Có rất nhiều yếu tố khiến một người làm việc chăm chỉ mắc sai lầm và để lại hậu quả khó lường, thậm chí bị sa thải. Nghiên cứu gần đây của Viện ePolicy đã khảo sát hơn 300 công ty công nghệ và phát hiện ra 1/3 số nhân viên bị sa thải vì 6 lý do dưới đây.
1. Luôn hứa hẹn ngay cả khi không thể đáp ứng
Chấp nhận hoàn thành một nhiệm vụ nào đó cũng đồng nghĩa với việc bạn đang ngầm ngứa với ông chủ rằng bản thân có khả năng làm tốt công việc đó. Đó là điều tốt nhưng cần phải cân nhắc rõ ràng, liệu nhiệm vụ đó có nằm trong khả năng của bạn?
Nếu không đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ, đừng ngại nói với sếp rằng bạn đang cố gắng tiến bộ để hoàn thành nhiệm vụ đó, không vội vàng cam kết thời hạn thực hiện nếu biết rõ bản thân không thể đáp ứng. Nó sẽ chỉ khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn, không chỉ làm ảnh hưởng đến lòng tin, sự đánh giá của cấp trên mà còn có thể khiến sự nghiệp ngày càng suy yếu hoặc thậm chí mất đi công việc.
2. Phàn nàn
Nên nhớ rằng bạn được thuê để làm việc, giúp đỡ lãnh đạo và đồng nghiệp hoàn thành mọi mục tiêu và nhiệm vụ vì sự phát triển chung của tổ chức, công ty. Họ không mất tiền thuê nhân sự để nhận lại những phàn nàn về công việc. Cách bạn phản ứng khi gặp công việc khó khăn sẽ trực tiếp đánh giá năng lực làm việc của bạn. Càng phàn nàng nhiều thì cũng đồng nghĩa với việc bạn có nguy cơ bị sa thải càng cao.
Phàn nàn sẽ chẳng giúp bạn giải quyết được việc gì mà còn khiến tinh thần của bản thân cùng đồng đội bị ảnh hưởng. Thay vào đó, hãy tập trung tìm ra phương hướng giải quyết, hoàn thành nhiệm vụ một cách nhanh và hiệu quả nhất để chứng minh năng lực của bản thân, sẽ hữu ích cho sự thăng tiến của bạn hơn là chỉ ngồi một chỗ than vãn.
3. Gạ gẫm và lôi kéo đồng nghiệp không vì mục đích công việc
Cho dù bạn gửi email mời các đồng nghiệp tham gia bữa tiệc hoặc gây quỹ trong giờ làm việc đều có thể vi phạm chính sách của công ty. Đừng cho rằng bạn chỉ gửi lời mời còn mọi hoạt động sẽ diễn ra ngoài giờ làm việc thì sẽ không vị phạm chính sách này. Chẳng có công ty nào thích nhân viên của mình làm việc cá nhân tại văn phòng bởi sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.
4. Thiếu trí tuệ cảm xúc
Bạn hoàn toàn có thể bị sa thải vì không muốn giao tiếp với người khác. Đặc biệt là trong các hoạt động mang tính chất văn hóa của công ty, gắn kết nhân viên và lãnh đạo. Thể hiện sự buồn chán trong những sự kiện như vậy sẽ là ngu ngốc. Bởi vì kỹ năng ngoại giao và thể hiện cảm xúc cũng có vai trò vô cùng quan trọng khi làm việc.
Một người luôn thể hiện sự tích cực, hòa đồng và thấu hiểu cảm xúc của người khác sẽ nhận được lợi thế lớn hơn so với những người khác. Tự cô lập bản thân hay coi thường đồng nghiệp khi nói chuyện là những tính cách không phù hợp khi đến môi trường làm việc.
5. Sử dụng nguồn cung cấp và tài nguyên của công ty
Nhiều người nghĩ rằng những việc nhỏ nhặt như lấy giấy in của công ty mang về nhà hoặc sử dụng vật dụng chung cho mục đích riêng là điều không đáng bận tâm. Tuy nhiên, trong mắt ông chủ của bạn thì những hành động đó đều có thể bị quy kết vào tội danh ăn cắp.
Lợi dụng tài nguyên chung của công ty vì mục đích riêng là hành vi vi phạm nghiêm trọng, ngay cả khi hành động đó không có giá trị về mặt tiền bạc. Chắc chắn không có ông chủ nào chấp nhận việc nhân viên ăn cắp tài nguyên của công ty chỉ để phục vụ cho lợi ích cá nhân của họ.
6. Phát biểu thay mặt công ty
Nếu chưa có sự đồng ý của lãnh đạo mà đưa ra những phát ngôn thay mặt công ty sẽ là hành vi vi phạm nghiêm trọng, được xử lý theo tính chất pháp luật. Việc tự ý đại diên tập thể hoặc công ty cho dù không làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và danh tiếng của công ty đều không được chấp nhận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khá phổ biến khiến nhiều nhân viên bị sa thải.
Theo Trí thức trẻ/IBC