Dưới đây là toàn văn bài phát biểu gây rúng động của Oprah Winfrey.
Tuy bà Oprah không xác nhận hay bác bỏ các thông tin về khả năng chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020, làn sóng ủng hộ bà vẫn nổi lên mạnh mẽ trên mạng xã hội từ trước lễ trao giải Quả Cầu Vàng. Nhiều hãng thông tấn Mỹ gợi ý khả năng bà trở thành “cứu tinh” của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hai năm nữa.
Hàng loạt ngôi sao Hollywood đã kêu gọi bà ra tranh cử. Các bài viết gắn hashtag #Oprahforpresident (Oprah tranh chức tổng thống) hay #Oprah2020 xuất hiện khắp nơi trên Twitter.
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu gây rúng động của Oprah Winfrey.
—
Năm 1964, cô bé tôi ngồi trên sàn lót vải sơn ở nhà mẹ đẻ tại Milwaukee, xem Anne Bancroft công bố giải Oscar dành cho Nam diễn viên Xuất sắc nhất trong lễ trao giải lần thứ 36. Bà mở phong bì và nói 5 từ thực sự đã làm nên lịch sử: “The winner is Sidney Poitier” (“Người chiến thắng là Sidney Poitier”).
Bước lên sân khấu là người đàn ông lịch lãm nhất mà tôi từng thấy. Tôi nhớ là ông ấy đeo cà vạt trắng và tất nhiên, ông ấy da màu. Tôi chưa từng thấy một người da màu nào được chúc mừng như thế.
Và tôi đã nhiều, nhiều, nhiều lần thử lý giải xem khoảnh khắc đó sẽ có ý nghĩa như thế nào với một bé gái, một con nhóc ngồi xem tivi trên tấm lót sàn rẻ tiền trong khi mẹ mình bước qua cửa, xương cốt mỏi nhừ vì quét dọn cho nhà người khác.
Nhưng tất cả những gì tôi có thể làm là trích dẫn và nói rằng, lời lý giải nằm ở vai diễn của Sidney trong Lilies of the Field (Bông huệ ngoài đồng), “Amen, amen, Amen, amen”.
Một cảnh trong phim Lielies of the Field. Phim kể về một anh chàng làm việc vặt người Mỹ gốc Phi vô tình gặp một nhóm các nữ tu sĩ Đông Đức, những người này nghĩ rằng anh là người do Chúa phái tới để giúp họ xây dựng nhà thờ. Ảnh: Rottentomatoes
Năm 1982, Sidney được trao giải Cecil B. DeMille (Giải Quả cầu vàng Cecil B. DeMille dành cho cống hiến suốt đời của một người trong ngành điện ảnh – ND) ngay tại đây, tại Quả cầu Vàng, và điều đó thực sự đáng giá với tôi lúc này, có một vài bé gái đang theo dõi khi tôi trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên nhận giải thưởng này.
Đó là một vinh dự – đó là một vinh dự và đó là một đặc quyền khi có thể chia sẻ tối nay với tất cả các em và với tất cả những người đàn ông, những người phụ nữ tuyệt vời đã truyền cảm hứng cho tôi, những người đã thử thách tôi, chịu đựng tôi và khiến hành trình tới sân khấu này khả thi.
Dennis Swanson, người đã liều chọn tôi cho AM Chicago. Quincy Jones, người đã thấy tôi trên chương trình đó và nói với Steven Spielberg rằng, “Đúng rồi, cô ấy chính là Sofia trong The Color Purple (Màu Tím)”. Gayle, người đã làm nên định nghĩa thế nào là một người bạn. Và Stedman, người luôn là chỗ dựa cho tôi. Xin được nhắc tới một vài cái tên như vậy.
Tôi muốn gửi lời cảm ơn tới Hiệp hội Báo chí Nước ngoài Hollywood bởi tất cả chúng ta đều biết rằng hiện nay báo chí đang bị kìm kẹp và chúng ta cũng biết rằng, cần một sự cống hiến vô bờ mới có thể phơi bày những sự thật trần trụi, khiến chúng ta không thể nhắm mắt làm ngơ trước tham nhũng và bất công – trước những kẻ bạo ngược, những nạn nhân, trước những bí mật và dối trá.
Tôi muốn nói rằng, tôi coi trọng báo chí hơn bao giờ hết khi mà chúng ta cố gắng định vị những giai đoạn phức tạp này, và điều đó dẫn tôi tới đây: Tôi biết chắc rằng, nói lên sự thật là công cụ mạnh mẽ nhất mà tất cả chúng ta đều sở hữu.
Và tôi đặc biệt tự hào, cũng như hào hứng bởi tất cả những người phụ nữ, những người cảm thấy bản thân đủ mạnh mẽ và quyền năng để cất tiếng nói và chia sẻ những câu chuyện của cá nhân mình. Mỗi chúng ta trong căn phòng này đều được chúc mừng vì những câu chuyện mà chúng ta đã kể.
Và năm nay chúng ta cũng đã làm nên một câu chuyện. Nhưng đó không chỉ là câu chuyện tác động tới riêng ngành công nghiệp giải trí. Đó là câu chuyện vượt lên trên bất cứ nền văn hóa, phạm vi địa lý, chủng tộc, tín ngưỡng, chính trị và môi trường làm việc nào.
Vì vậy, tối nay tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả những người phụ nữ đã phải chịu đựng nhiều năm bị lạm dụng, bị tấn công bởi họ, cũng như mẹ chúng ta, phải nuôi con, phải kiếm sống và phải theo đuổi ước mơ.
Họ là những người phụ nữ mà ta sẽ không bao giờ hay tên. Họ là những người giúp việc, những người nông dân. Họ đang làm việc trong nhà máy, nhà hàng, họ hoạt động trong ngành học thuật, kỹ thuật, dược phẩm và khoa học. Họ là một phần của giới công nghệ, chính trị và kinh doanh. Họ là các vận động viên Olympics và họ là những binh lính trong quân đội.
Recy Taylor. Ảnh: The People’s World/Daily Worker và Thư viện Tamiment / Kho lưu trữ Robert F. Wagner, Đại học New York.
Và còn có một người khác: Recy Taylor, một cái tên mà tôi biết và tôi nghĩ bạn cũng nên biết. Năm 1944, Recy Taylor là một người vợ, một người mẹ trẻ. Bà đang đi bộ về nhà sau khi tới nhà thờ ở Abbeville, Alabama thì bị 6 tên da trắng có vũ trang bắt cóc, cưỡng hiếp và bị bỏ lại trong trạng thái bịt mắt bên lề đường. Chúng dọa sẽ giết bà nếu bà nói chuyện đó với bất kỳ ai, nhưng rồi câu chuyện của bà đã được đưa lên NAACP (Hiệp hội vì Người da màu Quốc gia – ND), tại đó, một nhân viên trẻ tên Rosa Parks đã trở thành điều tra viên chính của vụ việc. Và cùng với nhau họ đã tìm ra công lý. Nhưng công lý không phải một lựa chọn dưới thời Jim Crow. Những kẻ từng cố gắng hủy hoại Taylor không bao giờ bị truy tố.
Recy Taylor đã qua đời cách đây 10 ngày, ngay trước lễ mừng thọ lần thứ 98. Bà đã sống như tất cả chúng ta đã sống, quá nhiều năm trong một nền văn hóa bị phá vỡ bởi những gã đàn ông quyền lực đến tàn nhẫn.
Suốt một thời gian dài, phụ nữ không được lắng nghe, không được tin tưởng nếu họ dám nói lên sự thật của mình trước quyền lực của những gã đàn ông ấy, nhưng thời của chúng đã hết.
Thời của chúng đã hết. Thời của chúng đã hết. Và tôi chỉ hy vọng – Tôi chỉ hy vọng rằng Recy Taylor ra đi nhưng biết là sự thật của bà, cũng như sự thật của nhiều phụ nữ khác, những người đã bị dày vò suốt những năm tháng ấy và thậm chí cả bây giờ, đang hiển hiện.
Nó nằm ở đâu đó trong trái tim của Rosa Parks gần 11 năm sau, khi bà quyết định ngồi yên trên chuyến xe buýt ở Montgomery. Nó nằm ở đây với tất cả những người phụ nữ chọn nói “Tôi cũng thế!” và tất cả những người đàn ông chọn lắng nghe.
Rosa Parks là một nhà hoạt động trong Phong trào đấu tranh vì quyền công dân. Ngày 1/12/1955, tại Montgomery, Alabama, Rosa Parks đã từ chối khi tài xế yêu cầu bà nhường chỗ ngồi của mình ở “phần da màu” cho một hành khách da trắng, sau khi khu vực dành riêng cho người da trắng kín chỗ. Ảnh: Academy of Achievement
Trong sự nghiệp của mình, điều mà tôi luôn nỗ lực nhất có thể, dù trên truyền hình hay thông qua điện ảnh, là nói lên một điều gì đó về cách đàn ông và phụ nữ cư xử, nói lên cách mà chúng ta chịu đựng nỗi tủi nhục, cách chúng ta yêu thương, cách chúng ta thể hiện sự giận dữ, cách chúng ta thất bại, cách chúng ta rút lui, bảo vệ và cách mà chúng ta vượt qua.
Tôi đã phỏng vấn và khắc họa chân dung những con người từng phải chống đỡ với một vài trong số những thứ xấu xí nhất mà cuộc đời đưa đẩy tới, nhưng phẩm chất mà họ cùng có là năng lực duy trì niềm hy vọng vào một sớm mai tươi đẹp hơn, dù trong những đêm đen tăm tối nhất. Vì thế tôi mong tất cả những cô gái đang theo dõi ở đây giờ này biết rằng một ngày mới sắp đến.
Và khi cái ngày mới ấy cuối cùng ló dạng, thì đó sẽ là bởi nhiều người phụ nữ tuyệt vời, nhiều trong số ấy đang có mặt ở ngay đây, trong căn phòng này, vào tối nay, và một số những người đàn ông phi thường đang đấu tranh hết mình để đảm bảo rằng họ sẽ trở thành những nhà lãnh đạo, những người có thể đưa chúng ta tới thời đại, khi mà không ai phải nói “Tôi cũng thế!” thêm một lần nữa.
Xin cảm ơn!
Bài phát biểu nhận giải Quả cầu Vàng của Oprah Winfrey
Trí thức trẻ