Khởi nghiệp từ thời sinh viên và kiếm được 1 triệu USD từ việc bán máy fax và nhựa cao su, bà chủ hãng hàng không VietJet có một “đặc tính” kinh doanh khá đặt biệt – Không có hứng thú “làm chuyện cò con”. Công ty người ta chung nhau một container, bà phải làm một lúc cả trăm container. Chở hàng bằng đường sắt, người ta chỉ dùng một toa tàu thì bà dùng đến cả đoàn tàu…
Ngày 28/2, CTCP Hàng không VietJet chính thức chào sàn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO của hãng hàng không giá rẻ này – lập tức vượt mặt vợ ông Phạm Nhật Vượng, ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long để trở thành người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Bà cũng là nữ tỷ phú giàu nhất trên sàn chứng khoán tính đến thời điểm hiện tại với khối tài sản lên tới hơn 10.581 tỷ đồng.
Cô sinh viên 21 tuổi đã thành triệu phú USD tự thân
Đi du học từ năm 17 tuổi thì năm 18 tuổi bà đã khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh hàng hóa từ các nước sang Đông Âu và về Việt Nam.
Chỉ 3 năm, khi 21 tuổi, bà đã kiếm được 1 triệu USD đầu tiên chỉ bằng việc bán máy fax và nhựa cao su, theo Bloomberg.
Thời điểm ấy, thị trường Đông Âu thiếu thốn và khan hiếm nhiều thứ, nên bà buôn bán các mặt hàng điện tử, máy tính, máy fax đến băng đĩa, đồng hồ, hàng nông sản từ Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong sang Đông Âu.
Đồng thời, bà cũng đưa về Việt Nam những mặt hàng thị trường khan hiếm như phân bón, sắt thép, thiết bị…
Trong bài phỏng vấn với Bloomberg, nữ tỷ phú chia sẻ bí quyết làm nên thành công của bà chỉ nằm ở hai chữ – “Trung thực“.
Bà luôn thành thật với đối tác, nhà cung cấp sản phẩm. Bởi vậy, ngay cả khi bà không có nhiều tiền để lấy hàng, người ta vẫn tín nhiệm và trao hàng cho bà.
“Thị trường giá cả hay biến động thì mình làm việc trung thực theo cách ngày nào giá bao nhiêu, và doanh thu ngày hôm đấy tương ứng với giá hôm đấy mình đều thông báo cho người ta rất cẩn thận, nên người ta có niềm tin, và thấy được làm việc với mình hiệu quả, doanh thu lợi nhuận đảm bảo tốt”, bà Thảo chia sẻ.
Đã khởi nghiệp là phải “làm ăn lớn”
Sau khi quay về Việt Nam, bà góp vốn thành lập Ngân hàng Techcombank và sau đó là VIB – 2 trong số những ngân hàng tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Đến khi khởi nghiệp với hãng hàng không VietJet, bà thực sự đã gây một “cú nổ” trong ngành hàng không lẫn marketing, đến mức Bloomberg đã gọi hãng hàng không của bà là “hãng hàng không Bikini” khi VietJet sử dụng chiêu marketing bằng cách để các người mẫu mặc Bikini thay vì áo dài truyền thống như hãng hàng không Vietnam Airlines – “người khổng lồ” đang thống trị ngành hàng không lúc bấy giờ.
Ảnh: VietJet.
“Bạn có quyền mặc bất cứ thứ gì mình thích, bikini hay áo dài truyền thống. Chúng tôi không phiền lòng về việc người ta gán hình ảnh của Vietjet với trang phục bikini. Nếu chuyện ấy làm người ta vui, thế thì chúng tôi cũng vui”, bà Thảo chia sẻ trên Bloomberg.
Nói đến phong cách làm việc, một trong những điểm đáng khâm phục ở bà Thảo là thời gian dành cho công việc. Bà từng chia sẻ, một ngày bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc vào 2h sáng hôm sau là chuyện bình thường.
Một điểm đặc biệt khác trong cách kinh doanh của bà Thảo là bà không có hứng thú “làm chuyện cò con”.
Xưa nay bà chưa bao giờ làm nhỏ. Các công ty người ta chung nhau một container, bà phải làm một lúc cả trăm container. Nếu chở hàng bằng đường sắt, người ta chỉ dùng một toa tàu thì bà dùng đến cả đoàn tàu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày đầu tiên niêm yết, 28/2, cổ phiếu VJC của VietJet tăng kịch trần với giá 108.000 đồng/cổ phiếu. Với gần 98 triệu cổ phiếu sở hữu trực tiếp và gián tiếp qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, bà Thảo đang sở hữu khối tài sản lên tới 10.581 nghìn tỷ đồng.
Ngoài việc là cổ đông lớn nhất của VietJet Air, Tập đoàn Sovico Holdings của gia đình bà Thảo đã mua lại Furama Resort Danang vào năm 2005, trở thành nhà đầu tư người Việt đầu tiên sở hữu và vận hành khách sạn 5 sao.
Furama Resort Danang khai trương vào năm 1997 với 198 phòng là khu nghỉ dưỡng biển 5 sao đầu tiên tại Việt Nam. Gần một thập kỷ sau đó, Sovico tiếp tục thâu tóm thêm 2 khu nghỉ dưỡng tại Khánh Hoà là Ana Mandara và An Lâm Ninh Vân Bay.
Theo Trí Thức Trẻ