Doanh nghiệpKinh doanh

Vén màn bí mật lịch sử Trung Nguyên – Ai là linh hồn của Trung Nguyên? (phần cuối)

Như vậy vụ kiện ly hôn kéo dài hơn 3 năm của vợ chồng ông chủ tập đoàn cà phê Trung Nguyên (TN), đã đến hồi kết.

 

Đây chính là căn nhà nơi khởi đầu của Trung Nguyên, hiện nay là trụ sở của Trung Nguyên – số 268 đường Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Theo thông tin từ phía các luật sư thì sau một thời gian dài cò kè thêm bớt, giữa 02 bên đã có được sự thỏa thuận về việc phân chia tài sản và việc đường ai nấy đi. Do vụ án chỉ là việc “ Tranh chấp Dân sự” nên việc giải quyết vụ án này khá đơn giản. Thông thường cái khó của một vụ án ly hôn là phần chia tài sản rất ít khi đạt được sự thỏa thuận, nhưng nếu đạt được sự thỏa thuận thì cơ quan tòa án chỉ còn việc là phải làm là công nhận sự thỏa thuận này; nhưng với những vụ án ly hôn có tài sản lớn thì tòa án buộc phải ra bản án để sau đó cơ quan Thi hành án có cơ sở chính thức thực hiện công việc của mình, vụ án ly hôn của vợ chồng đại gia Trung Nguyên nằm trong trường hợp này.

Ngày 01/3/2019 tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh sẽ tuyên án, mọi người sẽ có được thông tin chính xác từ tòa án, nên tôi sẽ không đề cập trong bài viết này.

Chủ ý ban đầu của tôi là sẽ có một loạt bài viết về chủ đề này, nhằm bác bỏ câu chuyện khởi nghiệp của 02 vị đại gia Trung Nguyên; nhưng khi bài viết đầu tiên với cái tựa “AI LÀ LINH HỒN CỦA TRUNG NGUYÊN ?” được đăng lên mấy hôm thì được yêu cầu là không nên viết tiếp, vì nếu viết tiếp thì bắt buộc phải đụng tới một vài vấn đề khá tế nhị. Hơn nữa cũng do quá bận nên tôi sẽ tạm ngưng chủ đề này, nhưng để cám ơn các bạn Fb đã quan tâm và chia sẻ bài viết; tôi sẽ kể cho mọi người nghe một câu chuyện về việc khởi nghiệp của gia đình ông Đặng Mơ và bà Lê thị Ước.

Khi vụ án ly hôn của cặp vợ chồng Thảo – Vũ xảy ra, trong những dòng thông tin tràn ngập trên báo chí chính thống và mạng xã hội có lan truyền một câu chuyện khá hay:

Đó là việc Đặng Lê Nguyên Vũ do mua thiếu một bao cà phê của một nhân vật (mà tôi tạm gọi là X) để đem về rang xay bán cho khách hàng kiếm lời, nhưng anh lại quên không trả tiền (hay cố tình để lại làm vốn), nhưng mãi sau người này vẫn không đòi. Sau khi làm ăn thành công, để nhớ ơn người này hàng tháng cứ vào ngày mùng 3 dương lịch hàng tháng anh gửi một số tiền là 21 triệu đồng vào tài khoản của người này, kể cả khi người này chết vì bạo bệnh anh vẫn gửi đều đặng số tiền này vào tài khoản của 03 đứa con của (X) và vẫn duy trì việc này cho tới nay.

Không biết là câu chuyện này do gia đình Vũ nói ra hay do các vị nhà báo tạo dựng nên để câu khách; vì việc gửi tiền là có thật nhưng lý do thì không phải như vậy vì người được nhận tiền là bạn tôi (anh đã mất), những đứa con của nhân vật này trong đó có thằng con trai đầu là bạn học học cùng lớp và ở cùng xóm từ nhỏ với con trai tôi; hiện nay cháu này đã 32 tuổi và đang là một sĩ quan CA tỉnh Đắc Lắc.

