Câu chuyệnKinh doanh
Bài học từ sai lầm lớn nhất của CEO Uber
Uber vừa tuyên bố sa thải 20 lãnh đạo cấp cao. CEO kiêm nhà đồng sáng lập Uber Travis Kalanick cũng vừa thông báo sẽ nghỉ phép vô thời hạn vì lý do “tai nạn nghiêm trọng của cha mẹ”, sau cuộc điều tra về hành vi quấy rối nhân viên và nhiều hành vi không phù hợp khác của công ty cung cấp dịch vụ gọi xe này.
Văn hóa “giành chiến thắng bằng mọi giá” đã giúp Uber đạt được thành công ban đầu, nhưng nó cũng trở thành “gót chân Achilles” khi Công ty phát triển ngày càng lớn mạnh, Tasha Eurich – nhà tâm lý học tổ chức (organizational psychologist), nhà nghiên cứu, tác giả cuốn Bankable Leadership nhận định.
Nhà tâm lý học này nói, giống như nhiều doanh nhân chạm ngõ thành công quá nhanh khác, Travis Kalanick đã cho thấy sự thiếu hụt một kỹ năng quan trọng nhất (hoặc ít nhất là chưa thể hiện ra được) trong thế giới kinh doanh: sự tự nhận thức.
Theo Eurich, những người biết mình là ai và mình được người khác nhìn nhận như thế nào có xu hướng đưa ra những quyết định kinh doanh thông minh hơn, xây dựng các mối quan hệ tốt hơn, chứng tỏ khả năng lãnh đạo hiệu quả hơn và thậm chí là đem lại lợi nhuận cao hơn cho công ty.
Một chương trình nghiên cứu kéo dài 3 năm của Tasha Eurich về sự nhận thức bản thân cho thấy, dù có đến 95% người tin rằng họ nhìn thấy rõ chính mình, con số thực tế chỉ ở mức 10 – 15%. Vì vậy có thể nói, khoảng 80% chúng ta đang… tự lừa dối mình. Theo Eurich, sự tự lừa dối đó đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt khi một người ở cương vị lãnh đạo. Khi thiếu nhận thức về bản thân, họ sẽ lãnh đạo công ty “trật đường ray”, và càng đi xa, cái giá phải trả càng cao, đôi khi dẫn đến sự mất mát hàng triệu đô la.
Eurich cho biết, nhiều nhà lãnh đạo không thiếu nhận thức bản thân ngay từ đầu, mà điểm yếu này của họ lớn dần theo sự gia tăng cấp bậc chức vụ, thâm niên và mức độ thành công. Họ mải mê “say men chiến thắng” trong khi những người xung quanh lại không giúp họ xua đuổi ảo tưởng. Hơn nữa, khi quyền lực được gia tăng, nhà lãnh đạo lại càng đánh giá bản thân cao quá mức.
Tuy nhiên, trong quá trình tư vấn cho nhiều nhà quản lý, Tasha Eurich nhận ra, sự ảo tưởng này không bất di bất dịch. Nhiều người khi biết được thiếu sót này của bản thân đã tìm cách khắc phục trước khi quá muộn. Và có lẽ, những vụ lùm xùm thời gian qua tại Uber đã giúp Kalanick thấu hiểu bản thân hơn. Những tháng gần đây, những thông điệp từ nhà đồng sáng lập này được đưa ra một cách cởi mở, khiêm tốn và đáng tin cậy hơn. Kalanick nói ông sẽ “có sự thay đổi cơ bản với cương vị là một nhà lãnh đạo” và cam kết “tốt hơn mỗi ngày”.
Còn quá sớm để nói về việc liệu cam kết của Kalanick về sự tự nhận thức và tự phát triển bản thân sẽ đi đến đâu. Nhưng nếu ông thực sự muốn làm điều này, đây có thể là lựa chọn quan trọng nhất ông từng thực hiện trong hành trình làm CEO. Khi chúng ta học cách nhìn nhận chính mình một cách rõ ràng, nó có thể gây ngạc nhiên, gây tổn thương hoặc tạo ra sự hài lòng, nhưng điều quan trọng hơn cả là, dù thế nào đi nữa, nó cũng trao cho chúng ta sức mạnh để cải thiện bản thân.
