Kinh tế vĩ môThời sự
Đây là 6 nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng vừa giao phó ngành chứng khoán thực hiện
Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK tới nay ước đạt 2 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Sáng nay (28/11), tại Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Ngày Truyền thống ngành chứng khoán Việt Nam và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Tại buổi lễ kỷ niệm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thị trường chứng khoán có vai rất quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế năng động, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh.
Bắt đầu với chỉ 2 mã cổ phiếu niêm yết tại trung tâm giao dịch chứng khoán TPHCM, tới nay thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 1.000 công ty niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 sở giao dịch chứng khoán. Tổng giá trị vốn huy động qua TTCK tới nay ước đạt 2 triệu tỷ đồng, đáp ứng khoảng 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đến nay, giá trị dư nợ trái phiếu chiếm khoảng 24% GDP, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu vào khoảng 39% GDP. Tính chung, quy mô TTCK chiếm khoảng 63% GDP.
Thủ tướng nhận xét đây là con số đáng khích lệ, khẳng định bước trưởng thành nhanh chóng của TTCK trong hệ thống tài chính của nước nhà. Tuy nhiên để thị trường hoàn thiện, phát triển bền vững, Thủ tướng đề nghị 6 nhiệm vụ trọng tậm gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và thông lệ quốc tế để tiếp tục phát triển TTCK đồng bộ và thống nhất trong tổng thể thị trường tài chính quốc gia. Qua đó, đưa TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế, từng bước giảm phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thứ hai, phát triển TTCK bền vững, cấu trúc hoàn chỉnh với nhiều cấp độ, tăng quy mô và chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực, chất lượng các chủ thể tham gia thị trường, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững.
Thứ ba, phát triển TTCK bảo đảm tính công khai, minh bạch trên các tiêu chuẩn và thông lệ quản trị công ty tốt nhất. Tăng cường năng lực quản lý, thanh tra, giám sát và cưỡng chế thực thi, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia TTCK, đặc biệt quyền lợi của nhà đầu tư thiểu số.
Thứ tư, phát triển thị trường chứng khoán gắn kết với việc đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng lực quản trị, công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp. Tiếp tục đưa nhiều doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa gắn với niêm yết, giao dịch trên sàn chứng khoán.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp làm tốt quá trình bán vốn doanh nghiệp nhà nước trên sàn chứng khoán, bảo đảm công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm, chống thất thoát tài sản Nhà nước.
Thứ năm, phát triển TTCK phải gắn kết với việc phát triển thị trường tiền tệ, thị trường bảo hiểm nhằm tạo ra một thị trường tài chính thống nhất, toàn diện, đồng bộ. TTCK phải là kênh giúp doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn tài chính và đầu tư, đổi mới và sáng tạo giảm thủ tục vốn ngắn hạn vay ngân hàng, giảm chi phí sử dụng vốn, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Thứ sáu, tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết với các trung tâm chứng khoán khu vực và quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp cận các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế. Đón đầu các xu hướng, tiến bộ, công nghệ mới trong công tác quản lý và tổ chức hệ thống giao dịch lưu ký và bảo đảm tính bảo mật, an ninh, an toàn, giao dịch cho nhà đầu tư. Từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thị TTCK Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, đạt mục tiêu và lộ trình nâng hạng TTCK Việt Nam ngay trong 2 năm tới.