Câu chuyệnKinh doanh
Vụ nước mắm: Cái gốc của chuỗi liên kết bất lương cần được làm sáng tỏ
Dư luận cho rằng những người chủ mưu của sự câu kết bất lương này đã “chạy” cửa này cửa kia. Tôi không tin là họ sẽ “chạy” được. Chỉ có điều là nếu chậm điều tra thì, với sự am hiểu pháp luật của họ, họ sẽ có đủ thời gian để hợp pháp hóa nhiều tài liệu sai phạm…
Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt hành chính 50 cơ quan báo chí sai phạm trong vụ “nước mắm nhiễm thạch tín”. Đó mới chỉ là việc xử lý cái ngọn của chiến dịch truyền thông bẩn này.
Các cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí sai phạm cũng đang tiến hành xử lý những sai phạm của các cá nhân có liên quan. Và theo quy định của pháp luật, Bộ TT&TT cũng sẽ thu thẻ nhà báo đối với các nhà báo bị thi hành kỷ luật từ cảnh cáo trở lên (hoặc bị khiển trách lần thứ 2 trong vòng 2 năm). Một lần nữa, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT thể hiện quyết tâm làm trong sạch nền báo chí quốc gia, được đông đảo người dân và những người làm báo chính trực đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, chiến dịch truyền thông bẩn này là hậu quả của sự câu kết bất lương giữa một số doanh nghiệp với báo chí nhằm triệt hạ ngành sản xuất nước mắm truyền thống để chiếm lĩnh thị trường. Cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước vừa công bố danh tánh của tổ chức trực tiếp chi tiền cho Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) để tiến hành cuộc khảo sát và công bố thông tin sai sự thật về “nước mắm nhiễm thạch tín”, đó là Công ty truyền thông T&A Ogilvy. Nhưng T&A Ogilvy cũng chỉ là cái ngọn mà thôi.
Hễ ai biết đọc biết viết đều hiểu rằng, T&A Ogilvy không dùng tiền của chính mình để tạo ra chiến dịch truyền thông triệt hạ nước mắm truyền thống. Họ là nhà tư vấn và tổ chức truyền thông cho các tổ chức khác là khách hàng của họ. Khách hàng chi tiền để T&A Ogilvy tổ chức chiến dịch truyền thông bẩn này là ai? Dư luận thì biết. Còn cơ quan chức năng của Nhà nước thì có lẽ cũng biết nhưng chưa nói. Chẳng lẽ việc vi phạm pháp luật của một doanh nghiệp lại “nhạy cảm” đến vậy?
Hy vọng rằng vụ này được điều tra. Nếu đã điều tra mà chưa công bố do chưa kết thúc điều tra thì đó là việc tốt lành. Nếu chưa điều tra thì chắc chắn cũng sẽ phải điều tra, vì với quyết tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng và chống sự lộng hành của các “nhóm lợi ích”, những vụ như thế này khó mà bị “chìm xuồng”. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng là một trong những người có phản ứng sớm nhất về chiến dịch truyền thông bẩn này.
Một sự câu kết bất lương, tạo ra một chiến dịch truyền thông, khiến cho 50 cơ quan báo chí chính thống của nước nhà sai phạm thì hoàn toàn không phải là chuyện nhỏ. Nếu không vạch trần đưa ra ánh sáng sự câu kết đó để xử lý nghiêm minh trước pháp luật thì việc xử phạt 50 cơ quan báo chí chỉ là cắt cái ngọn, còn cái gốc của sự bất lương vẫn còn đó, hơn thế nữa nó lại được hợp pháp hóa. Trên nền của cái gốc được hợp pháp hóa này, những cái ngọn sẽ lại mọc lên, tinh vi hơn, khó kiểm soát hơn, do đó cũng tai hại hơn. Và nhiều cái gốc bất lương khác sẽ theo đó mà ra đời, khi ấy không chỉ 50 cơ quan báo chí chịu phạt…
Dư luận cho rằng những người chủ mưu của sự câu kết bất lương này đã “chạy” cửa này cửa kia. Tôi không tin là họ sẽ “chạy” được. Chỉ có điều là nếu chậm điều tra thì, với sự am hiểu pháp luật của họ, họ sẽ có đủ thời gian để hợp pháp hóa nhiều tài liệu sai phạm. Cho đến bây giờ họ đã hợp pháp hóa xong chưa thì tôi không thể biết. Đó là lý do tôi phải viết bài báo ngắn này.
Hoàng Hải Vân
Theo Một Thế Giới