả năng chủ của Tonkin sử dụng vốn vay lãi suất cao bên ngoài, đấy cũng là lý do dẫn đến nghi án “siết nợ” hồi đầu tháng 3/2013 của hệ thống này.

Trong khi vấn đề quản trị nhân sự và dòng tiền đều yếu, Tonkin đã không lượng sức khi vừa bung nóng về số lượng cửa hàng, lại bán thêm đồ ăn tại các quán cà phê, gây áp lực không nhỏ đến nguồn lực nhân sự của thương hiệu này.

Dù sao, thông tin Tonkin Coffe bán được (thậm chí là mức giá 1 triệu USD có vẻ là quá hời), và được chủ mới hứa hẹn tiếp tục mở rộng chuỗi này trên cả nước, rõ ràng vẫn là cái kết có hậu cho thương hiệu này.

Theo Trí thức trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close