Sẽ rất khó để bạn khắc phục hậu quả và sửa sai với những sai lầm kiểu này.
Nhiều sai lầm tài chính chỉ khiến bạn tậc lưỡi khi nhớ lại, kiểu như thanh toán chậm trễ một hóa đơn hay mua một món phụ kiện thừa thãi. Nhưng ngược lại, nhiều quyết định sẽ ảnh hưởng đến cả quãng đời sau này của bạn.
1. Không tích lũy cho giai đoạn nghỉ hưu
Nỗi hối tiếc số 1 về tài chính cá nhân của người Mỹ chính là đã không tiết kiệm đủ tiền cho thời kỳ nghỉ hưu, theo cuộc thăm dò do Bankrate tiến hành năm 2016.
Toàn bộ những người trên 65 tuổi, chiếm 27% tổng số đối tượng tham dự khảo sát, khẳng định không để dành tiền cho lúc nghỉ hưu là “nỗi hối hận lớn nhất”.
Việc không tích lũy từ trẻ khiến cho bạn phải gánh chịu sức ép tài chính lớn, trong tình cảnh sức khỏe và khả năng làm việc của mình ngày càng suy giảm. Đó là chưa kể bạn còn bỏ qua cơ hội được hưởng lãi suất tiết kiệm nếu “bỏ ống” từ sớm.
Do đó, nếu như bạn chưa mở tài khoản tích lũy nghỉ hưu, hãy làm việc đó ngay khi có thể. Các chuyên gia tài chính khuyến nghị bạn nên dành tối thiểu 10% lương cho tài khoản này, nhưng kể cả khi không đủ từng đó, hãy cứ mở tài khoản và để dành tối đa trong sức của mình.
2. Mua nhà dù không cần thiết
Dù mua nhà có thể là một khoản đầu tư tốt, song điều này không đúng với mọi trường hợp. Bạn chỉ nên mua nhà khi có năng lực tài chính phù hợp, đã tính đến các kế hoạch tương lai cũng như hoàn cảnh hiện tại của mình.
Nếu như bạn sắp chuyển việc, kết hôn hay có con trong tương lai gần, hãy nghĩ xem những lựa chọn đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến nơi bạn muốn sống và hình thức căn nhà mà bạn cần đến.
Vì thế, lời khuyên đưa ra là hãy đầu tư bất động sản, nhưng chỉ khi bạn có lý do vững chắc cho quyết định đó. Đừng hành động chỉ theo phong trào hoặc bắt chước người khác.
3. Không mua bảo hiểm
Mua bảo hiểm cũng giống như mang theo ô trong ngày nắng: bạn có thể cảm thấy bực bội và không cần thiết, nhưng một khi trời kéo mây đen và sấm giật đùng đùng, bạn sẽ thấy may sao mình đã có nó.
Nói cách khác, đừng phớt lờ bảo hiểm chỉ để tiết kiệm được vài đồng mỗi tháng. Dù cho đó là một khoản chi phí y tế đột xuất, bị trộm đột nhập vào nhà hay ô tô va chạm… gánh nặng tài chính sẽ nhẹ bớt đáng kể nếu bạn có bảo hiểm.
Tất nhiên, bạn không cần đến mọi dạng bảo hiểm, nhưng ngoài bảo hiểm nhà ở, sức khỏe và ô tô, sẽ là khôn ngoan nếu nghiên cứu thêm các gói bảo hiểm nhân thọ hay dài hạn khác.
4. Không du lịch
Dù cho bạn đang cày cuốc để trả nợ, để dành tiền mua nhà hay dồn tiền cho tài khoản nghỉ hưu thì việc nghỉ ngơi và xả hơi bản thân một chút cũng vẫn xứng đáng.
Trong một nghiên cứu với 2.000 người trưởng thành do Claris Financial tiến hành mới đây, 29% người Mỹ thừa nhận “không có chuyến du lịch để đời” là nỗi hối hận tài chính lớn nhất của họ, tương đương với việc không để dành đủ tiền để mua một căn nhà.
Du lịch sẽ không khiến bạn nhẵn túi, nếu bạn dành thời gian săn vé rẻ, tận dụng các ưu đãi giảm giá và đổi điểm của thẻ tín dụng, sử dụng các ứng dụng đặt phòng giá rẻ như Airbnb.
Một trải nghiệm du lịch thú vị thậm chí còn giúp bạn tái tạo năng lượng, khám phá những điều mới mẻ và cải thiện hiệu suất công việc.
5. Thụ động đợi để đầu tư
Bạn càng mạnh dạn đầu tư sớm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Nhờ lãi suất gộp, một khoản tiền nhỏ đầu tư ban đầu có thể sinh sôi thành rất nhiều tiền sau này.
Bà Sallie Krawcheck, nhà sáng lập Ellevest khuyến khích mọi người, nhất là phái nữ (những người không hào hứng với chứng khoán cho lắm) bắt đầu đầu tư ngay từ độ tuổi 20s hoặc 30s.
“Bạn không cần đợi đến lúc mình giàu mới đầu tư. Nhiều ứng dụng như Acorns cho phép bạn đầu tư kể cả những khoản tiền nhỏ nhàn rỗi của mình.
6. Để nợ chồng nợ
Trước khi vay nợ bất cứ khoản tiền nào, bạn cần đánh giá chính xác tác động của khoản nợ đó đến tương lai của mình. Liệu việc học thêm bằng cấp thứ hai có giúp bạn tìm được công việc lương cao hơn? Liệu gia đình bạn có thể trả nợ khoản vay cầm cố lớn như mua nhà hay không?
Dù đôi khi vay là việc rất cần thiết – như khoản vay sinh viên cho phép bạn học đại học và tìm việc tốt sau này – nhưng nợ sẽ khiến cho việc tích lũy nghỉ hưu hay mở tài khoản dự phòng khẩn cấp trở nên khó khăn gấp bội.
Do lãi suất cao chất ngất, nợ thẻ tín dụng rất khó tất toán nếu bạn để tồn đọng một thời gian dài. Hãy nghĩ kỹ trước khi quẹt thẻ nếu bạn chưa thể thanh toán số dư tài khoản gần nhất.
Theo Trí Thức Trẻ/CNBC