Tuy nhiên, vấn đề này luôn nói dễ hơn làm. Quá trình thực hành luôn chứa đựng nhiều khó khăn. Trong một bài viết trên CNBC, Tasha Eurich đã đưa ra một số gợi ý giúp một nhà lãnh đạo nhìn thấy chính mình một cách rõ ràng hơn:
Nhìn về phía trước
Có một kết quả nghiên cứu đáng ngạc nhiên cho thấy, sự quan sát nội tâm – kiểm tra những suy nghĩ, cảm xúc, động lực sâu xa nhất – không làm tăng sự tự nhận thức. Thực tế, chúng ta khó thể “mở khóa” các bí mật nội tâm này, dù có cố gắng đến mức nào. Sự cố gắng này đôi khi khiến chúng ta cảm thấy áp lực và chán nản.
Lần tới, khi đối mặt với một vấn đề, đừng nhìn về phía sau. Thay vào đó, hãy tìm ra các kiểu hành động giúp thúc đẩy bạn tiến về phía trước. Chẳng hạn như luyện tập cách tìm giải pháp thông qua việc đặt câu hỏi: “Tôi thường có xu hướng la hét nhân viên khi cảm thấy bị thách thức quyền lực, làm cách nào tránh làm như vậy trong tương lai?”.
Tìm góc nhìn khách quan
Người khác sẽ có cái nhìn khách quan hơn so với chúng ta tự nhìn nhận mình, và sự phản hồi là rất cần thiết cho các nhà lãnh đạo muốn hiểu rõ hơn về bản thân.
Nếu đội ngũ ở nơi làm việc không thoải mái nói cho bạn nghe sự thật, hãy bắt đầu với bạn bè và người thân trong gia đình. Hãy tìm một người thân thiết và dám thẳng thắn với bạn, mời họ ăn tối và hỏi “Điều gì tôi làm khiến bạn cảm thấy phiền nhất?”. Câu trả lời có thể khiến bạn ngạc nhiên, và nhờ đó, gần như chắc chắn bạn có thể rút ra kinh nghiệm cho mình trong quá trình làm việc cũng như cuộc sống hằng ngày.
Yêu cầu sự hỗ trợ
Cách hiệu quả nhất để mở ra các kênh phản hồi trong đội ngũ là mang họ vào hành trình của bạn. Hãy nêu rõ cam kết muốn nhìn thấy chính mình rõ ràng hơn, chia sẻ kế hoạch để đạt được điều đó và tìm kiếm sự hỗ trợ.
Tưởng thưởng cho người nói lên sự thật
Những nhà lãnh đạo thành công và có sự tự nhận thức cao luôn để mình bị “bao vây” bởi những người dám nói lên sự thật.
Hãy tìm kiếm và phát huy tinh thần cho những người thẳng thắn như vậy trong công ty và tưởng thưởng cho họ. Hãy trao cho họ cơ hội để thực hành sự trung thực này một cách công khai. Và khi họ thể hiện điều đó, hãy bày tỏ lòng biết ơn và cởi mở với những điều họ nói.
Tìm một coach
Chỉ cần tìm được một người giỏi và phù hợp, đầu tư vào một coach giỏi sẽ giúp bạn tăng cường nhận thức về bản thân, và nhờ đó, mang về nguồn lợi nhuận khả quan hơn. Họ có thể giúp thu thập những phản hồi thẳng thắn, thách thức bạn đặt câu hỏi, nêu các giả định và biết cách nhìn vấn đề bằng góc nhìn của người khác, giúp bạn nhận lấy trách nhiệm tự thiết lập quá trình phấn đấu cho mình.