Tình trạng kiệt sức (tiếng Anh gọi là “burn out”) là khái niệm do Herbert Freudenberger, một nhà tâm lý học Đức – Mỹ hình thành vào năm 1974. Kiệt sức là tình huống mà bạn vấp phải sự suy sụp cả về tinh thần và thể chất do làm việc quá nhiều hoặc do các vấn đề liên quan. Phần lớn là do căng thẳng gây ra bởi các vấn đề tài chính, trách nhiệm nặng nề hay thậm chí là do không thể đạt được những gì mình mong đợi.
Kiệt sức là một giai đoạn tồi tệ và có thể gây nên nhiều vấn đề trong đời sống nghề nghiệp và đời sống cá nhân. Đây là một lý do chính buộc các nhân viên phải nghỉốm hoặc từ bỏ công việc của mình. Để có thể chống lại tình trạng này một cách tốt hơn, bạn cần nhận diện sớm những dấu hiệu của nó.
1. Sự chọn lựa phong cách sống
Việc thay đổi đột ngột phong cách sống (từ tích cực sang tiêu cực) là một chỉ dấu của tình trạng kiệt sức. Một người đang ở ngưỡng của sự kiệt sức không quan tâm nhiều đến cách sống lành mạnh và thiếu động lực chăm sóc sức khỏe của mình. Họ cũng có thể tìm đến thức uống có cồn để đưa họ tạm xa khỏi những rắc rối.
2. Lo lắng quá nhiều
Chuyện lo lắng về công việc ngay cả khi đang ở nhà cũng là bình thường, nhưng nếu bạn thấy mình luôn nghĩ về công việc, đó là lúc thật sự đáng lo. Lo lắng quá nhiều không chỉ gây stress mà cũng cản trở bạn tận hưởng các hoạt động khác. Đó là một dấu hiệu của trình trạng kiệt sức và cần được quan tâm tức thì.
3. Trở nên hoài nghi
Nếu bạn bỗng trở nên tiêu cực về tất cả mọi thứ trong cuộc sống, bạn cần ngồi xuống và nghĩ về những nguyên nhân của sự thay đổi hành vi này. Lúc nào cũng thấy giận dữ và ngủ gật quá thường xuyên cũng là những dấu hiệu khác.
4. Khó khăn trong quản lý các mối quan hệ
Sự căng thẳng thấm vào mọi thứ mà bạn làm, đặc biệt là cách bạn ứng xử với mọi người. Ngay cả khi bạn cảm thấy là mình vẫn quản lý được tình trạng căng thẳng ở nơi làm việc thì “stress” vẫn có thể đang âm thầm gây ra những rạn nứt trong các mối quan hệ. Stress làm cho chúng ta ít kiên nhẫn hơn và dính vào những cuộc cãi vã không cần thiết. Một số người thậm chí hoàn toàn thu mình lại và né tránh bạn bè và gia đình.
5. Các vấn đề sức khỏe
Làm việc quá nhiều cũng có nghĩa là dành ít thời gian chăm sóc sức khỏe, ăn uống không lành mạnh hay uống rượu bia nhiều trong những lần giao tế; điều này có liên quan trực tiếp đến những vấn đề sức khỏe như nhức đầu, sốt, đau lưng hay thậm chí là tim mạch.
Nếu bạn nhận ra sớm những triệu chứng này, đừng quá lo lắng. Đương đầu với tình trạng này là không quá khó nếu như bạn có được thông tin đúng. Bạn cần tạm tách mình khỏi công việc và tái nạp năng lượng cho cả tinh thần và thể xác.
Sau đây là một vài gợi ý dành cho bạn:
Hãy đi nghỉ
Nhiều khi chúng ta quá mệt mỏi để có thể đi nghỉ. Đây là một sai lầm có thể làm chúng ta “mệt tiếp” và cuối cùng là kiệt sức. Tách mình khỏi công việc và những căng thẳng của thế giới này và có một kỳ nghỉ là điều thật sự có ý nghĩa quan trọng. Nếu bạn không thể đi xa, bạn vẫn nên để cho tâm trí và cơ thể có cơ hội nghỉ ngơi và tái tạo, khi đó, bạn sẽ trở lại với nhiều năng lượng hơn.
Đừng mang việc về nhà
Nên tạo thói quen hoàn thành công việc ở văn phòng thay vì mang việc về nhà. Làm việc ở nhà nghe có vẻ hấp dẫn nhưng không có lợi về lâu về dài. Làm việc ở nhà khiến bạn phải bận tâm về công việc trong thời gian bạn đang ở nhà; bạn không còn đủ thời gian dành cho riêng mình và cho gia đình.
Chia sẻ về tình trạng của bạn
Không phải lúc nào bạn cũng cần tới những chuyên gia, chỉ cần nói chuyện với bạn bè và gia đình cũng sẽ giúp ích nhiều.
Điều quan trọng là bạn cần biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và xử lý điều đó. Nếu không có chiến lược nào trong số các gợi ý trên có thể giúp ích được cho bạn, khi đó, bạn cần đến sự trợ giúp từ chuyên gia (bác sĩ hay tư vấn viên).
AN BÌNH/DNSGCT