CEO ViệtNhân vật

“Vua tỏi” Lý Sơn Nguyễn Văn Định: Làm gì cũng phải công chính, có tâm

Gặp “Vua tỏi” Lý Sơn Nguyễn Văn Định vào những ngày đầu xuân 2017, bằng chất giọng xứ Quảng đặc sệt, vẻ mộc mạc hào sảng của dân miền biển, chàng hiệp sĩ tỏi say sưa kể về hành trình tạo dựng thương hiệu, mang lại nguồn sống ổn định cho biết bao mảnh đời cơ cực, và nỗi lo làm sao giữ được chất lượng, để tỏi Lý Sơn có thể chinh phục khắp năm châu…

[BizSTORY] “Vua tỏi” Lý Sơn Nguyễn Văn Định: Làm gì cũng phải công chính, có tâm

“Vua tỏi” Lý Sơn Nguyễn Văn Định.

Tốt nghiệp đại học Bách khoa Đà Nẵng, được nhận vào làm ở công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí PTSC (Quảng Ngãi) với mức lương ổn định là niềm mơ của bao người dân xứ đảo… vì sao anh lại quyết định khởi nghiệp với nghề kinh doanh tỏi, khi trong túi chỉ vỏn vẹn 60 triệu đồng tích lũy từ lương?

Thật sự đó là cơ duyên. Được nhận vô công ty dầu khí, trong quá trình làm việc, tôi thấy có một số anh em làm chung mỗi dịp xuân về đều đặt hàng tỏi Lý Sơn từ 50 đến 80 ký về quê để làm quà biếu gia đình, hàng xóm. Biết tôi là dân xứ đảo, anh em nhờ mình mua dùm, bưng dùm thôi.

Thế là mỗi cái Tết, má tôi lại gom góp thu mua từ bà con 200 đến 300 ký. Má mua 53 ngàn/kg, bán 55 ngàn/kg, chỉ lấy tiền vận chuyển xe đò, chủ yếu giúp mọi người. Càng lúc khách nhờ mua càng nhiều, tôi thấy… mệt quá.

Ra Đà Nẵng thấy siêu thị Big C chưa có chỗ nào bán tỏi Lý Sơn, mỗi ngày lượng khách vào siêu thị cả ngàn người, chỉ cần bốc tỏi cũng đã tốt rồi. Tôi nghĩ miết tại sao mình không làm tỏi?

Ban đầu đơn giản mua 55.000 đồng/kg, bán 65.000 đồng/kg, mỗi đợt cũng được lời 200.000- 300.000 đồng, tình thương mến thương. Dần dần số lượng mua tăng lên, tôi xin giấy phép nghỉ 15 ngày về quê tìm hiểu tỏi Lý Sơn.

Người dân đảo chỉ sống bằng hai nghề, nghề đi biển và nghề trồng hành tỏi. Nhưng sau sự cố Formosa, cá biển rớt giá thê thảm, bà con chỉ còn trông cậy vào cây tỏi. Mùa mưa không nói, mùa nắng chỉ có nước mạch tưới nhỏ giọt thôi, trồng tỏi cơ cực lắm mà bán rẻ bèo. Nhiều gia đình trồng hành tỏi thu hoạch trước Tết, nhưng giá rớt thê thảm nên phải cất trên gác, sau Tết mới lấy ra bán vài trăm ký cũng chỉ đủ tiền cho con học một tháng!

Nhiều hôm ra chợ, thấy bà con sáng sớm rao bán 30.000 đồng/kg, nhưng chiều về ế quá người mua trả có 20.000 đồng/kg cũng phải bán, vì chở về còn cực hơn! Tiểu thương ép dân, không có chuyên môn nghiệp vụ, người mua cũng ép giá, tôi thấy thương người dân lắm.

Từ nhỏ tôi đã biết kiếm tiền phụ giúp gia đình. Sáng đi học, chiều về bắt ốc cừ, ốc gạo về bán mỗi ký cũng được một, hai ngàn đồng. Tôi nghĩ nếu mình có trình độ, làm thương hiệu tốt, tỏi trồng chất lượng, giá sẽ lên, nhất là khi Big C lấy số lượng lớn. Tại sao không làm tỏi để giúp bản thân, tạo ra giá trị cho cây tỏi quê nhà, để cứu biết bao gia đình nông dân vất vả một nắng hai sương. Nghĩ sao làm vậy, tính tôi là thế.

Khởi đầu với chiếc xe máy rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm rao bán tỏi, anh đã phải vượt qua rất nhiều cơ cực, cả những thủ tục phiền hà và sự ngăn cản của gia đình?

