Theo thống kê, trung bình trong suốt cuộc đời mỗi người dành tới 5 năm và 4 tháng để tương tác trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook), thay vì nói chuyện trực tiếp với nhau.
Mở mắt ra là… lướt Facebook
Thời đại của công nghệ số và smartphone lên ngôi khiến cuộc sống của chúng ta – những con người trẻ đang chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới, luôn gắn liền với chiếc điện thoại di động 24/7. Bạn lướt Facebook, bạn đăng hình trên Instagram, bạn cập nhật trạng thái trên Zalo… Mọi thứ bạn làm đều không thể tách rời khỏi chiếc smartphone.
“Có vẻ như tôi đang bị tụt lùi lại phía sau so với bạn bè của mình. Họ sở hữu những ngôi nhà đắt tiền, những chiếc xe hơi sang trọng và có những chuyến du lịch xa xỉ… Làm thế nào để tôi có thể bằng được bạn bè đây?”
Dường như đó là câu hỏi lặp đi lặp lại mà chúng ta vẫn nghe được mỗi ngày, từ Tokyo đến Washington. Nó xảy ra mỗi buổi sáng: Chúng ta thức dậy với một tâm trạng rất vui vẻ, phấn chấn. Sau đó bạn bắt đầu tìm chiếc smartphone của mình. Việc đầu tiên bạn làm là mở ứng dụng Facebook hoặc Instagram và tất nhiên, những điều xảy ra sau đó thì ai cũng giống ai.
Bạn bắt đầu dự đoán xem chiếc nhẫn đính hôn của cô bạn đại học nặng bao nhiêu carat. Bạn ngạc nhiên khi cậu em họ khoe chiếc xe hơi mới toanh trên Facebook. Thậm chí, ngay cả con chó của cô bạn cấp 3 cũng khiến bạn ngạc nhiên và ghen tỵ… Bạn bắt đầu tự hỏi: Làm sao để họ – những người trẻ như bạn có đủ tiền trang trải cho những món đồ “xa xỉ” đến vậy?
Trên thực tế, bạn đang bị ám ảnh bởi các phương tiện truyền thông xã hội nói chung và Facebook nói riêng.
“Chắc hẳn bạn sẽ không tìm thấy ai đăng tải về việc họ thiếu tiền thuê nhà hay những thứ đại loại như thế trên Facebook”, Doug Amis – chuyên gia tài chính Mỹ cho biết.
Những con số đáng báo động
“Hiện tại chúng tôi đang phải thực hiện một cuộc cách mạng mới nhằm thay đổi cách người dùng sử dụng Facebook. Bằng cách thực hiện những thay đổi này, tôi mong rằng thời gian mà mọi người dùng Facebook sẽ giảm xuống. Cùng với đó, tuy thời gian rút ngắn đi nhưng tôi hi vọng các bạn sẽ tìm thấy những điều thực sự giá trị trên Facebook”, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg công bố trong một bài đăng trên blog mới đây.
Theo thống kê, trung bình trong suốt cuộc đời mỗi người dành tới 5 năm và 4 tháng để tương tác trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook), thay vì nói chuyện trực tiếp với nhau.
Đối với 2 tỷ người dùng Facebook, những mối quan hệ trong đời thực là chưa đủ. Họ muốn kết nối với bạn bè gần xa, chia sẻ những bức ảnh hay kỷ niệm khó quên, hay thậm chí liên lạc lại với những người bạn đã thất lạc từ thời trung học hoặc đại học. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả. Facebook còn có những mặt trái mà chúng ta không thể ngờ tới.
Năm ngoái, mạng xã hội phổ biến nhất hành tinh này đã phải thực hiện một chương trình chống tự sát thông qua trí tuệ nhân tạo. Chương trình này nhằm mục đích phát hiện những bài đăng hoặc video livestream của những người đang có ý định tự tử.
Một nghiên cứu mới đây do các nhà tâm lý học đến từ Đại học Yale (Hoa Kỳ) tiến hành cho thấy việc sử dụng Facebook thường xuyên gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ con người, đặc biệt là về vấn đề tâm lý và tinh thần.
“Những kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mối liên kết chặt chẽ giữa thời gian sử dụng Facebook với vấn đề tâm thần. Chúng tôi phát hiện ra rằng kể cả việc bấm ‘like’ hay click vào các đường link được chia sẻ trên Facebook đều dẫn đến sự sụt giảm về sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần và chất lượng cuộc sống”, báo cáo cho biết.
Tại Việt Nam nói riêng, theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây, có đến hơn 97% trong số 424 học sinh 15-18 tuổi đang sử dụng Facebook. Và gần đây đã liên tiếp xuất hiện nhiều vụ học sinh nghiện Facebook quá nặng phải cưỡng chế nhập viện, thậm chí có trường hợp phát điên vì bị cấm dùng Facebook.
“Nghiên cứu của chúng tôi đã đi đến kết luận về một hình thức gây nghiện khác, đó chính là nghiện Facebook. Chúng ta nghiện checkin Facebook, đăng tải bài viết, tag (gắn thẻ), thậm chí comment (bình luận) trên ảnh của bạn bè. Tỷ lệ này khá cao ở cả nam và nữ, tuy nhiên phụ nữ có xu hướng đăng tải trạng thái và chia sẻ các đường link với tần suất lớn hơn nam giới”, các nhà nghiên cứu kết luận.
Theo Trí Thức Trẻ