CEO ViệtNhân vật

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: ‘Làm chủ doanh nghiệp nhỏ khó hơn điều hành công ty lớn’

Từng đảm nhiệm cùng lúc nhiều cương vị cấp cao ở các công ty lớn, nhưng Nguyễn Tuấn Quỳnh bất ngờ chuyển hướng sang đào tạo, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ startup và bắt tay khởi nghiệp ở tuổi 44.

Khởi nghiệp ở tuổi 44

Sinh năm 1972, quê Bình Dương, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh có bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh và từng là sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Đại học Kinh tế TP HCM. Ông có thời gian dài làm việc tại Sài Gòn Petro trước khi sang làm Phó tổng giám đốc Saigon Gas vào năm 2005.

Dưới sự điều hành kinh doanh của Nguyễn Tuấn Quỳnh, sản lượng tiêu thụ của Saigon Gas tăng theo cấp số nhân, đạt 1.800 tấn gas mỗi tháng vào năm 2007. Đây cũng là thời điểm ông rời Saigon Gas, về đầu quân cho Công ty Vàng bạc Ðá quý Phú Nhuận (PNJ) với vị trí Phó tổng giám đốc, phụ trách mảng Ðầu tư – Tiếp thị kiêm Phó chủ tịch HĐQT Vinagas – một công ty con kinh doanh gas của PNJ. Đồng thời, ông cũng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Nhiên liệu Sài Gòn – SFC, một công ty bán lẻ xăng dầu lớn tại TP HCM từ năm 2008.

Bảy năm sau, ông Quỳnh thử sức ở lĩnh vực mới khi đảm nhiệm chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sách Alpha – Alpha Books. Cũng chính từ đây, sau một thời gian dài làm quản lý cho các công ty lớn, ước mơ lập doanh nghiệp của ông Quỳnh đã bùng lên và ông quyết định khởi nghiệp bằng cách lập ra Công ty cổ phần Văn hoá Sách Sài Gòn – Saigon Books hồi tháng 6 khi đã bước vào tuổi 44. “Tôi muốn được tự do về mặt tài chính cũng như thời gian”, ông tâm sự và cho biết muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

ong-nguyen-tuan-quynh-lam-chu-doanh-nghiep-nho-kho-hon-dieu-hanh-cong-ty-lon

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh chia sẻ về quản trị khởi nghiệp tại TP HCM.

Theo ông Quỳnh, khi rời các công ty như SFC, Alphabook… ông nhận được rất nhiều lời mời tham gia điều hành một số doanh nghiệp lớn kèm những điều kiện hấp dẫn về thu nhập. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định từ chối để dành thời gian làm công việc mà mình thích, trong đó có sách vở.

Trước những e ngại về độ trễ của khởi nghiệp, ông Quỳnh tự tin cho rằng đây là tuổi thích hợp nhất với bản thân. Bởi suốt thời gian qua, ông đã tạo cho mình nhiều kinh nghiệm cũng như mối quan hệ rộng, và quan trọng hơn là sự tích luỹ về mặt tài chính. “Qua quá trình làm việc hơn 20 năm, với số tiền tôi đang có được thì phần nào đó không quá căng thẳng và áp lực về mặt tài chính khi khởi nghiệp”, ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận khởi nghiệp ở độ tuổi này vẫn có nhiều hạn chế, trong đó lớn nhất là nỗi sợ thất bại. Với những người trẻ thì thời gian còn nhiều nên có thể có độ liều lĩnh hơn, vẫn còn thời gian sửa chữa va vấp, còn ở tuổi của ông, cơ hội sẽ không còn nhiều.

Ông Quỳnh cũng cho rằng, việc điều hành một doanh nghiệp nhỏ do mình khởi nghiệp thực sự đau đầu và khó hơn rất nhiều so với công tác quản trị công ty lớn. Bởi ở các công ty nhỏ thì người chủ như ông phải làm tất cả các khâu từ bán hàng, chiến lược, tiếp thị…, còn nếu ở công ty lớn hầu như đã có từng bộ phận chuyên trách. “Thật ra làm chủ ở công ty nhỏ phải làm việc nhiều hơn gấp bội lần so với điều hành các công ty lớn trước đây, nhưng bù lại được làm công việc yêu thích nên tôi cảm thấy tự do”, ông chia sẻ.