Khó khăn nhất là ngày đầu khởi nghiệp. Đang đi làm dầu khí lại tập tành bán dạo tỏi, lúc được lúc không, bạn bè người thân phản đối rất nhiều. Ngay cả mẹ cũng trách tôi học hành đàng hoàng, đang sướng không chịu lại đi bán tỏi! Những ngày chở xe máy đi bán dạo tâm trạng lắm, bán được thì mừng, bán không được buồn, bị người ta nhìn miết. Khi bán số lượng lớn, lại khó khăn bỡ ngỡ từ bao bì, nhãn mác, chất lượng sản phẩm.

Khi lập công ty cũng vất vả vô cùng bởi chuyện giấy tờ thủ tục, để duyệt cái tên cũng bị hành tới bến. Lúc đó Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ hành tỏi Lý Sơn cũng ra đời, nhưng tôi xin hoài người ta không cho vào hội. Rút cục mình phải khởi nghiệp công ty ở Đà Nẵng, lấy tên Công ty Hải đảo Lý Sơn. Một thời gian dài mình vừa làm giám đốc, vừa bốc vác, thu ngân, kiêm luôn thu mua… Mấy tháng sau mới xin được giấy tờ thành lập công ty.

Thuyết phục được Big C chịu bán tỏi Lý Sơn đã khó, nhưng ban đầu mỗi tháng họ chỉ lấy vài kg, tôi thấy… chết rồi! Mấy tháng sau họ tăng lên  20-30 kg, đến tháng thứ 4 mới lấy 500 kg, vì thấy mình cung cấp ổn định. Lúc đó mới dám thuê sinh viên Đà Nẵng làm việc theo mùa vụ, khi hết mùa thì thôi, rồi mở vài cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho biết tỏi Lý Sơn.

Cuối năm 2014, tôi mới chính thức được tham gia vào Hiệp hội sản xuất và thu mua hành tỏi Lý Sơn, rồi được bầu làm phó chủ tịch hiệp hội. Thấy mình làm tỏi tâm huyết mà không đăng ký được thương hiệu, muốn quảng bá cũng rất khó, chưa kể người ta làm giả rất nhiều, anh em khuyên tôi nên ra Hà Nội để làm thủ tục đăng ký ở Cục Sở hữu trí tuệ. Lại vất vả một lần nữa với thủ tục giấy tờ, mất 18 tháng ròng rã, cái tên “Vua tỏi” đã được chấp nhận.

Xuất thân là dân Bách khoa, suy nghĩ nào đã giúp anh nghĩ ra cái tên thương hiệu độc đáo ấy, và chỉ trong một thời gian ngắn đã lan tỏa nó khắp mọi miền đất nước?

Khi đăng ký độc quyền cho cái tên “Vua tỏi”, nhiều người cũng hỏi tôi câu đó. Tôi nói mình tự nghĩ thôi, đâu có thuê ai. Từng làm việc ở công ty dầu khí với người nước ngoài, tôi hiểu phải làm chất lượng, đúng xuất xứ mới thành công. Giả một lần, đâu có giả được mãi, nên rất ý thức về thương hiệu. Thực sự cũng là may mắn thôi, tất cả đều là tự phát, tự làm, tự suy nghĩ, tự tâm, không ai chỉ dẫn cả.

Trong quá trình kinh doanh, tham gia các diễn đàn kinh tế, tôi hiểu để thu gom được số lượng lớn, đưa sản phẩm ra xuất khẩu phải chọn được cái tên khác biệt. Ban đầu tôi định chọn thương hiệu “Hiệp sĩ tỏi”, vì việc làm này giúp dân đảo rất lớn, khi đưa tỏi của các cô bác làm ra nằm trên kệ siêu thị. Nghĩ qua nghĩ lại, cơ duyên dẫn đến cái tên “Vua tỏi” có ý nghĩa hơn, tôi đăng ký độc quyền liền.

Gọi là “Vua tỏi”, bởi tỏi Lý Sơn có mùi vị thơm, cay dịu, ngọt nồng hơn củ tỏi được trồng ở những vùng đất khác, dù ăn nhiều cũng không bao giờ có mùi hôi. Đảo Lý Sơn kế thừa một dải đất núi lửa từ hàng triệu năm trước, lượng chất dinh dưỡng cao. Ngày trước, tỏi cô đơn không ai mua, vì đó là tỏi mất mùa, tỏi khằn. Khằn lại nên chỉ còn một tép thôi.

Chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng của tỏi cô đơn Lý Sơn đã được Viện nghiên cứu cây trồng Việt Nam xác định rõ ràng, chính quyền huyện đảo Lý Sơn cũng mong muốn phát triển tỏi cô đơn sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ ngày càng mạnh, nâng tầm giá trị lên cao hơn.  Muốn thế, phải cơ cấu lại, nghiên cứu, khảo sát, trồng thực nghiệm, để nhân rộng mô hình cho nhiều người dân trên đảo.

Định hướng phát triển của huyện đảo Lý Sơn cũng là tâm nguyện của tôi, để mang lại giá trị thương mại cao hơn cho tỏi. Muốn làm được phải thay đổi cách làm việc của người dân, vì người dân quen thói canh tác cũ. Để thay  đổi hẳn quy trình sản xuất không thể nói ngày một ngày hai, mà phải bằng phương án cụ thể, rõ ràng.

Để bảo đảm một quy trình hữu cơ khép kín cho tỏi, anh đang triển khai trồng 30 héc ta ở Mộ Đức, tạo thêm những vùng đất vệ tinh cho thương hiệu “Vua tỏi”?

Huyện Lý Sơn quỹ đất không còn nhiều, mà nhu cầu thị trường về tỏi hữu cơ xuất khẩu đang cực kỳ lớn, đặc biệt thị trường Mỹ. Tôi đang triển khai trồng theo phương pháp vi sinh 30 héc ta ở Mộ Đức, cũng phải kêu gọi đầu tư, vì một mình làm không nổi.

Sau khi nghiên cứu về thổ nhưỡng, xác nghiệm mẫu đất ở Mộ Đức sâu xuống 40 phân, ngoài mặt nước biển sâu cách 300 mét, thấy hoàn toàn giống độ PH của đất ở Lý Sơn. Đây là vùng đất dự phòng, chỉ trồng dương, mình ủi đất, đào gốc dương ra làm hữu cơ 100%. Nhưng chỉ một đợt gió thổi qua là hành tỏi quắt lá, hư lá. Mình phải làm sâu xuống 40 phân mới bảo đảm độ ẩm cho đất. Được UBND huyện Mộ Đức ủng hộ nhiệt tình, nếu làm được, mô hình này sẽ có thêm một vệ tinh cho Quảng Ngãi.

Quảng Ngãi không cần trồng rau ăn lá, chỉ cần cơn gió lào lắc qua vàng hết lá. Rau phải lên vùng núi trồng như Đà Lạt, Lâm Đồng. Vậy cây gì ưu việt nhất cho vùng đất từ Bình Sơn tới Mộ Đức? Phải trồng cây có củ như tỏi, hành, khoai lang, củ từ, củ cải. Còn trồng cây lấy lá, lấy quả là thất bại, không hợp thổ nhưỡng, làm nhà màng cũng vô ích.

Nhưng “Vua tỏi” cũng đang bị ăn cắp thương hiệu, làm giả rất nhiều?

Tôi đang định kiện đó. Tỏi Lý Sơn giống tỏi Ninh Hòa đến 90%, ngay cả người trồng tỏi cũng khó mà phân biệt được. Người ta làm giả thương hiệu “Vua tỏi” Lý Sơn nhiều quá. Hiệp hội phải thay đổi cách làm mới chống lại được hàng giả. Tôi mong muốn chính quyền phải nhảy vào cuộc, việc chống hàng giả phải được người dân giám sát. Công ty “Vua tỏi” mua tem lấy tên của hiệp hội, may ra mới chống được hàng giả.

Hiện những mặt hàng tỏi nào được người nước ngoài ưa chuộng nhất?

Các mặt hàng đang được ưa chuộng hiện nay là tỏi đen, rượu tỏi, tỏi chua ngọt, tỏi tươi. Tỏi chua ngọt bán chạy trong Coop Max, Big C, xuất khẩu các nước châu Âu vì khử được những tạp chất khi trồng. Chủ yếu xuất khẩu tỏi tươi nhưng lời không bao nhiêu, vì xuất trung gian thôi chứ chưa xuất trực tiếp. Ngoài ra còn có kim chi tỏi, mực cơm rim, ớt tiêu Sơn Hà. Tôi đang đầu tư để tiếp tục có thêm dòng sản phẩm mới như đậu phộng Lý Sơn, Mộ Đức, dầu mè Lý Sơn… kết hợp mấy lò đường phèn, đường phổi.

