Sự nghi ngờ có thể được hiểu là sự không chắc chắn, hay nói cách khác, nó chứng minh sự thiếu tự tin. Mà chìa khóa của một cuộc sống hạnh phúc và thành công là chúng ta phải tin vào chính mình.
Chúng ta hiếm khi nói về sự nghi ngờ. Chúng ta không sẵn sàng thừa nhận với người khác rằng sự nghi ngờ đã cản bước thành công và ngăn chúng ta sống cuộc đời mình mong muốn.
Khi bạn tự tin, bạn sẽ tin rằng mọi thứ đều có thể. Bạn suy nghĩ rõ ràng hơn, với một trái tim và tâm trí rộng mở. Bạn sẵn sàng từ chối sự sợ hãi, chấp nhận rủi ro và xác định những cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực của mình một cách tốt hơn. Sự tự tin lan tỏa khắp đến những suy nghĩ của bạn và định hướng những hành động của bạn.
Sự nghi ngờ chỉ là một phần trong những trải nghiệm sống của con người. Trên Medium, Christopher D. Connors – tác giả cuốn sách The Value of You: The Guide to Living Boldly and Joyfully Through the Power of Core Values (tạm dịch: Giá trị của bạn: Cách để sống mạnh mẽ và vui vẻ nhờ năng lượng của những giá trị cốt lõi), chủ website chrisdconnors.com cho rằng, có 10 nguyên nhân chính dẫn đến sự nghi ngờ. Tin mừng là có sẵn những giải pháp để chúng ta vượt qua “kẻ thù” đáng gờm này, chỉ cần chúng ta… tự tin.
1. Nghi ngờ về những điều người khác có thể nghĩ về kế hoạch tương lai của mình
Khi bạn muốn ra mắt một công ty tư vấn riêng, hoặc bạn muốn chuyển nghề, trở thành một nghệ sĩ, một chuyên gia phát triển phần mềm, hoặc bạn muốn cam kết gắn bó cuộc đời mình với một ai đó…, dù tâm trí vẫn hướng về phía trước, bỗng dưng bạn nhận thấy đôi chân mình bị kềm giữ lại. Và rồi bạn bị mắc kẹt.
Đây là nguyên nhân số 1 dẫn đến sự nghi ngờ và ngăn cản hành động. Chúng ta nghi ngờ chính mình bởi vì chúng ta lo lắng về những điều người khác sẽ nghĩ về kế hoạch hoặc ý tưởng của chúng ta, hoặc lo lắng rằng người khác sẽ không có đủ khả năng để hiểu về chúng.
Để giải quyết vấn đề này, hãy làm theo kế hoạch bao gồm 2 bước sau:
– Nói và viết ra những kế hoạch, những ước mơ của bạn cho tương lai. Bước này sẽ giúp bạn có được sự nhận thức và sẵn sàng truyền đạt chúng.
– Can đảm và sẵn sàng làm điều mình muốn. Hãy ở một mình tại một nơi nào đó yên tĩnh để thực hiện bước này. Sau đó, khởi đầu một thói quen để đảm bảo rằng bạn cam kết hành động.
2. Nghi ngờ về việc mình có đủ điều kiện để làm điều mình thực sự muốn hay không
Dù nghi ngờ về khả năng thành công trong tương lai hay về những thành quả mình đã có được trong quá khứ, khi nghi ngờ về bản thân mình nghĩa là bạn đang lạc lối.
Hãy có một “câu thần chú” cho riêng mình, chẳng hạn như “Tôi thực sự giỏi khi là chính mình”, hoặc “Hôm nay là một bước lớn giúp tôi tiến gần hơn đến cuộc sống mình muốn”. Động lực từ chúng sẽ giúp bạn nuôi dưỡng tâm trí mình, giúp bạn tạo ra câu chuyện bạn muốn viết cho cuộc sống của mình.
3. Nghi ngờ về khả năng vượt qua quá khứ
Chúng ta thường xuyên bị mắc kẹt trong quá khứ mà quên đi hiện tại lẫn tương lai. Đó là lý do mà chánh niệm trở nên cần thiết.
Bằng cách tiếp cận với chánh niệm, bạn sẽ giảm thiểu mức năng lượng mình dùng cho việc lo lắng về quá khứ hoặc tương lai, và bạn sẽ tăng sự chú ý vào hiện tại và những trải nghiệm tích cực. Nhưng vì sự lo lắng và tình trạng stress có thể đã “cắm rễ” sâu, bạn phải luyện tập kỹ năng và thói quen duy trì sự chú ý vào hiện tại.
Sự nghi ngờ tồn tại trong tâm trí chúng ta là bởi vì chúng ta quan tâm đến việc người khác suy nghĩ hoặc ghi nhớ về những thất bại của mình. Nhưng sự thật là, hầu hết mọi người đều quá bận rộn để nghĩ hoặc nhớ về chúng.
4. Nghi ngờ về khả năng những người thân sẽ thấu hiểu và hỗ trợ mình
Chúng ta thường nghi ngờ, tự hỏi liệu những người yêu thương chúng ta nhất có thấu hiểu hoặc chấp nhận những ước mơ lớn của chúng ta hay không.
Hãy lấy can đảm để kêu gọi những người thân yêu đứng bên cạnh bạn với tình yêu và sự tôn trọng. Việc của bạn là thuyết phục chính bản thân tin tưởng vào những điều mình đang làm, rằng bạn sẵn sàng làm mọi cách để chinh phục mục tiêu mỗi ngày.
5. Nghi ngờ bản thân vì từng phạm sai lầm hoặc thất bại
Đôi khi chúng ta không bắt đầu làm điều gì đó chỉ vì sợ rằng những điểm yếu sẽ giữ chân mình lại, hoặc những điểm mạnh của mình vẫn chưa đủ… mạnh.
Diễn viên điện ảnh nổi tiếng Denzel Washington từng kêu gọi: “Hãy thất bại lớn!”. Hay CEO Amazon Jeff Bezos từng nói trong bức thư gửi cổ đông hồi năm 2015 rằng: “Tôi tin Amazon là nơi tốt nhất thế giới để thất bại, vì chúng ta phải thực hiện rất nhiều sáng kiến mới. Thất bại và phát minh là cặp đôi không thể tách rời”.
Ngay cả người giàu nhất hành tinh – người điều hành một trong những công ty thành công nhất thế giới – cũng nghĩ rằng thất bại và phát minh là “cặp bài trùng”.
Đừng bao giờ sợ hãi thất bại, đặc biệt là khi bạn lên kế hoạch làm những điều mình muốn với tất cả những nỗ lực.
6. Nghi ngờ và mất niềm tin vào cách mình tương tác với người khác
Trong quá trình tương tác với người khác, bạn không có đủ khả năng để phân tích nhất cử nhất động của chính mình. Vì vậy, đừng quá lo lắng về điều đó, mà hãy cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên. Việc bạn cần làm chỉ là duy trì sự tự tin.
7. Nghi ngờ về ngoại hình của mình
Bạn không phải là hình mẫu lý tưởng mà mình vẫn hằng ao ước? Ai cũng vậy cả! Cách để vượt qua sự nghi ngờ này là phải chấp nhận. Chấp nhận con người mà bạn vốn là, chấp nhận tất cả những ưu – khuyết điểm mình có. Hãy yêu quý và suy nghĩ tích cực về bản thân.
Hãy vẽ ra chính xác hình ảnh mà bạn muốn mình trở thành, chứ không phải hình mẫu mà người khác muốn, rồi bắt đầu hoàn thiện bản thân theo hướng đó.
8. Nghi ngờ về khả năng tìm được một cơ hội nghề nghiệp tốt hoặc một con đường khởi nghiệp mong muốn
Nếu bạn biết rằng mình đang không làm công việc mong muốn, và bạn cũng không có định hướng cần thiết nào để thay đổi nó, thì cũng đừng nghi ngờ. Chỉ là bạn vẫn chưa tìm ra câu trả lời mà thôi. Và bạn vẫn còn đang trên chuyến hành trình.
Hãy bắt đầu với câu hỏi cơ bản: Bạn muốn gì? Đừng dựa vào những gì bạn nghĩ rằng người khác kỳ vọng vào mình hoặc là vào những bước đi tiếp theo có vẻ hợp lý đối với hiện trạng của mình. Những điều bạn muốn mà dựa trên đam mê, kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực bẩm sinh của mình là gì?
Một khi biết được câu trả lời, bạn sẽ tìm ra cách đúng đắn để đi theo tiếng gọi của con tim đồng thời vẫn có thể kiếm tiền hiệu quả.
9. Nghi ngờ về những điểm mạnh, điểm yếu nhất của mình
Đôi khi chúng ta không bắt đầu làm điều gì đó chỉ vì sợ rằng những điểm yếu sẽ giữ chân mình lại, hoặc những điểm mạnh của mình vẫn chưa đủ… mạnh.
Hãy viết ra những điều mà bạn nghĩ là điểm mạnh của mình và tham khảo ý kiến của những người khác. Hãy thành thật với bản thân, để nói với chính mình đâu là việc bạn đã làm tốt, và đâu là những điều bạn cần phải cải thiện.
Một khi đã xác định rõ ràng những yếu tố này, bạn sẽ có được định hướng cần thiết để tiến về phía trước.
10. Nghi ngờ rằng việc vượt qua những cám dỗ hoặc những ham muốn tiêu cực chỉ đem lại sự hài lòng trong ngắn hạn
Để vượt qua sự nghi ngờ này, đòi hỏi chúng ta phải có niềm tin vững chắc, tinh thần kỷ luật và sự kiên trì.
Hãy trung thực với bản thân để tự kiểm tra rằng, những điều bạn vẫn làm mỗi ngày nhưng góp phần ngăn cản bạn thành công là gì? Đó có thể là thói quen lười biếng, sự nóng giận, hoặc thậm chí là các hành vi thể hiện sự ghen tỵ…
Bạn luôn có quyền kiểm soát cuộc sống. Hãy bắt đầu viết nên câu chuyện của riêng mình!
BÍCH TRÂM