Khởi nghiệpKinh doanh
4 “vũ khí vàng” sau sẽ khiến startup Việt Nam bừng sáng trong năm 2017 tới
Có 4 thứ “vũ khí” mà chỉ riêng khởi nghiệp Việt Nam mới có. Đây chính là lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho chúng ta trong cuộc cách mạng công nghệ thế giới đang diễn ra
Tác giả Anh-Minh Do, một cây viết nổi bật trên trang tin công nghệ và khởi nghiệp châu Á là Tech In Asia, gần đây đã có một bài viết nổi bật về khởi nghiệp Việt Nam trên trang vietcetera.
Phân tích 4 “vũ khí” (từ gốc của tác giả: weapon) mà chỉ riêng Việt Nam mới có, tác giả này tin tưởng rằng năm 2017 tới sẽ là một năm bừng sáng của khởi nghiệp ở nước ta. Ở đây, Xin được lược dịch lại bài viết trên để độc giả có cái nhìn rõ ràng nhất:
Ở Đông Nam Á, người ta mới chỉ nhìn nhận các nước Indonesia, Singapore hay Malaysia như những “lò khởi nghiệp” của khu vực.
Những quốc gia khác như Philippines, Thái Lan hay Việt Nam vẫn chưa được các nhà đầu tư đánh giá cao để rót tiền do phong trào khởi nghiệp những nơi đây còn manh mún hoặc dù có đang phát triển thì cũng vẫn chưa đủ mạnh.
Với riêng khởi nghiệp Việt Nam, một trong những lý do quan trọng mà các nhà đầu tư lắc đầu khi định đầu tư là do môi trường kinh doanh và những thủ tục pháp lý “rắc rối” nơi đây. Những điều này không hề hỗ trợ phong trào khởi nghiệp một chút nào.
Mặc dù như vậy, trong suốt 10 năm qua, khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn đã đạt được những bước phát triển rất mạnh mẽ.
Một loạt các startup đạt được thành công đã xuất hiện như VNG, Appota, Tiki, VCCorp, Cốc Cốc, Adatao, KMS, Misfit, GotIt…và còn rất nhiều cái tên nữa.
Đặc biệt trong đó có công ty đã vươn đến hàng “con kỳ lân” (thuật ngữ tiếng Anh: unicorn – nhằm nói đến các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) như VNG.
Đây thực sự là một điều thú vị về khởi nghiệp tại Việt Nam. Nhìn bề ngoài, quốc gia này có vẻ như vẫn đang “ngủ quên” giữa cuộc cách mạng công nghệ của thế giới; thế nhưng khi nhìn nhận sâu hơn, người ta lại thấy một sự trưởng thành bất ngờ nơi đây.
Ví dụ, hãy nhìn số liệu này. Năm 2014, Việt Nam mới có khoảng 28 dự án startup được đầu tư. Đến năm 2015, con số này đã lên đến 67, tăng hơn gấp đôi. Trong năm nay, nhiều dấu hiệu cho thấy số dự án được đầu tư còn có thể tiếp tục tăng gấp đôi nữa.
Vậy sức mạnh của phong trào khởi nghiệp Việt Nam nằm ở đâu?
Nó nằm ở chính 4 thứ “vũ khí” mà không nhiều người nhận ra sau:
1. Trung tâm công nghệ của Đông Nam Á
Việt Nam vốn được biết đến như một trung tâm công nghệ của toàn khu vực Đông Nam Á bởi những tài năng công nghệ tuyệt vời đều đang quy tụ hết nơi đây.
Việt Nam chính là nguồn cung cấp dồi dào các kỹ sư chất lượng cao, chuyên nhận gia công các sản phẩm công nghệ (outsource) cho các công ty từ Mỹ và từ khắp khu vực Đông Nam Á.
Tất nhiên, trên phương diện outsource này, Việt Nam chưa thể cạnh tranh với các cường quốc như Trung Quốc hay Ấn Độ. Tuy nhiên, phải nói rằng đất nước này vẫn còn đó nhiều lợi thế cạnh tranh để có thể có vị trí trong bản đồ công nghệ thế giới trong tương lai.
Thực tế là giờ đây ở Việt Nam, số lượng các công ty làm outsource đã nhiều không kém các nước lớn, với nhiều sản phẩm đã vươn đến tầm quốc tế. Sử dụng lợi thế về công nghệ này vào đúng thời điểm cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra trên thế giới, nền khởi nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
2. Những “mối quan hệ với nước Mỹ”
“Những mối quan hệ với nước Mỹ” cũng là một trong số những điểm đặc biệt của nền khởi nghiệp Việt Nam.
Trước tiên phải kể đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Mỹ. Đây được coi là một trong số những cộng đồng người gốc nước ngoài lớn và thành đạt nhất tại Mỹ. Trong số những người Việt này, có rất nhiều người “dính líu” đến khởi nghiệp, ví dụ như Thuan Pham – giám đốc công nghệ (CTO) của Uber.