Để các bạn nắm bắt được câu chuyện tôi sẽ giới thiệu một vài nét về các nhân vật trong câu chuyện này và bối cảnh của nó. Chúng ta biết ông Mơ + bà Ước vốn là người huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), ông vốn là một sĩ quan của chế độc cũ; năm 1978 ông đem gia đình lên một xã vùng sâu của huyện M’ drack, tỉnh Đắc Lắc (là một huyện giáp với huyện Ninh Hòa) sinh sống. Lúc mới lên vợ chồng họ làm công nhân trong một cái xí nghiệp gạch ngói của nhà nước. Nhưng đời sống công nhân thời bao cấp quá khổ, hơn nữa đó là một vùng rừng núi hoang vu, bản thân họ vốn xuất thân là những công chức của chế độ cũ không quen việc lao động cực nhọc này, cộng với đó là bệnh sốt rét đã hành hạ ông Mơ tới kiệt sức. Họ bàn với nhau thoát ra khỏi hoàn cảnh này, một thời gian sau bà Ước kiếm được một cái sạp vải nhỏ trong chợ huyện buôn bán kiếm tiền chợ hàng ngày. Nhưng ông Mơ vẫn chưa tìm ra công việc thích hợp hơn để nuôi sống gia đình.

Rồi một dịp may đã đến, khoảng năm 1985 – 1987 là thời gian ông thường bị bệnh sốt rét hành hạ, ông thường phải lên bệnh viện tỉnh tại TP Buôn Ma thuột để điều trị; khi lên đây ông thường tá túc trong một số gia đình người cùng quê Ninh Hòa sống tại khu vực bến xe và KM 3 nay thuộc phường Tân Lập; khu vực này người gốc Ninh Hòa sống khá đông. Khi ở nhà họ ông cũng có tâm sự hoàn cảnh của mình, một trong những người đó đề nghị lên phố sống và hứa sẽ giới thiệu việc làm phù hợp với sức khỏe của ông. Người này giới thiệu ông làm việc trông giữ một khu rẫy cà phê vài hecta cho một viên sĩ quan CA, thấy công việc nhẹ nhàng và lương lậu cũng khá ưu đãi ông vui vẻ nhận lời. Sau đó ông bỏ việc tại cái lò gạch, lên thị xã Buôn Ma Thuột sống và trông giữ rẫy cho người ta.

Chủ khu rẫy này chính là nhân vật (X) trên đây, đây là một viên sĩ quan cảnh sát giao thông cấp tá rất có thế lực và khá nổi tiếng tại TP Buôn Ma Thuột thời ấy, (anh đã mất vì bạo bệnh nên tôi không tiện nêu tên anh ra ở đây), xin tạm gọi anh là ông “Tr”. Anh là con cháu của ông Vũ Nhật Hồng đương kim giám đốc sở CA tỉnh Đắc Lắc lúc ấy, anh cao lớn và khá to con thường hay lái một chiếc xe mô tô ba bánh; anh là trạm trưởng giao thông tại KM3 mà cái trạm này hồi xưa chỉ cách cái trụ sở tập đoàn Trung Nguyên tại số 268 đường Nguyễn Tất Thành hiện nay khoảng 50 bước chân.

Như vậy ông Mơ trở thành người trông giữ rẫy cà phê cho viên sĩ quan này. Tôi bắt đầu biết ông Mơ là từ anh CA này vì anh là bạn tôi, chúng tôi gọi ông là anh Sáu (Sáu Mơ).

Ông “Tr” là một người khá giàu có, có nhiều bất động sản, có cây xăng và nhiều cơ sở kinh doanh, chăn nuôi, nhiều rẫy cà phê chứ chẳng phải là người nghèo khó gì cả. Thời đó ông có một căn nhà gỗ nhỏ gần trạm cảnh sát giao thông nơi ông làm việc; sau khi ông Sáu Mơ về làm việc cho mình ông “Tr” đã giao căn nhà này cho ông Sáu Mơ và một số người làm ở.
Trong thời gian làm rẫy cà phê và trông coi cà phê cho chủ; vốn là một người có tri thức và có văn hóa nên ông hay quan sát và tìm tòi con đường sinh kế cho gia đình mình. Ông đã tìm tòi học hỏi và đã tích lũy một số kinh nghiệm về việc thu hoạch và chế biến hạt cà phê , sau đó quyết mở ra một hướng mưu sinh mới cho gia đình mình bằng cái thứ hạt này