7 năm theo đuổi nghiệp kinh doanh tỏi, điều gì khiến anh lo lắng nhất?

Tỏi Lý Sơn cũng như bao sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam đang đứng trước vấn nạn thực phẩm bẩn. Tự trồng mới dám ăn, còn ra chợ mua là tự lừa khách hàng, tự lừa mình. Cách canh tác truyền thống cũ kỹ, người dân sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật không kiểm soát. Nhiều cánh đồng tỏi chỉ đi qua cũng ngửi thấy mùi thuốc xịt nồng nặc. Tôi muốn xuất khẩu đi Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ mà chất lượng chưa bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm nên đâu có dám ký hợp đồng.

Thực sự sau chuyến xuất khẩu đầu tiên 80 tấn qua trung gian, nhiều người cho rằng đó là thành công, nhưng… một lần một, không có lần thứ hai, vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật lớn, không đủ chất lượng xuất khẩu. Ngay nguồn nước cũng bị ô nhiễm, bệnh ung thư ở Lý Sơn ngày càng nhiều. Nhiều hộ còn phải đem nước từ đất liền ra, nếu không cải tạo thì 10 năm sau Lý Sơn bị nhiễm độc hết.

Hơn lúc nào hết, người dân phải tự cứu mình. Sản lượng mỗi năm của huyện đảo Lý Sơn là 1.800 tấn tỏi, công ty tôi thu mua khoảng 600 tấn, chiếm 1/3 thị trường tỏi Lý Sơn, còn khoảng 300 tấn bà con để lại làm giống. Để nâng cao giá trị tỏi, không còn cách nào khác là làm hữu cơ, vi sinh, đầu tư nhà máy sản xuất phân vi sinh, kho bảo vệ giống ngay tại đảo, sẽ làm thay đổi bộ mặt của nông nghiệp. Công ty tôi khuyến khích bà con chỉ cần trồng sạch sẽ bao tiêu hết. Thậm chí công ty phải mang kỹ sư về nghiên cứu đất, giống giúp bà con, nhưng bà con đa số ít học, lại quen thói canh tác cũ nên rất khó thay đổi. Cho nước phun sương, nhỏ giọt không giải quyết được gì, phải thay đổi cả quy trình trồng tỏi, vì đất và nước nhiễm độc hết rồi.

Có một điều tôi rất khoái chí là khi thấy anh bí thư huyện đảo trẻ có tâm huyết, muốn xây dựng lại. Chưa có đời bí thư nào như ông Vy, bắt người dân gom hết vỏ chai thuốc trừ sâu để tiêu hủy, 10 giờ đêm giao thừa còn lặn lội đi tìm hiểu rác chạy đi đâu? Chính quyền và người dân phải cùng có tâm huyết, có lửa mới cải tạo được.

Vậy trong kinh doanh, anh coi trọng điều gì nhất?

Đầu tiên là phải có tâm, mình ăn được hãy bán cho khách, có như vậy kinh doanh mới bền vững. Phải làm sạch, làm theo tiêu chuẩn nước ngoài, đừng buôn bán chụp giật cho dù có tiền đó nhưng cũng cảm thấy mệt mỏi. Là “Vua tỏi” mà không thay đổi liên tục cũng chết thôi. Đây là những lời nói từ tâm linh, thật nhất của tôi. Tôi nói đây là nói cho tôi, cho gia đình tôi, cho con tôi đó. Nếu không con tôi chết thì sao?  Dù biết nói ra làm ăn sẽ thua lỗ, thiệt thòi, nhưng vẫn phải nói vì lương tâm mình buộc phải như vậy. Làm gì cũng phải công chính, có tâm.

Tôi sinh đẻ ở Lý Sơn, cha tôi và bác tôi là ngư dân nổi tiếng. Bác tôi chết vì nghề cá bị rẻ rúng, phải qua nước bạn lặn kiếm hải sâm. Cha tôi mấy hôm nay theo chân bác tôi cũng mất tích rồi, mình đang đau đầu vì lo cho cha. Nghề đánh bắt hải sản bị Formosa làm cho tan hoang hết rồi, chỉ còn trông chờ vào cây tỏi và phát triển du lịch.

Bây giờ mà còn nghiên cứu gì nữa, chỉ cần thay đổi cách canh tác thôi, quy trình hữu cơ có sẵn rồi. Nếu chính quyền hỗ trợ 20 – 30% cho nông dân thay đổi cách làm lần lần sẽ thành công. Quan trọng mình có chịu làm hay không thôi.

KIM YẾN

Comments

comments

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close