Khởi nghiệpKinh doanh

Để startup du lịch thành công

Các startup trong lĩnh vực du lịch muốn thành công cần sử dụng công nghệ để thúc đẩy các dịch vụ đổi mới sáng tạo hướng đến khách hàng; hiểu biết về cấu trúc ngành, kể cả những điểm nghẽn để tận dụng cơ hội.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ – Tổng giám đốc Vietravel, sáng tạo không đơn thuần là công nghệ. Một startup thông thường đi từ nhận thức ra ý tưởng, từ ý tưởng lên phương thức kinh doanh.

“Công nghệ là phương tiện sáng tạo, đừng quá “sùng bái”, vì con người mới là yếu tố quyết định thành bại và sức đổi mới sáng tạo”, ông Kỳ nói.

Đặt hàng startup

Ông Kỳ chia sẻ: “Đối với phần mềm tích hợp quản trị và những dịch vụ giúp cho tốc độ đưa sản phẩm đến khách hàng nhanh nhất, chắc chắn chúng tôi muốn liên kết”, ông Kỳ đặt hàng.

Một website chuyên dạy ẩm thực hay giới thiệu món ăn Việt chính là du lịch, những trang booking tạo lợi thế cho du lịch Việt Nam, cả ngành đều cần. Hay nhu cầu giao chương trình đến khách hàng, tuy đơn giản nhưng nằm trong toàn bộ hệ thống logistics.

Các startup cũng có thể tích hợp vé để du khách đến Việt Nam có thể sử dụng “3 trong 1” cho cả máy bay, tàu hỏa và đường bộ; thiết kế những tour trọn gói 1 ngày (day tour), 1 tuần (one week passport), hay một vé cho tất cả điểm đến (one ticket visit)… Hiện nay khách đến điểm nào phải mua vé ở điểm đó, rất lãng phí nguồn lực và thời gian, nếu tích hợp được thì các công ty lữ hành đều có nhu cầu kết nối.

“Vietravel đang tìm nhà cung cấp dịch vụ một vé kết nối với mọi điểm tham quan ở TP.HCM, các startup hoàn toàn làm được”, ông Kỳ cho biết.

Theo ông Kỳ, startup cần xem xét tổng thể phân khúc mình gia nhập để có chiến lược phù hợp. Thực tế thị trường cho thấy, nhiều startup bước ra tận dụng vài mối quan hệ khách hàng và mang tư duy của công ty cũ để làm nên nhanh chóng trở nên lạc hậu.

“Tốc độ phát triển du lịch Việt Nam đang là bệ đỡ cho các startup vì một thị trường lớn không ai một mình có thể lấp hết, tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng, phải làm chắc ở bước chân đầu tiên, nếu trượt thì mất vài ba năm làm lại là mất cơ hội”, ông khuyến cáo.

Giải quyết điểm nghẽn

Trong khi đó, ông Phạm Duy Hiếu – CEO Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) nhận định du lịch là ngành dịch vụ điển hình, nơi khách hàng dễ áp dụng định kiến để đánh giá, các startup muốn thành công phải có dịch vụ sáng tạo. Khi khách hàng không hài lòng, 90% không quay lại, 42% số người hài lòng cũng sẽ sử dụng thử dịch vụ của nhà cung cấp khác.

Một người hài lòng giúp sức mua tăng gấp 6 lần nhờ họ tiếp tục sử dụng, giới thiệu cho người quen, nhưng khi không hài lòng sẽ đưa ra định kiến làm ảnh hưởng gấp nhiều lần và kích hoạt những tiêu cực.

“Dịch vụ khách hàng do toàn bộ con người trong công ty quyết định, vì vậy bất kỳ sai sót nhỏ ở khâu nào cũng ảnh hưởng đến toàn công ty”, ông nói.

Ông Jeff Hoffman – người sáng lập nhiều công ty lớn trong lĩnh vực internet, thương mại điện tử và giải trí như Priceline.com, uBid.com, hiện là nhà sáng lập vườn ươm ColorJar cung cấp ý tưởng cho các nhà khởi nghiệp, cho rằng công nghệ là công cụ giúp startup trong lĩnh vực du lịch tăng trưởng nhanh nhất nhờ làm thay đổi thói quen, suy nghĩ của nhiều người về du lịch, đem lại sức tăng trưởng lớn hơn.

Ông khuyến cáo: “Các startup Việt cần nhìn ra thế giới rộng lớn hơn vì đối thủ thường nằm ngoài ngành du lịch, người thành công là người biết quan sát người khác làm gì. Ví dụ, Uber không nhìn vào ngành taxi mà từ ý tưởng chia sẻ những nguồn lực vận chuyển đang lãng phí”.

Ông Kỳ cũng lưu ý: “Hiểu biết về cấu trúc ngành để định hình công ty, tính toán đến những điểm nghẽn vì đó có thể là cơ hội nhưng cũng có thể khiến startup “chết” ngay nếu không kịp đổi mới sáng tạo”.

TUYẾT ÂN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close