Không biết vì lý do gì mà thời gian này (1980-1990) nhà nước đã có một số chính sách quản lý kinh tế vĩ mô khá lạ lùng, đã xảy ra tình trạng ngăn sông cấm chợ và nhà nước độc quyền kinh doanh một số mặt hàng nông sản trong đó có hạt cà phê. Mặt hàng cà phê hạt thời kỳ này là một mặt hàng quốc cấm tại Đắc Lắc. Có một nghịch lý là trái cà phê trong vườn của người dân khi chín đang còn trên cây thì không ai hỏi, nhưng chỉ cần hái xuống phơi khô xay ra hạt là của nhà nước và chỉ được phép bán cho nhà nước. Đã có nhiều vụ việc cười ra nước mắt là một người dân chỉ cần xách vài ký cà phê hạt ra chợ bán là bị nhân viên công lực tịch thu mà người dân không được phép thắc mắc.

Thời kỳ này hạt cà phê từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ giá cả chênh lệch rất cao nhất là nếu chở đi các tỉnh, có thể gọi là “một vốn bốn lời” đã dẫn tới tình trạng đội quân đi buôn lậu cà phê tại TP Buôn Ma Thuột thời kỳ này khá đông đảo nhất là khu vực tại KM 3.

Căn nhà nơi ông Sáu Mơ tá túc lại nằm ngay cổng bến xe liên tỉnh; trung tâm của khu vực buôn bán cà phê sôi động nhất TP Buôn Ma Thuột thời ấy. Nhất là mặt hàng cà phê rang xay để bán cho khách đi xe các tỉnh khá phổ biến và được bày bán đầy trên các kệ hàng chung quanh căn nhà nơi ông đang ở. Thời ấy có cái quy định là một người dân được phép mua và mang ra khỏi tỉnh 01 kg cà phê rang xay, còn cà phê nhân là bị cấm tuyệt đối, nếu vi phạm sẽ bị tịch thu, hàng loạt trạm kiểm soát liên hợp được dựng lên ở đầu tỉnh và cuối tỉnh để thực thi nhiệm vụ ngăn sông cấm chợ này.

Ông Sáu Mơ thấy việc buôn bán mặt hàng này khá thuận lợi đã hé mở ra một cách kiếm sống mới cho mình và gia đình, nhưng cái khó là việc tích trữ hay rang xay cà phê hạt thời kỳ 1980-1990 là một trọng tội; có thể bị tịch thu tài sản và bắt giam bất cứ lúc nào, nếu không có một người có thế lực tại địa phương bảo kê cho mình. Ông đã quyết định núp bóng ông chủ nhà đầy thế lực của mình, người đó chính là ông “Tr” , sau khi ông trình bày vị chủ nhà này vui vẻ nhận lời giúp và hứa sẽ giúp đỡ ông tối đa. Ông xin thuê lại căn nhà và mở xưởng rang xay cà phê tại nhà để bán cho khách hàng, chính quyết định này đã đưa họ đến sự thành công như hiện nay.

Tuy TP Buôn Ma Thuột là nơi trồng và buôn bán cà phê chính của nước ta nhưng lúc ấy (1987-1995) chưa có một hãng sản xuất nào lớn và vẫn chưa có bất cứ một thương hiệu nào cả. Vẫn chủ yếu là các hộ dân nhỏ lẻ tự rang xay chế biến và tự tìm kiếm khách hành để tiêu thụ. Sau một thời gian quan sát, vừa làm vừa học hỏi việc rang xay và chế biến khá thuận lợi, kết quả khá tốt. Cộng với sự giúp đỡ khá nhiệt tình của ông “Tr” từ tiền bạc vốn liếng, nơi ăn chốn ở, cho tới danh nghĩa – thời ấy mọi người đều tưởng đó là cơ sở rang xay cà phê của ông “Tr”,(vì tại nhà ông ấy) ông Sáu Mơ chỉ là người làm thuê, mà của ông ấy thì tại địa phương lúc ấy không ai dám đụng tới. Hơn nữa trên tất cả thủ tục giấy tờ hay thuế khóa đều đứng tên ông ấy, do đó những đòi hỏi hay sách nhiễu của một số quan chức địa phương hầu như không có.

