Thời sựThời sự

Trưng cầu dân ý tại Ý: Liệu có dẫn tới “Italeave”?

Nếu cuộc trưng cầu dân ý vào cuối năm nay tại Ý thất bại, có thể dẫn tới kịch bản là nước này rời khỏi khối eurozone.

Vào ngày 4-12 tới đây, nước Ý sẽ có một cuộc trưng cầu dân ý rất quan trọng về việc cải tổ hiến pháp. Việc thành bại của cuộc trưng cầu này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Ý và quan hệ giữa nước này với Liên minh Châu Âu (EU).

Với mục tiêu là giảm bớt quyền lực của Thượng viện Ý, cũng như vạch ra ranh giới rõ ràng giữa chính quyền trung ương tại Rome và các chính quyền địa phương, cuộc trưng cầu này được xem là trận chiến sinh tử của Thủ tướng Ý Matteo Renzi. Đầu năm nay, Renzi đã tuyên bố rằng nếu người dân Ý bỏ phiếu “Không” trong cuộc trưng cầu này thì ông sẽ từ chức. Việc tổ chức trưng cầu được xem là lựa chọn bất khả kháng của ông Renzi, sau khi ông thất bại trong việc giành được 2/3 số phiếu thuận tại quốc hội.

Là nền kinh tế lớn thứ tư Châu Âu và thứ 8 thế giới, các diễn biến tại Ý là điều không thể bỏ qua. Tuy nhiên, nước Ý vốn có “truyền thống” không được ổn định cho lắm về mặt chính trị. Trong vòng 70 năm từ ngày thành lập nền cộng hòa, nước Ý đã có tới 63 chính phủ khác nhau, nghĩa là tính bình quân thì không có chính phủ nào tại vị được tới 2 năm. Ngoài ra, việc Hạ viện và Thượng viện của nước này có quyền lực hoàn toàn ngang nhau cũng khiến cho việc thông qua và cải tổ pháp luật trở nên cực kỳ khó khăn và mất thời gian.

Trung cau dan y tai Y: Lieu co dan toi “Italeave”?
Thủ tướng Ý Matteo Renzi – Ảnh: Wikimedia

Theo ông Renzi, việc sửa hiến pháp để giảm bớt quyền lực của Thượng viện và dồn hầu hết quyền lập pháp sang cho Hạ viện sẽ khiến cho quá trình cải cách diễn ra nhanh hơn, và các chính phủ tương lai trở nên ổn định hơn, vì đảng cầm quyền chỉ cần giành đa số ở một viện là đủ. Tuy nhiên, điều này bị nhiều người phản đối vì lo ngại rằng khi đó chức Thủ tướng sẽ năm quá nhiều quyền lực, và việc cải tổ hướng này cũng không làm cho việc thông qua luật mới diễn ra nhanh hơn.

Với giới đầu tư, việc nước Ý có cải tổ hiến pháp được hay không thực ra không quan trọng bằng việc ông Renzi có tiếp tục tại vị hay không. Nếu cuộc trưng cầu này thất bại và ông Renzi từ chức, nước Ý sẽ lại có rối loạn về mặt chính trị và có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng kinh tế sâu rộng. Hiện tại, tổng nợ công của nước Ý đã lên tới gần 133% GDP, và ngành ngân hàng của nước này đang ôm rất nhiều nợ xấu sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp.

Trung cau dan y tai Y: Lieu co dan toi “Italeave”?
Nghệ sĩ hài Beppe Grillo, người sáng lập đảng đối lập M5S. Ảnh: leftfootforward.org

Đảng đối lập lớn nhất của Ý là M5S mới được thành lập hồi năm 2009 bởi một nghệ sĩ hài là Beppe Grillo, và hầu hết thành viên của đảng đều có rất ít kinh nghiệm chính trị. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về việc họ có khả năng điều hành nền kinh tế hay không. Hiện tại, M5S đang dẫn đầu về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc khảo sát, cao hơn đảng Dân chủ cầm quyền của ông Renzi.

Tuy đảng M5S không có cương lĩnh phản đối EU, nhưng các lãnh đạo của đảng đã  cho biết nếu lên nắm quyền thì họ sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục sử dụng đồng euro hay không. Theo một khảo sát hồi đầu năm nay của Pew, tỷ lệ người Ý ủng hộ EU vẫn ở mức khá cao là 58%. Tuy nhiên, một khảo sát khác của Ipsos Mori hồi tháng 5 lại cho thấy có tới gần 50% người Ý muốn rời khỏi EU, và 58% muốn tổ chức trưng cầu dân ý về việc có ở lại EU hay không. Do đó, các mối lo ngại về việc Ý có thể rời khỏi EU (còn gọi là Italeave hay Italexit) không phải là không có cơ sở.

Trung cau dan y tai Y: Lieu co dan toi “Italeave”?
Người Ý đang dẫn đầu châu Âu về tỷ lệ dân chúng muốn có trưng cầu dân ý về việc ở lại EU (màu xanh), cũng như muốn rời khỏi EU (màu đỏ). Ảnh: Ipsos Mori

Việc cải tổ nền kinh tế Ý gặp một khó khăn là do nước này phải tuân theo các quy định ngân sách của EU, trong đó có việc phải giữ được thâm hụt ngân sách ở mức dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Điều này đã gây ra khá nhiều bất đồng giữa Ý với các lãnh đạo của khối EU.

Hôm 23-10, Bộ trưởng Kinh tế Ý là Pier Carlo Padoan đã tuyên bố là EU phải cho phép Ý nâng mức thâm hụt ngân sách từ 2% hiện nay lên 2,3% để nước này có thể tái thiết lại sau đợt động đất lớn hồi tháng 8 vừa qua, cũng như đối phó với làn sóng dân nhập cư từ Bắc Phi và Trung Đông. Trước đó, chính phủ Ý đã công bố một kế hoạch ngân sách mới cho năm 2017, trong đó sẽ gia tăng đáng kể thâm hụt ngân sách và nợ công. Điều này khiến cho EU khá lo ngại và cho biết là có thể sẽ gửi thư cảnh báo tới nước Ý.

Mâu thuẫn về vấn đề này đang tiếp tục làm xấu đi quan hệ giữa EU và nước Ý. Hôm 21-10, ông Renzi đã tuyên bố là sẽ không nhượng bộ EU: “Chúng tôi muốn đáp ứng yêu cầu của các công dân Ý, chứ không phải là các quan chức ở Brussels”.

Tuấn Minh/NCĐT

Nguồn Tổng hợp

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close