Khơi cảm hứng thành công cho người trẻ

Ông Quỳnh còn khiến nhiều người ngạc nhiên bởi bản lĩnh khác biệt khi quyết định chuyển hướng đào tạo và truyền cảm hứng cho các bạn trẻ và startup. Xuất phát từ tâm niệm “Thành công còn ở phía trước. Tôi chỉ muốn dành thời gian cho công việc mà tôi cho là tạo ra nhiều giá trị nhất không chỉ cho bản thân mà còn cho mọi người”, Nguyễn Tuấn Quỳnh vẫn đang tiếp tục sải bước khi mang những giá trị lớn lao cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những người khởi nghiệp.

Đầu tiên là ông tham gia vào giảng dạy, chia sẻ cho các bạn trẻ, các khoá đào tạo khởi nghiệp ở một số câu lạc bộ, các lớp khởi nghiệp do những trường đại học tổ chức… Ông cũng tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm cho doanh nhân trẻ ở các tỉnh như: Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Nghệ An, TP HCM…

Bên cạnh đó, ông Quỳnh thường tham gia vào các hoạt động liên quan đến khởi nghiệp như làm ban giám khảo các cuộc thi, cố vấn trực tiếp cho các bạn trẻ, đặc biệt là góp vốn vào một số dự án khởi nghiệp về nông nghiệp để giúp các bạn có thêm nguồn tài chính thực hiện giấc mơ của mình.

ong-nguyen-tuan-quynh-lam-chu-doanh-nghiep-nho-kho-hon-dieu-hanh-cong-ty-lon-1

Ông Quỳnh làm giám khảo Cuộc thi Startup Wheel 2016.

Luôn cho rằng mình đã nhận được nhiều ưu ái của xã hội, ông Quỳnh mong muốn được cống hiến trở lại cho cộng đồng. Ông thích bản thân trở thành một người có giá trị, có ích cho xã hội hơn là một người giàu có đơn thuần về mặt vật chất. Vì vậy, trong lịch làm việc của mình, ông luôn dành thời gian ưu tiên cho việc chia sẻ khởi nghiệp, các hoạt động xã hội, viết sách… “Đó là cách mà tôi nghĩ rằng mình có thể đóng góp và cống hiến”, ông nói.

Theo ông Quỳnh, hiện tại và tương lai của nền kinh tế này đang rất cần một thế hệ trẻ có tinh thần khởi nghiệp, đầy nhiệt huyết, có trí tuệ, có tinh thần sống phù hợp và chính họ sẽ góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Và tương lai đang trông chờ vào sự thành công của đội ngũ khởi nghiệp thành công.

Đánh giá về các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay so với thế hệ trước, ông Quỳnh phân tích một trong những ưu điểm nổi bật là thái độ dám dấn thân, dám trải nghiệm. Đó là tinh thần mà trước đây các thế hệ trước rất ít người có được. Hơn nữa, thời gian gần đây khởi nghiệp nổi lên như một phong trào nhưng đó là phong trào khá bền vững.

Chẳng hạn, trước đây đa phần các dự án khởi nghiệp lập ra là để dự thi chứ ít ai can đảm áp dụng nó vào trong thực tế. Còn hiện nay, các bạn trẻ luôn đầu tư hết tâm huyết cũng như tiền bạc của mình vào dự án khởi nghiệp để phát triển thành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cái yếu của họ hiện nay là quá non về quản trị công ty, đặc biệt thiếu kiến thức về quản lý dòng tiền và không chuẩn bị đủ tài chính. Do đó, khi nguồn vốn bị thiếu hụt, trong khi không thể vay được ngân hàng, nhiều bạn trẻ rơi vào khó khăn.

Ông Quỳnh cho rằng, để khởi nghiệp thành công thì cần có nhiều yếu tố. Trước hết là đội ngũ những người cùng khởi nghiệp với nhau. Lời khuyên của ông là mỗi người chỉ giỏi một lĩnh vực, hãy chọn cho mình những cộng sự vừa có thể kết hợp tốt được với nhau vừa bổ khuyết cho nhau để giúp việc khởi nghiệp thành công.

Yếu tố thứ hai là phải viết được một kế hoạch hoàn chỉnh ra giấy, phải biết quản lý dòng tiền. Và cuối cùng là đòi hỏi người khởi nghiệp phải có sự bền chí. Theo ông, thật ra những người khởi nghiệp rất cô đơn, bởi họ thường là người tự ra quyết định, khó có thể chia sẻ với người thân và bạn bè… Trong khi đó, khi bắt tay khởi nghiệp thì khó khăn luôn nhiều hơn thuận lợi nên đòi hỏi phải có sự kiên nhẫn và quyết tâm cao thì mới không chán nản, bỏ cuộc giữa chừng.

Lệ Chi

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close