Góc nhìnQuản trị

Travis Kalanick, Trương Đình Anh, và cú sốc văn hóa…

Một người đã dựng lên một doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị lớn nhất từ trước đến nay và làm thay đổi căn bản ngành vận tải hành khách bằng ôtô như Uber, không thể nào là bất tài. Travis Kalanick là một tài năng.  Một tài năng tầm toàn cầu nếu đưa được Uber đến IPO lên sàn suôn sẻ, khi ấy có thể sánh ngang với những Bill Gates, Tim Cook, Mark Zuckerberg…

Travis Kalanick, Trương Đình Anh, và cú sốc văn hóa…

Vâng, cho dù Travis Kalanick có bị ép từ nhiệm/cách chức đến chục lần đi nữa thì con người này vẫn là một tài năng, một cái đầu xuất chúng hiếm hoi của thế giới này. Cái đầu ấy, đã xây dựng một Uber đồ sộ dù đang giai đoạn khởi nghiệp mà có giá trị gần 70 tỉ USD. Tất nhiên ai cũng biết, Uber còn lắm thứ phải hoàn thiện, phải chuẩn mực hóa, chứ không phải chỉ là các vị trí trụ cột chưa được lấp chỗ trống như hiện nay do chính Travis Kalanick chây ì hoặc chậm trễ không hoàn tất khi còn đương nhiệm CEO.

Sự ra đi của Travis Kalanick ngày 20/6/2017 vừa qua lại gợi tôi nhớ lại trường hợp rời khỏi vị trí CEO công ty công nghệ tư nhân của Việt Nam lớn nhất hiện nay – FPT. Ngày 26/9/2012, ông Trương Đình Anh viết đơn xin từ bỏ vị trí đã được hoạch định cho chính ông từ nhiều năm trước đó vì những khác biệt trong hoạch định chiến lược và phương thức điều hành giữa ông và hội đồng quản trị.

Tất nhiên có những yếu tố khác nhau giữa hai trường hợp không còn làm CEO. Travis Kalanick quyền uy là thế, nhưng đến lúc thất thời đã bị nhân viên và cả những cộng sự thân tín rời bỏ, rồi bị 5 cổ đông chiến lược ép từ chức nếu không muốn nổ ra một cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ dễ khiến Uber nát như tương khi nội tình đang rối như tơ vò. Ông Trương Đình Anh thì làm đơn xin từ chức, trong danh dự và cho thấy mình ở thế thượng phong có quyền lực chọn. Cả hai người, khi không còn là CEO của công ty thì vẫn còn là thành viên sáng lập, cổ đông lớn. Ông Trương Đình Anh là một người giỏi, đặc biệt là kiếm tiền và nghĩ ra cách kiếm tiền. Ở điểm này thì Travis Kalanick đã quá kiệt xuất vì không chỉ kiếm được hàng chục, hàng trăm triệu đô mà lên đến hàng chục tỉ USD cho Uber.

Nhưng kiếm tiền giỏi, kiếm được nhiều tiền, có phải là đã chắc vững ghế đối với vị trí CEO? Không ít trường hợp là đúng như thế. Nhưng cũng có một số không ít trường hợp không đúng như vậy. Những trường hợp này, lại rơi vào Uber hiện nay và FPT thời Trương Đình Anh làm CEO.

Một CEO có thể vỗ ngực tự hào với đồng nghiệp, với các CEO công ty khác, và thậm chí với xã hội, rằng tôi kiếm được nhiều tiền tôi tài giỏi. Nhưng với một doanh nghiệp, doanh số lớn, lợi nhuận nhiều, lương bổng nhân viên tốt, thì cũng mới chỉ đáp ứng được vài giá trị có thể là quan trọng nhất trong rất nhiều thứ giá trị quan trọng. Doanh nghiệp giàu, mạnh luôn phải đồng hành với việc xây dựng một bản sắc văn hóa. Đó có thể là một kiểu cấu trúc doanh nghiệp có nét riêng, một bộ máy nhân sự cao cấp không chỉ giỏi nghề, sáng tạo, quản lí khéo léo mà còn biết vun đắp cho môi trường làm việc. Đó có thể là các qui chế, qui tắc nghiêm khắc nhưng minh bạch, những chuẩn mực khắt khe nhưng cũng có sự trắc ẩn, nhân văn, khiến cho nhân viên luôn cảm thấy ấm lòng và tự hào khi nhắc đến thương hiệu của tổ chức mình trong nội bộ cũng như từ bên ngoài. Đó có thể là một môi trường làm việc luôn được động viên, kích thích để sáng tạo, để cống hiến và được đáp lại với các tưởng thưởng xứng đáng, nhưng không vì thế mà gạt ra bên lề những thành viên khác chỉ ở vị trí công việc bình thường hoặc thấp cổ bé họng.

