Câu chuyệnKinh doanh

Từ điều kiện làm việc tại Samsung Việt Nam, thấy gì về câu chuyện người lao động ở Uber, Grab?

Báo cáo điều kiện làm việc ở Samsung vừa được một tổ chức phi chính phủ công bố chỉ phản ánh một phần nổi của điều kiện làm việc ở các công ty nước ngoài. Từ Samsung với lao động ở khu vực chính thức, nhìn sang Uber và Grab, câu chuyện về điều kiện làm việc của người lao động còn kinh khủng hơn nhiều.

Tuần qua Samsung vướng vào cáo buộc vi phạm quyền của người lao động. Cụ thể, theo báo cáo của tổ chức phi chính phủ Thụy Điển IPEN và CGFED, điều kiện làm việc kiệt quệ như làm xen ca cả ngày lẫn đêm trong 4 ngày, đứng liên tục 9-12 giờ, phải xin thẻ đi vệ sinh. Điều này dẫn đến những ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng đối với lao động nữ.

Bộ LĐ-TB&XH đã tiến hành thanh tra tại hai nhà máy của Samsung. Kết luận đưa ra là công ty này vi phạm quy định giờ làm việc của Bộ. Ca làm việc ké dài 12h/ngày so với quy định 8h/ngày, lao động làm việc đến 60h/tuần so với quy định 48h/tuần. Ngoài ra, nội quy lao động trong hợp đồng còn nhiều điều khoản chưa đúng quy định. Tuy nhiên, các sai phạm trên chưa phải chịu xử phạt mà chỉ dừng ở mức nhắc nhở.

Đó là câu chuyện của lao động chính thức ở Việt Nam.

Uber đã thua kiện tại Anh trong tháng 11 (ảnh: AFP)

Cũng trong tháng này, tại nước Anh, Uber đã thua kiện. Công ty công nghệ này bị cáo buộc vi phạm điều luật của Anh quy định tài xế cần được hưởng quyền lợi của người lao động, ví dụ như mức lương tối thiểu.

Uber đã thách thức điều luật này tại tòa án, cảnh báo rằng điều luật có thể tước đi “sự linh động cá nhân” của lái xe. Họ cũng khẳng định phần lớn tài xế của công ty hài lòng với mối quan hệ giữa họ và Uber. Đáp lại, Công đoàn độc lập của Anh quốc nói rằng lái xe vẫn có thể tận hưởng sự tự do, linh động trong việc chọn ca ngay cả khi họ là nhân viên của công ty. Công đoàn cho biết quyết định này cho thấy những công ty trong nền kinh tế tự do như Uber đang tước mất quyền lợi của người lao động.

Ở Việt Nam, các cuộc tranh cãi xung quanh Uber và Grab cũng đang nóng dần lên, nhưng chủ yếu xoay quanh vấn đề cạnh tranh của hai công ty kể trên với các hãng taxi truyền thống. Quyền lợi của người lao động chưa được chú ý.

“Chúng tôi không có bất kỳ quyền lợi, chế độ bảo hiểm gì. Trong khi chạy xe ôm dễ gặp nguy hiểm, bị va chạm hay đánh đập. Chúng tôi sẵn sàng chi trả thêm một khoản tiền bảo hiểm để nhận được quyền lợi về lâu về dài trong nghề”, Phan Văn Mai, lái xe Grab 45 tuổi từng chia sẻ trên một tờ báo trong nước.

Các công ty này đánh giá tài xế dựa trên đánh giá sau mỗi chuyến đi, nếu đánh giá tụt xuống dưới mức nhất định thì họ sẽ bị khóa khỏi app. Và nỗi sợ của tài xế là có thật, họ luôn muốn được đánh giá 5 sao sau mỗi chuyến đi. Nếu như nhân viên full-time truyền thống run sợ trước những kì đánh giá thường niên thì các tài xế bị đánh giá hằng ngày, thậm chí nhiều lần trong một giờ.

Lái xe của Uber hay Grab không được nhận lương với các ngày nghỉ, ngày lễ và cũng không được đóng bảo hiểm. Điều này hiển nhiên là có lợi cho công ty vì họ tránh được một khoản chi phí lớn nhờ tiết kiệm chi phí bảo hiểm. Công ty cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý với lái xe. Tài xế tự sắm sửa xe cộ và hoạt động trên phương tiện của họ, công ty không kiểm tra xem phương tiện có phù hợp và an toàn hay không.

Uber và Grab ngày càng thu nhiều tiền hoa hồng của tài xế và thực hiện chính sách giảm giá thành. Lái xe nhận thấy họ phải làm việc nhiều giờ hơn để được trả một khoản tiền tương đương hoặc thậm chí ít hơn trước đây. Uber và Grab lấy đến 15-25% tiền hoa hồng với mỗi chuyến đi, trong khi các cuốc dài cũng chỉ tầm 50.000 đồng.

Mọi người ưa chuộng dịch vụ của Uber, Grab do giá thành rẻ hơn bình thường. Và trong thời đại mà chỉ cần click là có được hầu hết mọi thứ thì việc sử dụng Uber hay Grab có vẻ hết sức thích đáng.

Câu chuyện của tài xế Uber, Grab chỉ là một trường hợp của lao động phi chính thức ở nước ta.

Công nhân Samsung điện tử Việt Nam trong giờ ăn giữa ca

Có vẻ như quyền lợi của người lao động chính thức vẫn chưa được đảm bảo thực hiện thì lao động phi chính thức – 18 triệu người không có hợp đồng lao động và không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc – hẳn vẫn nằm ngoài chính sách của Nhà nước và sự quan tâm của xã hội. (Số liệu báo cáo lao động phi chính thức tại Việt Nam, 2017)

Trong môi trường việc làm cạnh tranh, người lao động có vẻ dễ thỏa hiệp khi quyền lợi của mình không được đáp ứng. Công nhân trong nhà máy của Samsung, theo báo cáo của IPEN, kể cả phụ nữ có thai cũng phải đứng suốt ca làm việc và không có thời gian nghỉ để tránh bị trừ lương. Lao động phi chính thức như tài xế của Uber, Grab hay những cậu bé nhặt bóng ở sân golf đều chấp nhận vị trí hiện tại của mình. Họ không hợp đồng, không bảo hiểm có nghĩa là không có sự bảo đảm gì cho những rủi ro trong tương lai.

Đơn giản vì họ lo cho miếng cơm ngày hôm nay hơn là lo cho cái tương lai có thể không bao giờ đến.

Theo Chu Lan Anh

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close