Thời gian này (trước năm 1990) cái tên Trung Nguyên đã ra đời, lúc đầu chỉ là một cái bảng hiệu nhỏ trước căn nhà họ thuê và trên những bịch cà phê bột do họ làm ra … mãi sau này mới có câu chuyện thương hiệu nhất là sau khi công ty cà phê Trung Nguyên chính thức được thành lập năm 1996.

Do công việc làm ăn thuận lợi ông xin nghĩ việc và mua thiếu lại căn nhà của người chủ (mãi sau này khi bán được nhà ở quê ông mới có tiền trả đủ cho vị ân nhân này; sau khi giàu có họ mua liền mấy căn nhà cạnh căn nhà này và xây lên một tòa nhà nhiều tầng làm trụ sở chính của cà phê Trung Nguyên tại tỉnh Đắc Lắc – số 268 đường Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột). Sau năm 1990 khi họ thấy nghề này phát triển thì mẹ Vũ bỏ sạp vải tại chợ Khánh Dương đem gia đình lên Buôn Ma Thuột sinh sống với chồng. Thời gian này Đặng Lê Nguyên Vũ đã theo gia đình lên ở tại TP Buôn Ma Thuột và theo học tại khoa Y trường Đại học Tây Nguyên. Nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn thấy Vũ đứng bơm xăng bán giúp cho cây xăng dầu của ông chủ nhà (“Tr”) tại cây xăng KM 4.

Do chịu khó và là những con người lao động chân chất từng rất khó khăn muốn vượt qua đói nghèo họ khát khao làm giàu nên việc kinh doanh của họ đã thành công. Chỉ sau vài năm họ đã có của ăn của để và trở nên giàu có, họ mua thêm nhà, thêm đất và mở thêm cơ sở rang xay mới, sau đó phát triển thành công ty TRUNG NGUYÊN cho tới nay.

Trở lại câu chuyện “hàng tháng Vũ đều gửi 21 triệu trả nợ cho ân nhân”. Như viết trên đây, đây là một ân nhân lớn của gia đình Vũ chứ không phải của riêng Vũ; khi thành đạt họ cũng có dịp trả ơn vị ân nhân này khá tốt.

Sau khi đã thay cha quản lý công ty thì nếu gia đình ông “Tr” có bất cứ chuyện gì đều có mặt Vũ. Có một câu chuyện vui mà tôi là một người trong cuộc, đó là cách đây đã nhiều năm trong một buổi chiều sau khi đi làm về tôi có ngồi tại một cái quán nhỏ trong xóm cùng mấy người bạn lai rai mấy chai bia, tình cờ thấy 02 đứa con trai của anh “Tr” đang ngồi ăn cháo ở bàn bên cạnh. Các cháu lên tiếng chào, tôi chào lại và hỏi “ba mày có nhà không, tí về biểu ba lên nhậu với mấy chú nha !”, thằng em trả lời “ba cháu đi sài gòn rồi”, tôi hỏi lại “ba mày đi sài gòn làm gì vậy ?”, thằng anh bảo “Anh Vũ gọi ba cháu vô sài gòn lấy tiền về xây nhà !”. Tôi cười bảo với mấy người bạn “Cha con nhà này sướng thiệt, nhức đầu cũng gọi Vũ, sổ mũi cũng Vũ nay xây nhà cũng hỏi Vũ ?”, thằng lớn cười trả lời “Tại vì anh Vũ đó chớ bộ, bữa trước anh Vũ về có xuống thăm ba con, anh Vũ bảo với ba con – nhà chú cũ quá rồi chú đập đi xây lại con trả tiền cho, ba con ừ !”. Sau đó căn nhà được xây lên 04 tầng, đó là một căn nhà mặt tiền trên đường Ngô Quyền, hiên nay căn nhà được cho thuê làm phòng giao dịch của một chi nhánh ngân hàng lớn.

