Khởi nghiệpKinh doanh

5 nghịch lý mà bất cứ nhà sáng lập nào cũng cần ghi nhớ nếu muốn khởi nghiệp thành công

Các công ty khởi nghiệp thất bại vì nhiều lý do, nhưng đa phần là vì 2 nguyên nhân chủ yếu: họ không làm ra cái mà người ta sẵn sàng trả tiền mua, hoặc họ không cho người khác biết sự tồn tại của mình một cách kinh tế.

 

5 nghịch lý mà bất cứ nhà sáng lập nào cũng cần ghi nhớ nếu muốn khởi nghiệp thành công

Mọi công ty khởi nghiệp đều độc đáo và mỗi hành trình khởi nghiệp đều có con đường riêng của nó. Dù vậy, nhiều thách thức cơ bản mà chúng ta đối mặt đều khá giống nhau.

Đây là 5 “bài học nghịch lý cho nhà sáng lập” mà dường như xảy ra với tất cả những nhà sáng lập, bất kể mục tiêu, loại sản phẩm hay mô hình kinh doanh của công ty đó là gì:

1. Hoạt động khởi nghiệp không thể thật sự tiến triển cho tới khi nó trở thành một công việc toàn thời gian.

Tôi thường nhận được cuộc gọi từ một người bạn của bạn mình, nhà sáng lập của một công ty khởi nghiệp “mới”. Người này đang làm việc toàn thời gian ở một công ty lớn và anh ta hay than vãn rằng công ty của họ chẳng phát triển chút nào. Thông thường, công ty khởi nghiệp này không hẳn mới đến thế, nhà sáng lập đã ngày đêm miệt mài với dự án này trong khoảng một năm hoặc hơn.

Tôi luôn đưa ra cùng một lời khuyên: nếu thật sự muốn khởi nghiệp, bạn cần từ bỏ “công việc ổn định” của mình càng sớm càng tốt.

Đây là một lời khuyên đáng sợ và khó nghe theo. Dù vậy, theo kinh nghiệm thì tôi chưa từng thấy người nào tôi quen biết phát triển tốt được công ty khởi nghiệp khi họ vẫn còn một công việc “thật sự”.

2. Đừng vội lo lắng quá sớm về vấn đề cạnh tranh

Thành lập một công ty cũng tương tự như bị ám ảnh bởi một sản phẩm và một thị trường vậy. Biết nhiều và bị ám ảnh với những gì người khác đang làm giống mình là lẽ vô cùng tự nhiên. Những người lần đầu khởi nghiệp hay lo lắng rất nhiều về vấn đề cạnh tranh. Họ không muốn nói với người khác những gì mà công ty của họ đang thực hiện vì cho rằng các công ty đối thủ có thể biết được điều gì có ích. Họ dành nhiều thời gian suy nghĩ về các mối quan hệ đối tác phức tạp hoặc kế hoạch phát triển một sản phẩm đặc trưng nào đó vốn được thúc đẩy từ mong muốn vượt trội hơn đối thủ.

Hóa ra việc dành thời gian và những lúc đầu óc tỉnh táo để nghĩ cách giành phần thắng gần như luôn là một sai lầm to lớn.

Các công ty khởi nghiệp thất bại vì nhiều lý do, nhưng đa phần là vì 2 nguyên nhân chủ yếu: họ không làm ra cái mà người ta sẵn sàng trả tiền mua, hoặc họ không cho người khác biết sự tồn tại của mình một cách kinh tế.

Vì thế, hãy dành tất cả thời gian để suy nghĩ về 2 vấn đề: sản phẩm và cách thu hút khách hàng.

3. Thành công của công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ phụ thuộc rất ít vào công nghệ

Suốt thời gian dài tôi cho rằng công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là một công ty đặc biệt giỏi và tập trung vào công nghệ. Nhưng hóa ra mức độ quan trọng của công nghệ chỉ xếp thứ tư hoặc thứ năn mà thôi.

Công ty khởi nghiệp trước hết phải tạo ra cái mà người khác sẵn sàng chi tiền mua hoặc chú ý đến. Sau đó phải cho người khác biết về cái mà họ làm ra. Tiếp theo họ phải thật giỏi trong việc tăng trưởng và phát triển mọi hoạt động của công ty. Công nghệ giúp ích cho tất cả những hoạt động này. Nhưng tất cả các hoạt động về cơ bản lại liên quan đến một vấn đề khác không phải công nghệ.

Nếu yêu thích công nghệ, bạn nên biết rằng thành lập công ty không phải là cách hay để bạn có thể tiếp tục viết code hay thiết kế bảng mạch. Người sáng lập thường phải rời bỏ vị trí kỹ sư ngay khi công ty có một vài thành tựu nhỏ nhỏ. Điều này giúp họ có thể tập trung giúp công ty bán sản phẩm và mở rộng quy mô.

4. Sa thải nhanh hơn

Với hầu hết mọi người, đây quả thực là một bài học khó khăn. Nhưng nó lại vô cùng quan trọng. Không phải tất cả những người được bạn tuyển dụng đều được việc. Nếu mất quá nhiều thời gian để sa thải những người không làm tròn bổn phận, bạn sẽ thật sự gây tổn hại cho nhóm và công ty mình.

Sa thải người khác đi ngược lại với bản năng của các nhà sáng lập. Nhà sáng lập là người tích cực. Họ cho rằng các vấn đề đều có thể giải quyết. Nhà sáng lập tin rằng nỗ lực hết mình và quan tâm đến việc mình làm nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể làm như vậy. Họ có khuynh hướng chịu trách nhiệm sửa chữa mọi thứ.

Nhưng thực ra những nhân viên không hiệu quả lại ảnh hưởng tiêu cực đến mức khó tin tới văn hóa và niềm vui của đội ngũ. Là nhà sáng lập, bạn phải sa thải người khác khi họ không làm được việc, hoặc bạn phải tự sa thải chính mình để một ai khác có thể đưa ra quyết định cho công ty bạn.

5. Ở giai đoạn đầu, vấn đề quan trọng là việc ‘giao hàng’ nhanh chóng, sau đó là duy trì việc này

Thời kỳ đầu, đa số các nhà sáng lập mất quá nhiều thời gian để đưa cái họ đang tạo ra đến với người dùng thật sự. Khi bạn bị ám ảnh bởi sản phẩm của mình và dành hàng giờ đồng hồ cho nó, bạn muốn nó phải thật hoàn hảo. Bạn luôn muốn chỉnh sửa thêm chút xíu để có sản phẩm hoàn thiện hơn.

Nhưng đây chính xác là một bước lùi. Sản phẩm chỉ có thể trở nên hoàn thiện hơn khi người ta sử dụng nó rồi phản hồi cho bạn. Chẳng ai có thể một mình đơn thương độc mã mà tạo ra sản phẩm thành công cả.

Đây là bài học quan trọng đến mức có rất nhiều câu nói về nó từ các nhà sáng lập vĩ đại. Reid Hoffman nói: “Nếu không xấu hổ với phiên bản đầu tiên của sản phẩm, tức là bạn đã cho ra mắt quá muộn”. Steve Jobs thì còn súc tích hơn: “Nghệ sĩ đích thực thì giao sản phẩm.”

Mai Lâm

Theo Nhịp Sống Kinh Tế/Medium

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close