Kinh tế vĩ môThời sự
Doanh nghiệp Việt gian nan gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu
Dù biết sẽ hưởng lợi không nhỏ khi tham gia vào chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, nhưng ít doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực làm được việc ấy nên vẫn loay hoay tìm lối đi.
Chỉ một vài điểm sáng
Chỉ hoạt động trong lĩnh vực in ấn bao bì nhưng Công ty CP In và Bao bì Goldsun đã kiếm được hơn một nửa doanh thu nhờ vào sản xuất bao bì, hộp điện thoại, sách hướng dẫn cho Samsung. Goldsun là nhà cung ứng cấp 1 của Samsung do đáp ứng đúng tiêu chuẩn chất lượng, thời gian giao hàng và giá hợp lý.
Tuy nhiên để đạt được các yêu cầu nghiêm ngặt từ phía đối tác, bên cạnh nội lực của doanh nghiệp, còn có sự hỗ trợ rất lớn của các chuyên gia Samsung, mà theo ông Phạm Cao Vinh – Tổng giám đốc Goldsun, đã làm thay đổi toàn bộ cách quản trị của Công ty.
Đã hợp tác thì lợi ích của 2 bên đều như nhau. Vì thế Samsung đã cử các chuyên gia giúp Goldsun nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Ông Phạm Cao Vinh cho biết, trước cải cách doanh nghiệp, Goldsun gặp nhiều vấn đề liên quan đến lỗi sản phẩm, không kiểm soát được hao phí trong các công đoạn sản xuất, hàng tồn kho nhiều và lãng phí nhân lực. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Samsung, Goldsun đã tìm ra nguyên nhân gây ra lỗi sản phẩm, các yếu tố gây cản trở sản xuất, từ đó xây dựng lại quy trình hoạt động và đã thành công.
Theo bà Lê Nguyễn Duy Oanh – Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP.HCM (CSID), hiện đã có 28 doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho Samsung. Samsung cho biết, từ nay đến năm 2020, sẽ phát triển 50 nhà cung cấp nội địa.
Đây là một cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam vì một khi Samsung nhìn thấy khả năng của doanh nghiệp thì sẽ tích cực hỗ trợ, từ cử chuyên gia hỗ trợ quản lý quy trình sản xuất cho đến tạo đầu ra cho sản phẩm.
Song, qua việc hợp tác với Samsung đã cho thấy những điểm chưa gặp nhau giữa các tập đoàn nước ngoài với nhà cung ứng trong nước. Thực tế, có rất ít doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện cho các hãng xe hơi nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam như Công ty TNHH Tâm Hợp.
Tâm Hợp đi lên từ hộ kinh doanh. Sau một cuộc gặp với Toyota, doanh nghiệp quyết định đầu tư máy móc sản xuất cung cấp các chi tiết nhựa, gương cho hãng ô tô này. Nhưng gần như Tâm Hợp phải tự lực trong việc tìm kiếm tài chính đầu tư công nghệ để sản xuất được sản phẩm có độ chính xác cao theo yêu cầu của đối tác. Các chuyên gia Nhật Bản chỉ hỗ trợ phần xây dựng quy trình công nghệ.
Tâm Hợp phải mất 2 năm thất bại mới ký được hợp đồng với Toyota. Nhưng đổi lại, Tâm Hợp đã làm chủ được công nghệ sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, lợi ích là rất lớn khi kiếm hơn 80 tỷ đồng/năm nhờ tham gia vào chuỗi cung ứng của Toyota. Tuy vậy, đến thời điểm này, cũng chỉ mới có 2 doanh nghiệp Việt Nam hợp tác được với Toyota.
Ông Takimoto Koji – Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP. HCM cho biết, tổng mức đầu tư đăng ký từ Nhật Bản vào Việt Nam tiếp tục tăng đáng kể, như 2017 lên 8,6 tỷ USD.
Khoảng 70% các công ty Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong một vài năm tới. Đây là chỉ số cao nhất trong dánh sách 6 quốc gia nằm trong bảng khảo sát của JETRO, gồm Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
“Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng để mở rộng mạng lưới kinh doanh cũng như tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường”, ông Takimoto Koji cho biết.
Chưa mở được nút thắt
Để có thể trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp toàn cầu, buộc phải xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ thật tốt. Ông Takimoto Koji chia sẻ, khó khăn chung của các doanh nghiệp Nhật Bản là tìm kiếm doanh nghiệp Việt Nam đủ khả năng cung cấp nguyên vật liệu.
“Chúng tôi cũng nhìn thấy các doanh nghiệp Việt cố gắng đổi mới công nghệ, máy móc để đáp ứng tiêu chuẩn cho doanh nghiệp Nhật nhưng vẫn còn gặp khó khăn trong quản lý sản xuất. Một thống kê của Jetro cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa (LPR) của Việt Nam vào năm 2017 là 33,2%, thấp nhất trong các quốc gia được khảo sát gồm Philippines, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Trung Quốc”, ông Takimoto Koji nói.
Theo một thống kê gần đây của Bộ Công Thương, tổng số doanh nghiệp đang tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 661. Trong đó có 591 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, 56 doanh nghiệp sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi, 14 doanh nghiệp sản xuất băng, đĩa từ và thiết bị quang học. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nội địa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử cung cấp không nhiều sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI.
Bà Cao Thị Phi Vân – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP.HCM nhìn nhận, công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất xe hơi và các lĩnh vực liên quan chỉ ở mức trung bình khá nên doanh nghiệp chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị này.
Công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử ở mức độ thấp, tỷ lệ nội địa hóa thiết bị điện tử nghe nhìn chỉ vào khoảng 6%. Nguyên nhân là công nghệ chưa đáp ứng và chi phí quá cao. Thị trường kết nối giữa bên cung cấp và bên có nhu cầu còn yếu. Đồng thời chính sách hỗ trợ của Nhà nước hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực thấp và quy hoạch cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ.