CEO ViệtNhân vật

Phát triển bền vững: Phải thích ứng nhanh với cuộc cách mạng 4.0

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2005 – 13/10/2017), Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã phỏng vấn một số doanh nhân TP.HCM với chủ đề: “Doanh nhân chia sẻ trải nghiệm làm thế nào để phát triển bền vững”.

Sau đây là tâm sự của 3 doanh nhân đang giữ trọng trách ở 3 doanh nghiệp đạt danh hiệu Sản phẩm – Dịch vụ tiêu biểu năm 2017. 

Bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food: Sự sáng tạo, đổi mới là yếu tố sống còn


* Bài học nào bà cảm thấy tâm đắc nhất trong công cuộc phát triển Sài Gòn Food?

– Sài Gòn Food đã phát triển gần 15 năm với rất nhiều thăng trầm, nhưng chúng tôi vẫn trụ vững và không ngừng lớn mạnh. Bài học mà chúng tôi đúc kết được là xác định tầm nhìn, sứ mệnh và luôn kiên định với chúng. Chúng tôi xây dựng chiến lược phát triển song song 2 thị trường xuất khẩu và nội địa để hỗ trợ nhau đồng thời với việc lấy chất lượng sản phẩm dịch vụ làm nền tảng để phục vụ khách hàng.

Muốn phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, doanh nghiệp phải xây dựng được văn hóa công ty.

* Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra làm thay đổi mọi ngóc ngách đời sống, thị trường. Sài Gòn Food đã làm gì để thích nghi?

– Đối với Sài Gòn Food, sự sáng tạo, đổi mới đã trở thành yếu tố sống còn, bởi chúng tôi hiểu rõ muốn tồn tại phải thích nghi. Chúng tôi thích nghi bằng cách đổi mới sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, thay đổi công nghệ cả trong quản trị lẫn trong sản xuất.

Mục tiêu phát triển 5 năm tiếp theo, Sài Gòn Food sẽ dần trang bị máy mọc và thiết bị sản xuất hoàn toàn tự động. Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự cũng là một yếu tố giúp Sài Gòn Food phát triển vững bền.

Công tác đào tạo được duy trì hằng năm ở mọi cấp độ từ công nhân đến quản lý và lãnh đạo Công ty. Chúng tôi không chỉ đào tạo về mặt chuyên môn mà còn đào tạo kỹ năng mềm như xây dựng thương hiệu cá nhân, phong cách và tâm lý quản lý. Chúng tôi còn tạo điều kiện để cán bộ, nhân viên có năng lực được ra nước ngoài học tập nâng cao trình độ.

Chính vì vậy, trong đội ngũ của chúng tôi có nhiều công nhân lành nghề và nhiều cán bộ giỏi gắn bó lâu dài.

* Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là yếu tố không thể thiếu nhằm đảm bảo phát triển bền vững. Ý kiến của bà về vấn đề này?

– Ngay trong nội bộ của Sài Gòn Food có các hoạt động xã hội phát triển mạnh như chương trình “Sống như những đóa hoa” nhằm gây quỹ giúp đỡ anh chị em công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Đối với cộng đồng, Sài Gòn Food tham gia các hoạt động thiện nguyện của Hội Nữ Doanh nhân, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, như vận động cán bộ, nhân viên tham gia đi bộ vì người nghèo, tài trợ cháo tươi cho các tổ chức bảo trợ xã hội.

Đặc biệt, 2 năm gần đây, Sài Gòn Food kết hợp với một số trường trung cấp, cao đẳng, đại học và Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia Khu vực phía Nam triển khai chương trình Học kỳ doanh nghiệp.

Đây là một hoạt động định kỳ dành riêng cho sinh viên có nhu cầu trải nghiệm môi trường làm việc thực tế tại doanh nghiệp, từ đó định hướng phát triển nghề nghiệp. Chương trình này vừa hỗ trợ các trường học tìm nơi thực tập cho sinh viên, giúp sinh viên cân bằng giữa lý thuyết và thực hành, vừa giúp Sài Gòn Food tiếp cận nguồn nhân lực trẻ để tuyển chọn phù hợp với nhu cầu của Công ty.

* Bà nghĩ gì về việc tạo ra “hệ sinh thái” đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững?

– Ông bà ta thường nói “Buôn có bạn, bán có phường”, những doanh nghiệp có chung lĩnh vực kinh doanh cần có tổ chức, hiệp hội làm nơi để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm. Sài Gòn Food đã chủ động tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, CLB Doanh nhân Sài Gòn, Hội Nữ Doanh nhân TP.HCM nhằm trao đổi kinh nghiệm làm ăn, cùng đóng góp ý kiến vào những chính sách kinh tế của Nhà nước.

Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững cần có môi trường kinh doanh tốt, chuỗi cung ứng, hệ sinh thái hỗ trợ. Ví dụ, cháo tươi là dòng sản phẩm mới, sử dụng công nghệ mới nhưng tại Việt Nam, các thiết bị, công nghệ bao bì, công nghệ in ấn để sản xuất ra sản phẩm này không có, buộc Sài Gòn Food phải nhập từ nước ngoài.

Vì vậy mà giá thành sản phẩm cao nên không thể phát triển nhanh được. Có thể khẳng định là hiện nay, tại Việt Nam, hệ sinh thái chưa đồng bộ để doanh nghiệp tự tin phát huy hết năng lực. Bên cạnh đó, nhiều chính sách của cơ quan chức năng đôi chỗ còn chưa chuyên nghiệp, chưa minh bạch và thay đổi thất thường cũng gây ảnh hưởng không ít đến sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Hàng Vay Chi – Chủ tịch Tập đoàn Việt Hương:

* Tìm hiểu về Tập đoàn Việt Hương, tôi thấy ông rất chú trọng đến nguồn nhân lực… 

– Gần 35 năm kinh doanh trong các lĩnh vực mì ăn liền, khu công nghiệp, vải sợi, may mặc, vật liệu xây dựng từ thời bao cấp thiếu vốn đến thời kinh tế thị trường cạnh tranh, tôi thấy điều quan trọng nhất để doanh nghiệp phát triển bền vững là đầu tư nguồn nhân lực, nhất là tìm được nhân tài.

Bởi vì, nếu có vốn nhưng không có con người tri thức, có năng lực điều hành và sáng tạo thì doanh nghiệp không thể phát triển, chưa nói đến việc có thể làm mất vốn. Chính vì thế, 15 năm qua tôi đầu tư vào quỹ giáo dục cho chính con em cán bộ của Tập đoàn từ cấp trung học, đại học và sau đại học.

Trong số cán bộ, nhân viên làm việc tại Tập đoàn, có nhiều con em được tài trợ tu nghiệp ở nước ngoài. Tôi chủ trương “săn đầu người” từ nguồn nhân lực mình đầu tư.

* Nhưng thường “có của thì có quyền”, phải không, thưa ông?

– Hiện nay trong 3.000 nhân viên trực tiếp nhận lương tại Tập đoàn, có khoảng 500 cán bộ, nhân viên thuộc khối văn phòng, trong đó 90% tốt nghiệp đại học, 40% có bằng thạc sĩ và nhiều cán bộ, nhân viên có ít nhất một ngoại ngữ. Tôi cũng là người không điều hành theo cơ chế cha truyền con nối như cách điều hành doanh nghiệp gia đình.

Tôi chuyển quyền cho thế hệ trẻ bất luận là thành viên nào miễn là có năng lực. Con cháu tôi ở các vị trí lãnh đạo chiếm 20%, nhưng là những người có năng lực thật sự, chứ không phải có mặt để lấp chỗ. Còn lại là những cán bộ có thực lực được tuyển dụng. Những người đến tuổi hưu có thể trở thành cố vấn nếu còn sức khỏe và khả năng.

Cách điều hành này đã tạo nên cơ chế minh bạch, rõ ràng và kích thích tinh thần làm việc, sáng tạo, phát triển, chứ không bó hẹp trong tư duy “có của có quyền”.

* Để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Việt Hương đã và đang ứng dụng công nghệ số như thế nào, thưa ông?

– 10 năm trước, Tập đoàn Việt Hương đã số hóa hệ thống quản lý, từ nhân sự, tiền lương đến sản xuất, kinh doanh… Trên cơ sở đó, máy móc tính toán và kiểm soát toàn bộ việc kinh doanh, sản xuất, cán bộ lãnh đạo chỉ bấm nút để biết sự vận hành đang ở mức độ nào, vướng mắc ở khâu nào để kịp thời giải quyết.

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi nguồn nhân lực phải thông minh. Vì thế, ngoài việc trang bị, nâng cao những phần mềm phù hợp, chúng tôi luôn chú trọng phát triển nguồn nhân lực tri thức. Có thể mươi năm nữa không cần có cửa hàng, shop mà tất cả nằm trong chiếc điện thoại thông minh. Nhưng cho dù chiếc điện thoại có thông minh đến đâu thì phải do con người điều khiển.

Chắc chắn có một cuộc đào thải những người không đủ năng lực, đồng thời, người chuẩn bị đủ kiến thức tiếp nhận cái mới càng được trọng dụng. Thế hệ thứ hai của Tập đoàn Việt Hương là những người sẽ đảm nhiệm mọi nhiệm vụ. Tôi đặt niềm tin vào lớp trẻ mà Việt Hương đã đào tạo.

* Ý kiến của ông về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”?

– Doanh nhân chân chính phải kinh doanh đúng pháp luật và có trách nhiệm với xã hội. Đạo đức kinh doanh ấy góp phần đem lại những thay đổi tích cực cho xã hội. Đóng góp cho cộng đồng là một cách báo đáp khách hàng và đảm bảo doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trách nhiệm xã hội của Tập đoàn Việt Hương là đầu tư vào quỹ giáo dục, quỹ cho người nghèo, như xây dựng nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo. Nhiều năm qua, mỗi năm Tập đoàn dành từ 1 tỷ đồng trở lên để tham gia vào các chương trình này.