Cùng với đó, số du học sinh Việt Nam học tại Mỹ cũng lên đến hàng chục nghìn (xếp thứ 6 trong các cộng đồng du học sinh nước ngoài tại Mỹ). Dù không nhiều nhưng cũng có một cơ số không nhỏ trong các du học sinh này ở lại lập nghiệp trên đất Mỹ và đã gặt hái được nhiều thành công.
Vì thế, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam được tính bao gồm cả những người Việt hiện đang sinh sống tại chính thung lũng Silicon hoặc những Việt kiều từ Mỹ, những du học sinh tại Mỹ trở về Việt Nam để khởi nghiệp. Là không lạ lùng khi bộ phận tinh hoa này đã và đang đóng góp rất nhiều vào sự đi lên của khởi nghiệp Việt Nam.
Và đây chính là bằng chứng: nếu đếm tổng số các startup ở Mỹ có người Việt làm ở trong đó và đóng vai trò chủ chốt tại thung lũng Silicon, cũng như số startup ở Việt Nam được thành lập hoặc đầu tư bởi người Việt từ Mỹ, bạn sẽ thấy nhiều tên tuổi rất đáng chú ý.
Có thể kể đến trong số đó như: Misfit Wearables (startup đã được Fossil mua lại với giá 200 triệu USD) – CEO là Việt kiều Sony Vũ; Tappy (đã được Weeby mua lại) – CEO là Trương Thanh Thủy, cựu du học tại Đại Học Nam Carolina, Mỹ; Adatao (nhận đầu tư 15 triệu USD từ quỹ đầu tư A16Z) – CEO là Việt kiểu Christopher Nguyễn hay như là GotIt! (startup đình đám được đầu tư 9 triệu USD) – CEO là Hùng Trần, cựu du học sinh tại Đại Học Iowa, Mỹ…
3. Nền khởi nghiệp lâu đời của Việt Nam
Đúng ra mà nói, tuy không phát triển nóng như Indonesia hay Singapore nhưng so về tính lâu đời, nền khởi nghiệp Việt Nam phải được xếp vào hàng già cỗi nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Nhìn lại lịch sử, làn sóng kinh doanh ở Việt Nam được dấy lên lần đầu từ những năm đầu mở cửa của thập niên 90 thế kỷ trước. Làn sóng này giờ đây đã trả về kết quả là một thế hệ doanh nhân đều trong top những người giàu nhất Việt Nam hiên nay như Trương Gia Bình, Đoàn Nguyên Đức, Phạm Nhật Vượng…
Thêm vào màu sắc của công nghệ, làn sóng này trở lại vào những năm 2005, 2006 với sự ra đời của các công ty như VNG hay VCCorp. Thời điểm đó, Việt Nam gần như là quốc gia đầu tiên được một nhà đầu tư lớn như IDG đổ tiền vào, với số tiền lên đến 100 triệu USD.
Tính đến này, kể từ khi xác lập, nền khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam đã khá trưởng thành tại tuổi thứ 11. Tổng giá trị mà nền khởi nghiệp này tạo ra hiện lên tới hàng tỷ USD.
11 năm đi qua đã để lại cho Việt Nam tầng lớp những nhà quản lý, các kỹ sư, các nhà sáng lập, những người làm sản phẩm công nghệ rất có kinh nghiệm. Giờ đây, khi đón nhận làn sóng mới từ phong trào startup với các xu hướng công nghệ, những điều này sẽ trở thành một lợi thế cạnh tranh không nhỏ cho khởi nghiệp Việt Nam.
4. Văn hóa người Việt mang đậm tinh thần khởi nghiệp
Về cơ bản, những tính chất văn hóa của người Việt có thể nói là mang tinh thần khởi nghiệp rất cao.
Mặc dù đôi khi, người ta có thể thấy người Việt khá ích kỷ với nhau, như kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Một ví dụ là có khá ít công ty thành lập ở Việt Nam mà có số người thành lập (founder) nhiều hơn con số 1.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận theo cách khác, tính cách này sẽ tạo ra cho nơi đây một môi trường kinh doanh có mức cạnh tranh cao, nơi mà các công ty sẽ cố làm hầu như bất cứ điều gì để giành chiến thắng trên thương trường.
Do tính cách này, người Việt cũng thường muốn được trở thành ông chủ để nằm giữ vận mệnh riêng của mình. Đó đôi khi là một con dao hai lưỡi, thế nhưng với khởi nghiệp thì nó lại rất cần. Cũng nói thêm, bạn sẽ không thể tìm được tính cách này ở bất cứ quốc gia nào ở Đông Nam Á.
Lời kết
Với những phân tích ở trên, rõ ràng nền khởi nghiệp ở Việt Nam đang có những lợi thế tuyệt vời cho phép nó phát triển thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh. Trong những suy nghĩ của mình, tôi cho rằng, không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2017 tới sẽ là một năm bừng sáng cho khởi nghiệp Việt Nam.
Theo Trí Thức Trẻ