Kinh tế vĩ môThời sự

Phát triển kinh tế cần chú trọng an toàn của công dân

Các nhà hoạch định chính sách sẽ dần nhận ra những thách thức về an toàn, để không phải hy sinh an toàn đổi lấy sự phát triển kinh tế, thì an toàn và kinh tế cần phát triển song song.

 

Phát triển kinh tế cần chú trọng an toàn của công dân

Đánh giá của Underwriters Laboratories (UL) – Tổ chức về Khoa học an toàn toàn cầu cho thấy mức độ an toàn trong cuộc sống của người Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây, nhưng vẫn chưa thể đạt mức cao, đòi hỏi phải có những chính sách cải thiện toàn diện để giảm tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông, đuối nước hay té ngã.

Chỉ số an toàn tăng 11 bậc

Theo khảo sát và nghiên cứu của UL công bố cho năm 2017 (UL Safety Index 2017), lần đầu tiên chỉ số an toàn của Việt Nam tăng lên 11 hạng, đứng thứ 76 trong 178 quốc gia có xếp hạng và lên mức trung bình của khu vực, đứng thứ 5 trong 11 quốc gia Đông Nam Á.

Mức độ cải thiện của Việt Nam đã tăng 4 điểm so với kỳ xếp hạng trước. Việc tăng hạng trong UL Safety Index 2017 nhờ vào tỷ lệ thương tích giảm đáng kể so với năm trước, với tử vong do đuối nước giảm 15%, do ngộ độc giảm 14% và do tai nạn giao thông giảm 8%.

UL phân tích chuyên sâu về tình hình an toàn, hiện trạng thực thi an toàn tương đối của các quốc gia dựa trên ba yếu tố ảnh hưởng: các yếu tố thể chế (như kinh tế và giáo dục), các chuẩn mực an toàn (các quy định và cơ sở hạ tầng an toàn) và các kết quả an toàn (thương tích không chủ ý và tử vong).

Theo ông David Wroth – Giám đốc Khoa học Dữ liệu của UL, chỉ số có sự cải thiện nhờ vào nhiều yếu tố: tăng trưởng kinh tế giúp cải thiện sức khỏe và an toàn cộng đồng; các đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các chương trình khác; thu nhập cá nhân tăng lên giúp thêm nhiều công dân có khả năng mua những sản phẩm chất lượng và an toàn hơn.

Quan trọng nhất trong sự cải thiện này, theo UL, là nhờ vào các tiêu chuẩn giáo dục của Việt Nam được cải thiện đáng kể từ năm 2000, là yếu tố chính đo lường sự tiến bộ, góp phần nâng cao mức độ an toàn, quản lý tốt hơn sự an toàn trong cộng đồng và xác định các mối nguy hiểm, các chương trình can thiệp và giảm thiểu tử vong. Một dữ liệu cũng đánh giá mức độ an toàn của Việt Nam đã được cải thiện thể hiện ở tuổi thọ của người dân gia tăng, từ trung bình 70 tuổi vào năm 1990 đến 76 tuổi hiện nay.

Tuy nhiên, UL Safety Index cũng cho thấy thách thức Việt Nam phải đối mặt để cải thiện sự an toàn, đặc biệt giải quyết các sự cố đuối nước, té ngã ở người già và tai nạn giao thông – là các thông số khiến Việt Nam xếp hạng thấp nhất trong các nước châu Á.

Khảo sát cho thấy tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân gây thương tích và tử vong nghiêm trọng ở Việt Nam, trong đó tỷ lệ cao nhất về tử vong liên quan đến xe máy. “Song song với biện pháp nhằm giảm tỷ lệ uống rượu bia ở người tham gia giao thông, cần nỗ lực cải thiện sự an toàn trên các tuyến đường, các tiêu chuẩn an toàn xe cộ, hoặc luật thực thi cho các điều kiện lái xe khác nhau” – UL khuyến cáo.

Theo ông David Wroth, về an toàn trong môi trường nước, Việt Nam có thể áp dụng một số chương trình can thiệp từ Nhật Bản và Hàn Quốc để giảm thiểu loại tai nạn này. Ngoài ra, Việt Nam có tỷ lệ thương tích và tử vong cao do té ngã cũng là điểm cần lưu ý trong vấn đề dân số già của một quốc gia, cần có những chính sách dài hạn để có sự hỗ trợ tốt hơn cho người già, nhằm giúp giảm thiểu tỷ lệ này.

Thách thức liên kết an toàn và kinh tế

Theo ông Anthony Tan – Phó chủ tịch UL, mức độ an toàn trong điều kiện sống và nơi làm việc của công dân đang nhờ vào các ứng dụng khoa học để nâng cao an toàn, bảo mật và giải quyết các thử thách dài hạn. Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh, đòi hỏi không ngừng cải cách các cơ sở hạ tầng và đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.

Lực lượng lao động tại Việt Nam gia nhập các ngành sản xuất tăng nhanh khiến khả năng xảy ra tai nạn cũng gia tăng theo. Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), số lượng thương vong do tai nạn lao động ở Việt Nam đang tăng, với mảng xây dựng chiếm hơn 20% tổng số tai nạn cả nước.

Tương tự, với Chỉ số an toàn UL Safety Index, các nghiên cứu khác cũng cho thấy sự liên kết giữa an toàn và hoạt động kinh tế. Theo nghiên cứu gần nhất của World Bank, cải thiện an toàn giao thông bằng cách giảm tỷ lệ tai nạn và tử vong do giao thông sẽ giúp đem lại lợi ích thu nhập dài hạn đáng kể. Nghiên cứu cũng chỉ ra các nước không đầu tư vào an toàn đường bộ sẽ bỏ lỡ tăng trưởng kinh tế và hiệu suất đáng kể, họ mất tới 1% mỗi năm trong tăng trưởng GDP bình quân đầu người.

UL khuyến cáo, một trong những điểm quan trọng của chương trình đẩy mạnh an toàn tại Việt Nam là nâng cao kỹ năng quản lý an toàn lao động và sức khỏe, cung cấp những khóa đào tạo chuyên biệt cho các làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ…

Tuy nhiên, vấn đề an toàn ở Việt Nam không chỉ là giao thông và đường bộ mà còn bao gồm đường thủy và các khu vực sông biển chung quanh để đảm bảo an toàn cho trẻ em và sự an toàn của nhân viên tại nơi làm việc.

“Các nhà hoạch định chính sách sẽ dần nhận ra những thách thức về an toàn, để không phải hy sinh an toàn đổi lấy sự phát triển kinh tế, thì an toàn và kinh tế cần phát triển song song”.

HOÀNG DUY

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close