Khởi nghiệpKinh doanh
Ông chủ chuỗi thức ăn nhanh: ‘Muốn giàu hãy ngừng đọc sách’
Nghe lời vợ “hãy ngừng đọc sách và bắt tay vào làm thực tế”, chàng thanh niên 8x nhờ đó đã xây dựng thành công chuỗi thức ăn nhanh với 21 cửa hàng trên toàn quốc.
Nhắc lại câu nói làm động lực của vợ, Nguyễn Chí Nghiêm quyết định lao vào thử thách, và sau 2 năm, hiện anh đang sở hữu thương hiệu chuỗi ăn nhanh Pizza Cones Bich Le với hệ thống hơn 20 cơ sở toàn quốc. Dưới đây là những chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của doanh nhân trẻ này.
Tôi sinh năm 1984, cũng như nhiều bạn trẻ 8x khác, những năm đầu đại học tôi đã ấp ủ ước mơ làm giàu. Nhưng thời đó thông tin còn khá hiếm nên tôi chủ yếu tìm những cuốn sách dạy làm giàu viết từ những năm 80-90, tác giả đa phần là người Mỹ. Dù thuộc làu từng triết lý trong sách, nhưng tôi vẫn chưa biết bắt đầu làm giàu từ đâu tại Việt Nam.
Trong những năm du học tại Trung Quốc, tôi cùng vài người bạn tập làm quen kinh doanh bằng việc lấy tiền ăn cả kỳ học hùn vốn đi buôn. Ra chợ, thấy cái gì hay, lạ thì mặc cả mua rồi xách tay về Hà Nội bán. Chuyến được chuyến mất, nghỉ học nhiều, cộng với chi phí đi lại cao nên không có lời gì và nghỉ. Sau đó, tôi chung vốn mở cửa hàng quần áo tại Hà Nội, nhưng do quản lý từ xa (đang học ở Trung Quốc) nên lại tiếp tục thất bại.
Món Pizza ốc quế của ông chủ 8x. |
Hết vốn, tôi và bạn gái quyết tâm học thật giỏi để đi làm thuê, giúp hai năm cuối đại học của chúng tôi đạt kết quả tốt. Tôi tốt nghiệp xuất sắc và một công ty của Nhật có nhà máy tại Quảng Châu mời cả hai về nhà máy làm việc với trách nhiệm quản lý cho nhà máy đang xây dựng tại Việt Nam.
Nhưng chỉ sau hai tuần, nhận thấy môi trường nhà máy khắc nghiệt không phù hợp, hai đứa bỏ việc ra ngoài làm phiên dịch nhưng quá vất vả lại không đủ chi tiêu nên chỉ sau vài tháng, chúng tôi quyết định về Hà Nội.
Sau hai năm làm thuê đầy chán nản, hai đứa tôi cưới nhau, đồng thời may mắn xin được học bổng đi học thạc sĩ tại trường đại học cũ. Ba năm học thạc sĩ, ngoài việc làm thêm cho những công ty thương mại xuất nhập khẩu, vợ chồng tôi sinh liền hai cháu. Năm 2012 về nước, tôi kiếm được công việc xuất nhập khẩu khá ổn định. Nuôi hai đứa nhỏ khiến áp lực kiếm tiền ngày một cao. Chuỗi ngày nuôi con mọn, trông ngóng đồng lương diễn ra khá dài.
Một đêm, tôi ngủ mơ mình đang trông con ngoài đường, khi ôm con về nhà, vẫn ngôi nhà ấy, nó cũ nát, các con nhếch nhác còn hai vợ chồng thì đã già. Tôi choàng tỉnh dậy và kể với vợ… Chúng tôi nhận ra, nếu đã làm thuê phải tìm được môi trường tốt, phát huy được hết năng lực và kiếm được nhiều tiền. Còn nếu không, chỉ còn cách tự mình làm chủ. Nếu không làm bây giờ, thì sau vài năm sẽ không còn cơ hội hay động lực để làm nữa.
Cuối năm 2013, gặp được ý tưởng món pizza ốc quế rất hay, nó khiến tôi mất ngủ nhiều đêm vì muốn làm nhưng không có vốn mở quán, cũng chẳng có kinh nghiệm làm bánh hay bán hàng. Mặt khác, tôi cũng không dám bỏ việc để mạo hiểm theo đuổi nó nên vẫn cứ vùi đầu vào đọc sách với hy vọng sau này sẽ tìm ra cách làm giàu.
Nhưng rồi chiếc bánh độc lạ khi ấy cứ hiện trong tâm trí tôi. Một đêm nọ, vợ tôi thức dậy và rất nghiêm túc nói rằng: “Muốn làm giàu, hãy ngừng đọc sách và đừng luẩn quẩn quanh mớ lý thuyết nữa. Nếu anh quyết làm loại bánh ấy hãy lên kế hoạch về nó”.
Thế là hai vợ chồng gom góp hết được 100 triệu đồng tiết kiệm, vay mượn thêm trong gia đình để quyết tâm khởi nghiệp. Đầu năm 2014, chúng tôi quyết định ra nước ngoài tìm hiểu thực tế về chiếc bánh. Học được công nghệ vỏ bánh, tôi đặt máy móc theo tiêu chuẩn riêng, rồi tìm điểm mở quán.
Với cửa hàng đầu tiên, hai vợ chồng thuê mặt bằng chỉ vỏn vẹn 2m trên phố Bùi Thị Xuân, Hà Nội. Nhưng để thuê được mặt bằng này, chúng tôi đã phải lùng sục qua rất nhiều phố Hà Nội. Và cũng may, vợ tôi dường như rất có duyên với nghề. Ngoài thực đơn phong phú và khẩu vị độc đáo, cô ấy rất sáng tạo trong cách quản lý nên quán đã hút được nhiều khách hàng trẻ.
Khách đông giúp chúng tôi hồi vốn ngay trong tháng đầu. Tôi mạnh dạn mở tiếp quán thứ 2 và thứ ba. Tháng 7/2016, gia đình tôi khai trương cơ sở thứ 5 tại Sài Gòn.
Và đến tháng 9/2016, tức sau 30 tháng khởi nghiệp, gia đình tôi đã có 21 cửa hàng. Chúng tôi “đi nhanh” như vậy cũng nhờ những “bí kíp” có được từ thực tế. Đầu tiên là để món bánh pizza đặc biệt này thành công ở Việt Nam, phải kể đến công sức của vợ tôi, vừa làm bếp trưởng, vừa làm người quản lý nguồn nguyên liệu của cả hệ thống cửa hàng. Ngoài ra, nhờ những kỹ năng chọn địa điểm kinh doanh hướng đến đúng đối tượng khách hàng, kỹ năng phát triển thực đơn và quản lý nguyên vật liệu…
Qua những trải nghiệm của mình, tôi thấy rằng, những yếu tố thành công luôn bén duyên với những người đủ động lực và dũng cảm. Nhìn nhận một sản phẩm tiềm năng, đem về cho thị trường sự mới mẻ cũng là một công thức làm giàu.
Do đó, tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn trẻ rằng, chẳng cuốn sách nào đảm bảo chúng ta thành công nếu chúng ta không làm gì. Chẳng trường học nào dạy chúng ta kỹ năng sinh tồn trong kinh doanh. “Vì vậy, muốn làm giàu, bạn hãy bớt đọc sách và phải lao vào thực tế để làm thì thành công ắt đến”.
Nguyễn Chí Nghiêm/VNE