Tuy nhiên có một thời gian gia đình anh “Tr” gặp một họa lớn, khi công tác trong ngành CA anh đã vấp phải một lỗi lớn, anh bị đình chỉ công tác để cơ quan cấp trên xử lý kỷ luật và có khả năng anh sẽ bị đi tù. Nghe tin Đặng Lê Nguyên Vũ về thăm, khi anh “Tr” than là “nếu tao bị tù thì không biết ai nuôi tụi nhỏ đây !”. Vũ đã hứa với anh là sẽ nuôi tụi nhỏ ăn học nên người và sẽ chu cấp ngay cho 03 đứa nhỏ một tháng mỗi đứa 7 triệu (7.3 = 21) cho tới khi tốt nghiệp đại học và Vũ đã làm việc này ngay sau đó. Nhưng cuối cùng anh “Tr” đã không bị kỷ luật, không bị tù và chỉ bị chuyển công tác khác.

Nhưng tôi cũng không biết lý do gì mà Vũ vẫn tiếp tục gửi tiền cho 03 đứa nhỏ cho tới nay. Phải chăng đây là một cách trả ơn gián tiếp cho vị ân nhân đã mất của mình, vì thực tế gia đình con cái anh “Tr” đều tương đối khá, có công việc làm đàng hoàng cả .

Bài viết này chỉ là một câu chuyện kể có thật trong quá trình hình thành và phát triển của Trung Nguyên mà tôi là người chứng kiến.

Mới đây khi trả lời báo chí ngay tại phiên tòa đang xảy ra, Đặng Lê Nguyên Vũ đã một lần nữa nhắc lại lịch sử hình thành Trung Nguyên và cho rằng “ … có ngày hôm nay công sức lớn nhất phải kể đến cha mẹ của ông. Có cha mẹ Qua thì mới có Trung Nguyên…” . Và “tài sản tại Trung Nguyên hiện nay nếu nói đúng thì tới 50 % là của cha mẹ Qua ..” !

Ngày 25/02/2019 Tòa án và Viện kiểm sát TP Hồ chí Minh đã xác nhận chuyện này và đã chính thức bác bỏ câu chuyện khởi nghiệp do cặp vợ chồng này sáng tác ra trước đó. Họ đã bác bỏ câu chuyện góp tiền và khởi nghiệp tưởng tượng của cô Thảo. Họ cũng kết luận Trung Nguyên là của Vũ và gia đình Vũ.

Họ cũng xác nhận trong 22 năm hình thành và phát triển thì cô Thảo chỉ đóng góp công sức có 9 năm (2006-2015). Năm 2006 khi cô thảo bắt đầu tham gia cổ đông và tham gia quản lý tại Trung Nguyên, thì Trung Nguyên đã là một tập đoàn mạnh với doanh số hàng ngàn tỷ đồng. Và từ năm 2015 cho tới nay cô Thảo không có đóng góp gì cho Trung Nguyên cả.

Tòa án cũng yêu cầu cô ấy cung cấp giấy tờ và hóa đơn chứng từ về việc cô cho rằng đã lấy tiền riêng của gia đình cha mẹ cô cho Vũ mượn năm 1997 hoặc năm 2006 cha mẹ cô giúp cô đóng cổ phần vào Trung Nguyên (hàng trăm tỷ). Cô ấy đã không thể cung cấp được bất cứ thứ giấy tờ gì chứng minh cho việc này. Như vậy số cổ phần hiện chiếm tới 28% tại Trung Nguyên đang mang tên cô cũng là tiền của gia đình Vũ.

Như vậy câu chuyện khởi nghiệp của họ đã khiến cho nhiều người rơi nước mắt chỉ là một câu chuyện khoa học dã tưởng ./.

Đinh Khắc Thiện
Đà Nẵng, ngày 27/02/2019
—————————————————

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close