Góc nhìnQuản trị

Sự cho đi có giá trị

Tôi không tin vào tai mình khi nghe báo cáo nhà máy bị mất một số thiết bị điện tử thuộc công trình hạ tầng OLE (Overall Labour Effectiveness) đang trong giai đoạn dở dang, chưa nghiệm thu với phía nhà thầu. Người lấy cắp (có bằng chứng qua camera và biên bản ghi nhận lời khai về hành vi trộm cắp) chính là người bảo trì bảo dưỡng và sửa chữa máy móc, thiết bị cho nhà máy, có hơn 20 năm trong nghề, có danh hiệu “Lao động thâm niên”, đã được trao hai sổ tiết kiệm và được hưởng một chuyến du lịch Malaysia.

Sự cho đi có giá trị

Đọc qua bản tường trình, biên bản và các chứng cứ đi kèm được trích xuất từ camera an ninh của nhà máy, tôi đã đủ cơ sở cho việc xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất là sa thải anh ta ngay lập tức. Việc ra quyết định sa thải do đương sự đã vi phạm Khoản 1, Điều 125, Bộ Luật Lao động năm 2019. Nhưng với giá trị tài sản mất cắp theo nguyên giá gần 150 triệu đồng thì người lấy cắp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng) với mức phạt tù từ 2-7 năm theo Điều 173 của Bộ Luật Hình sự năm 2015.

“Em làm chuyện đó một mình hay có đồng bọn?”, tôi gặng hỏi. “Em sai. Sai hoàn toàn. Việc đó do một mình em làm. Em mong được chị tha lỗi và cho em một đường lui”, đương sự cúi mặt, nghẹn lời.

Tôi từng rất cương quyết trong việc xử lý những trường hợp trộm cắp tài sản hoặc biển thủ tiền công ty, nhưng sao lần này lại nghĩ đến cái khó, cái khổ của người vi phạm khi họ sẽ phải sống những ngày tháng còn lại như thế nào trước những lời bàn tán của đồng nghiệp, sự thắc mắc dừng việc đột ngột từ phía vợ con và điều quan trọng nhất đó là người vi phạm sẽ sống một cuộc đời như thế nào nếu không kịp tỉnh ngộ và sửa sai.

Chỉ vì suy nghĩ nông cạn mà trong chốc lát, anh ta đã thực hiện hành vi sai trái nghiêm trọng mang tính hủy hoại tương lai một đời người, đạp đổ những hình ảnh tốt đẹp về một kỹ thuật viên đã gắn bó với nhà máy suốt 20 năm…

Nếu sa thải thì đương sự sẽ mất quyền nhận bảo hiểm thất nghiệp và cơ hội bảo lưu quyền đóng bảo hiểm xã hội sau này để được hưởng trợ cấp tuổi hưu. Tôi đành chọn giải pháp để anh ta viết đơn xin thôi việc vì lý do cá nhân và hai bên thỏa thuận không yêu cầu bồi thường cho số ngày nghỉ không thông báo trước, nhưng vẫn phải bồi thường cho công ty bằng khoản tiền lương trợ cấp thôi việc bởi có thời gian làm việc từ trước năm 2009, theo Bộ Luật Lao động.

Trong cuộc sống, đôi lúc sự cho đi là một lựa chọn đầy trăn trở bởi phải cân nhắc rất kỹ đến quy tắc, luật lệ và uy tín người ra quyết định. Nhưng nếu việc ra quyết định cho người khác có đường lui, có cơ hội sống tốt hơn thì đó chính là giá trị nhân văn của sự cho đi.

Nhà sáng lập Tập đoàn Hyundai – Chung Ju Yung đã nói: “Mất tiền là mất ít/ Mất bạn là mất nhiều/ Mất lòng tin là mất rất nhiều/ Mất ý chí vươn lên là mất tất cả”.

Tôi hy vọng việc ra quyết định ấy sẽ mang lại sự ấm áp cho một gia đình và giữ được hình ảnh người cha làm nghề bảo trì, sửa chữa máy móc chăm chỉ, cần cù trong tâm hồn con trẻ. Hơn nữa, tôi cầu mong người đó sẽ có cơ hội để trở lại nghề mà anh ta đã học tập và lao động với niềm đam mê và sống cuộc sống có ý nghĩa.

Nhan Húc Quân – Tổng giám đốc Công ty New Toyo

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Close