Nhân sựQuản trị

Đây là kiểu sếp “gây ức chế” cho bất cứ ai là nhân viên và cách để bạn đối phó với họ

Không ai muốn làm việc với một ông chủ không xác định được cách làm việc hoặc liên tục thay đổi ý kiến. Nếu sếp của bạn là một người không quyết đoán, bạn phải làm gì?

Đây là kiểu sếp "gây ức chế" cho bất cứ ai là nhân viên và cách để bạn đối phó với họ

Chuyên gia Sydney Finkelstein, Giám đốc Trung tâm Lãnh đạo của trường Kinh doanh Tuck thuộc Đại học Dartmouth (Mỹ) và là tác giả cuốn sách “Superbosses: How Exceptional Leaders Manage the Flow of Talent” cho biết: “Một ông chủ không quyết đoán sẽ tạo ra nhiều tình huống vô cùng khó chịu và bực bội”. Nancy Rothbard, giáo sư thuộc Đại học Wisconsin cũng chia sẻ: “Bạn sẽ phát điên lên mất vì không nhận được sự chỉ đạo, bạn sẽ không biết chắc chắn mình phải làm gì”.

Ngoài ra, một ông chủ không quyết đoán cũng khiến cho năng suất làm việc và danh tiếng của bạn bị ảnh hưởng. Trong trường hợp đó, bạn cần phải làm gì?

Xem xét tình hình

Theo chuyên gia Finkelstein, bước đầu tiên chúng ta cần làm đó là “tìm ra nguyên nhân của hành vi”. Hãy chú ý tới những gì đang xảy ra với công việc của sếp để tìm ra một số “đầu mối” về lý do tại sao sếp lại hành động như vậy.

Đừng vội đổ lỗi hay trách móc, bởi nếu đã là sếp, họ sẽ luôn có lý do của mình. Có thể công việc của sếp đang gặp rủi ro, có thể sếp đang phải cân nhắc giữa rất nhiều lựa chọn…

Khi bạn xem xét vấn đề, bạn cần có cái nhìn toàn diện để đánh giá một cách thật chính xác. Vội vàng quyết định đôi khi không phải là một lựa chọn tốt. Có lẽ sếp của bạn cần suy nghĩ chu đáo hơn.

Xây dựng lòng tin

Finkelstein nói: “Nếu bạn xác định được nguyên nhân của vấn đề không phải do sếp đang suy tính kỹ lưỡng, mà là sự thiếu tự tin, bạn cần phải giúp đỡ họ bằng cách góp ý trực tiếp một cách thật sự chân thành và đáng tin cậy”. Hãy coi đó như là “cơ hội để bạn giúp ông chủ của mình tiến lên phía trước”.

Điều này sẽ giúp bạn có được lòng tin của ông chủ, vừa giúp họ giải quyết vấn đề, vừa giúp ích cho quá trình làm việc của bạn.

Nói chuyện với sếp

Tùy thuộc vào cách mà sếp của bạn tiếp nhận thông tin phản hồi ra sao, bạn sẽ có một cuộc nói chuyện chân thành và tôn trọng với sếp về việc sếp thiếu quyết đoán đã ảnh hưởng thế nào đến quá trình làm việc của bạn cũng như toàn đội. Tất nhiên, hãy nhẹ nhàng thôi và đừng bao giờ tỏ thái độ đối đầu.

Hãy để cho sếp của bạn cảm nhận được rằng bạn chỉ có ý tốt. Hãy nói về vấn đề trên tinh thần thảo luận và phản hồi, chứ không phải chỉ trích hay phê phán.

Tìm kiếm đồng minh

Bạn có thể tác động đến quá trình ra quyết định của sếp bằng cách tập hợp những người có sức ảnh hưởng đến sếp. Hãy hỏi ý kiến họ về những việc nên làm lúc này, ví dụ như: “Tôi đang cố gắng tìm ra cách tốt nhất để hoàn thành mục tiêu của đội. Anh có bất cứ ý tưởng nào không?”.

Một khi bạn và những đồng nghiệp tìm ra giải pháp và tác động đến sếp, đó sẽ là động lực để sếp thay đổi.

Đề nghị sếp ủy quyền

Khi bạn và các đồng nghiệp đã đưa ra những ý kiến, phản hồi mạnh mẽ nhưng ông chủ vẫn bị “mắc kẹt” trong những suy nghĩ rối bời, hãy tiếp cận theo một cách khác.

Giáo sư Rothbard giải thích: “Việc đưa cho sếp nhiều thông tin hơn không chắc sẽ giúp sếp vượt qua”. Trong trường hợp này, bạn cần giúp sếp bằng cách sắp xếp thông tin và đưa ra một lý do rõ ràng cho những đề nghị của mình.

Bạn có thể đề nghị sự ủy quyền từ sếp, ví dụ như: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này và có một vài cách để giải quyết. Liệu tôi có thể đảm nhận nó và báo cáo tiến độ với sếp không?”.

Việc ủy quyền sẽ loại bỏ cho sếp gánh nặng ra quyết định. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc thật kỹ xem mình liệu có chắc chắn sẽ lập công không.

Các nguyên tắc cần nhớ

Nên:

– Tạo niềm tin và sự tự tin bằng cách trở thành một nhân viên có năng lực.

– Chủ động giúp ông chủ sắp xếp thông tin, sau đó đưa ra đề xuất rõ ràng.

– Tìm kiếm những đồng nghiệp có sức ảnh hưởng để xin lời khuyên.

Không nên:

– Đối đầu hoặc chỉ trích ông chủ.

– Làm việc quá lâu với một ông chủ thiếu quyết đoán, điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến danh tiếng, năng suất công việc cũng như sự phát triển sự nghiệp lâu dài của bạn.

Trí thức trẻ/HBR

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close