Nhìn sang lĩnh vực bóng đá, Manchester United (M.U) không phải là CLB thể thao có giá trị lớn nhất thế giới nếu không muốn nói rằng trong hầu hết các cuộc thống kê nghiên cứu thì M.U luôn ở dưới Real Madrid và những CLB bóng rổ nhà nghề Mỹ. Thế nhưng trong suốt vài thập kỉ trở lại đây, M.U luôn là CLB thể thao có lượng fan hâm mộ nhiều số 1 thế giới. Người ta yêu mến M.U nhiều hơn ngay cả khi M.U không phải là CLB có số cúp C1/Champions League hay số cúp vô địch quốc gia nhiều nhất. Người ta yêu mến M.U nhiều nhất vì rất nhiều thứ cộng lại mà khó có thể phân ra tường tận ra từng thứ một. Là bởi tất cả những thứ ấy đã hòa quyện lại, kết tinh thành văn hóa M.U tạo nên một thương hiệu cuốn hút, mà dù có một lúc nào đó người ta xem đội bóng này thua quá tệ một đối thủ nhỏ và bực bội, thậm chí sinh ra ghét, nhưng trái tim rồi cũng không thể dứt được niềm yêu đội bóng này.

Uber, một thương hiệu lớn, chiến và chiến và chiến để khẳng định sức mạnh của một phương thức vận tải hành khách bằng nền tảng công nghệ kết nối mạnh mẽ, có giá trị thực dụng hữu ích đối với hành khách vì vừa rẻ vừa tiện đối với họ. Nhưng liệu có bao nhiêu người đi Uber mà cảm thấy yêu Uber? Văn hóa Uber không chỉ hiếu chiến (có phòng họp tên là “Phòng Chiến tranh” mà gần đây phải đổi tên thành “Phòng Hòa bình”), thực dụng, kinh doanh-kiếm tiền là tối thượng mà còn xem nhẹ những thứ khác, không lo vun đắp văn hóa doanh nghiệp để xảy ra hết scandal về quấy rối tình dục lại đến kì thị sắc tộc, giới tính; ăn nhậu hút xách bừa bãi; cãi vã không biết điểm dừng; tránh thuế và tiếp tay trốn thuế tại các thị trường.v.v…Vin vào lí do bỏ qua các qui tắc cản trở sự sáng tạo, nhưng Uber của Travis Kalanick lại không xây dựng được một cấu trúc văn hóa bền vững từ bên trong. Sự đổ vỡ của Uber phiên bản Travis Kalanick chính là ở đây.

Thời kì lãnh đạo FPT Telecom, ông Trương Đình Anh đã là người giỏi kiếm tiền và ông xem việc kiếm tiền là nhiệm vụ tối thượng trong hoạt động của doanh nghiệp, và xem nhẹ việc xây dựng văn hóa trong tổ chức. Rồi năm 2011 ông mang triết lí này lên tầm tập đoàn khi ngồi vào ghế CEO của FPT. Nhưng một FPT phiên bản Trương Đình Anh xem nhẹ vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp không bao giờ là mong muốn của số đông những người còn lại ở FPT và ngay cả hội đồng quản trị. Đâu đó chừng 9 năm qua rồi scandal “múa khỏa thân” (năm 2008) tại FPT, mà ở thời FPT phiên bản Trương Đình Anh người ta thỉnh thoảng vẫn còn gợn nhớ sự cố này.

“Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng nhiều tiền, không mua được bằng nhiều tiền thì mua được bằng rất rất nhiều tiền”. Trong giới làm ăn, kinh doanh rất nhiều người thấm thía câu ngạn ngữ này chứ không riêng gì các vị lãnh đạo của FPT các thời kì. Thế nhưng có một thứ không mua được bằng “rất rất nhiều tiền” – đó là văn hóa doanh nghiệp. Muốn xây dựng/vun đắp được văn hóa doanh nghiệp, phải cần có tiền, thời gian, và tối quan trọng là ý chí, sự thực tâm của người lãnh đạo.

Thì Travis Kalanick đấy, đã dựng nên một Uber khởi nghiệp có giá trị gần 70 tỉ USD, nhưng con số “rất rất nhiều tiền” này đã không làm nên được một văn hóa doanh nghiệp Uber tốt đẹp, thậm chí ngược lại còn gây ra những cú sốc.

Theo Thẩm Hồng Thụy

VnReview

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close