* Theo ông thì hiện nay “hệ sinh thái” mà Nhà nước tạo ra đã đủ đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững? 

– Nhà nước yêu cầu doanh nghiệp hoạt động minh bạch trong sự phát triển chung, thì doanh nghiệp cũng đòi hỏi Nhà nước tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Chúng tôi hoan nghênh vai trò kiến tạo phát triển của Chính phủ. Nhưng sự chuyển biến không đồng bộ của cơ quan thực thi làm cản trở kiến tạo phát triển.

Ví dụ, việc ngồi nhà xin giấy phép xây dựng qua mạng đã được triển khai nhưng mấy ai được cấp. Hay như nghe báo cáo bỏ giấy phép con nhưng lại đẻ ra những qui định mới… Vì thế sự thay đổi nhận thức phải đi cùng hành động, không nói suông mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ông Phan Thanh Long – Tổng giám đốc Rex Hotel Saigon: Hướng đến lợi ích khách hàng để giữ vững thương hiệu

* Theo ông, để doanh nghiệp phát triển bền vững thì phải làm gì?

– Doanh nghiệp muốn phát triển thì kinh doanh phải có lãi, nhưng phải biết chia sẻ số lợi nhận ấy cho xã hội thông qua hoạt động cộng đồng. Từ hoạt động cộng đồng, người tiêu dùng biết nhiều đến doanh nghiệp. Nhưng đó không đơn thuần là chiêu thức marketing mà là trách nhiệm với xã hội.

Chúng tôi cũng kết nối doanh nghiệp và tổ chức đào tạo hướng đến sự phát triển chung, cùng các doanh nghiệp ngành nghề liên quan tạo ra sản phẩm chất lượng cao phục vụ cộng đồng thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.

Bao năm qua, bên cạnh phát triển kinh doanh, chúng tôi luôn tổ chức hoặc mở rộng tham gia các hoạt động thiện nguyện trong và ngoài khách sạn. Chẳng hạn, dịp Trung thu vừa qua, khách sạn đã phối hợp tổ chức Vui Tết Trung thu cùng con em công nhân ngành dệt may.

Chúng tôi còn có nhiều chương trình khác hướng đến cộng đồng như phát cơm cho các bệnh nhân nghèo, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây nhà tình thương…

* Ngành khách sạn là ngành tiên phong ứng dụng công nghệ số, từ đặt phòng, check in, check out đến quản lý, bảo mật thông tin khách hàng… Với khách sạn 5 sao như Rex Hotel Saigon, chắc hẳn cuộc cách mạng 4.0 tác động mạnh đến mọi hoạt động?

– Chúng tôi luôn cập nhật công nghệ số vào vận hành khách sạn, như chương trình phần mềm quản lý nhân sự, quản lý khách sạn, phần mềm kế toán… Rex Hotel Saigon cải tiến giao diện website, phát triển ứng dụng dành cho thương mại điện tử, đáp ứng kịp thời xu thế và thói quen tiêu dùng của khách hàng.

Việc áp dụng những ứng dụng trên đều hướng đến lợi ích của khách hàng, tức ưu tiên hàng đầu đối với khách hàng. Trong đó có việc cung cấp thông tin cần thiết cũng như hỗ trợ khách hàng, nhất là khách hàng nước ngoài đặt phòng online thành công với mức giá hợp lý nhất.

* Ông có thể cho biết Rex Hotel Saigon tiếp tục làm gì để phát triển bền vững?

– Về nhân sự, chúng tôi lựa chọn nguồn nhân lực trí thức trẻ, có tay nghề, đam mê lĩnh vực Hospitality để nhanh chóng hội nhập và đáp ứng yêu cầu công việc. Chúng tôi luôn chú trọng đào tạo về công nghệ thông tin cho cán bộ, nhân viên để thích nghi và cập nhật những thay đổi nhanh chóng của thị trường cùng với xu hướng của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

Mà muốn nâng cao trình độ công nghệ số, quan trọng nhất là phải giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh. Vì thế, Rex Hotel Saigon luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên nâng cao trình độ ngoại ngữ, văn hóa để nâng cao trình độ chuyên môn nhằm tạo tiền đề cho các bước tiến trong lộ trình nghề nghiệp cũng như nhanh chóng đáp ứng được những cải tiến về công nghệ tại khách sạn.

Điều quan trọng nhất vẫn là công tác truyền thông nội bộ để nhân viên luôn ý thức Rex là ngôi nhà thứ hai của họ. Do đó, mỗi nhân viên là thành viên trong đại gia đình Rex Hotel Saigon, cùng đoàn kết, đồng lòng vì mục tiêu chung của khách sạn là phát triển kinh doanh và giữ vững thương hiệu.

NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close