Kinh tế vĩ môThời sự

Cách tiếp cận về tăng trưởng kinh tế đã cởi mở hơn

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp giữ được đà tăng khá.

 

Cách tiếp cận về tăng trưởng kinh tế đã cởi mở hơn

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vừa tạo cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh minh họa

Tại hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra đầu tuần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2018 được đánh giá là tích cực.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng qua cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp giữ được đà tăng khá.

Về tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay có một số ý kiến cảnh báo về khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm. Tuy nhiên, qua đánh giá các cuộc khủng hoảng chu kỳ trước đây có thể nhận thấy nguyên nhân chủ yếu xuất phát là từ khu vực tài chính, tiền tệ, bất động sản, nhưng hiện nay tình hình tài chính, tiền tệ của Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát và được điều hành linh hoạt, trong khi thị trường bất động sản đã có sự hạ nhiệt sau khi Chính phủ có những chỉ đạo quyết liệt đối với các giao dịch nhà đất không đúng quy định, đặc biệt tại các khu vực dự kiến thành lập khu hành chính – kinh tế đặc biệt, tín dụng cho bất động sản cũng được kiểm soát hiệu quả nên ít có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ.

Tuy thế, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế vẫn đối diện nhiều thách thức cần phải theo dõi sát sao để có những giải pháp ứng phó kịp thời. Cụ thể, tăng trưởng GDP 6 tháng vẫn ở mức khá (7,08%) nhưng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% thì cần có sự nỗ lực hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% vào quý III và 6,36% vào quý IV.

Hơn nữa, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng liên tiếp 2 tháng 5 và 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng mạnh so với tháng trước đó (tháng 5 là 0,55%, tháng 6 là 0,61%). Đây là mức tăng cao, nếu tiếp diễn như vậy thì rất khó kiểm soát mục tiêu CPI bình quân cả năm dưới 4%.

TS. Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phân tích, quý I/2018, tốc độ tăng trưởng vượt trội (7,38%), mức cao nhất của quý I trong 10 năm, song tốc độ tăng trưởng ở các quý sau lại được dự báo giảm dần để cả năm đạt 6,7%. Động thái “nghịch thường” của quý I và cả năm 2018 như thế, theo ông Trần Đình Thiên là phản ánh cách tiếp cận mới của Chính phủ: chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô và các nền tảng tăng trưởng thay vì nỗ lực tăng tốc ngắn hạn.

Cách tiếp cận tăng trưởng giảm dần này xuất phát từ những diễn biến bất thường của tình hình thế giới, như các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại, sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc, tất cả tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư, xuất khẩu của Việt Nam.

TS. Trần Đình Thiên phân tích, trong thế hội nhập sâu rộng, kinh tế Việt Nam không thể đứng ngoài những chuyển biến của bối cảnh kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc và xung đột thương mại Mỹ – G7 đã nổ ra, gây tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu. Việt Nam – nền kinh tế có Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại lớn nhất, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Khi hàng hóa Trung Quốc khó vào Mỹ thì họ sẽ xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội cho không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI (mua được nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng rẻ) tăng sức cạnh tranh xuất khẩu, có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Mỹ để thay thế phần nào hàng hóa Trung Quốc. Song, với doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thì đáng lo ngại vì hàng hóa “chất lượng Mỹ” không xuất được vào Mỹ sẽ đổ bộ vào thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

NGUYỄN BẢO

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close