Góc nhìnQuản trị

“Bình thường mới” và “bình tâm mới”

Loài người bước vào “năm Coronavirus” thứ hai, với một chút “ánh sáng le lói cuối đường hầm” là việc tiêm chủng cấp tốc vắc xin, nhưng vẫn còn là sự tiếp nối giai đoạn Covid-19 bao trùm cả năm 2020. Do đại dịch làm xáo trộn thế giới trong bối cảnh giãn cách xã hội và do sự suy thoái toàn cầu của hầu hết mọi ngành kinh tế, buộc con người phải thích nghi, từ đó thuật ngữ “bình thường mới” (new normal) đã ra đời.

Nếu là một lãnh đạo doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, hay là chỉ “lãnh đạo chính bản thân”, bạn sẽ ứng phó với “bình thường mới” như thế nào?.

Binh-thuong-moi9-3487-1612336067.jpg

Hãy nhìn thẳng vào sự thật. Đừng như chú đà điểu trong cơn bão, chúi đầu xuống cát là xong. Cơn bão vẫn tàn phá và hủy hoại môi trường sống của chú đà điểu. Cũng đừng quá tin vào những dự báo đầy lạc quan cho năm mới, cho dù đến từ những tổ chức lớn nhất và uy tín nhất hành tinh (vì trước đây chỉ một năm, họ có dự báo được gì thực sự đúng với thực tế đầy bất ngờ này đâu). Hãy nhìn thẳng vào sự thật của chính mình và những gì xung quanh. Nói như khỉ Rafiki trong phim Vua sư tử khi nghe sư tử Simba kể về quá khứ đau buồn: “Quá khứ có thể gây tổn thương. Nhưng cách thức tôi nhìn thấy là bạn chỉ có thể trốn chạy hoặc học hỏi từ nó”. Nhìn thẳng vào sự thật không làm cho người có bản lĩnh yếu đi, thậm chí sẽ làm họ mạnh mẽ hơn.

Tự tin và thực tế. Tự tin có nhiều cấp độ, nhưng tuyệt đối không tự huyễn hoặc (kiểu như “đại dịch sẽ chừa mình ra, rồi sẽ qua nhanh thôi mà”) và cũng không hy vọng hão huyền hay lạc quan tếu. Sự tự tin phải dựa trên thực tế, dựa trên sự đánh giá, phân tích và tổng hợp khoa học, sự tiên lượng các tình huống từ xấu đến tương đối tốt và các giải pháp dự trù, phòng thân. Chỉ có sự tự tin chính đáng và óc thực tế mới làm nên được nền tảng của “bình tâm mới”.

“Bình tâm mới” là gì? Đó là sự bình tĩnh, là bản lĩnh ứng phó, thích ứng để lèo lái công việc, sắp xếp cuộc sống. Một trái tim bình an và rộng mở, lành mạnh và khỏe khoắn, đi kèm với khối óc minh mẫn và điềm tĩnh, vẫn dồi dào sáng tạo, ý tưởng hay ho thấm đẫm tính nhân văn mới có “bình tâm mới” trong đại dịch. Nhiều chủ doanh nghiệp hốt hoảng cắt việc, cắt lương nhân viên. Việc đó làm giảm sút uy tín của chính mình, niềm tin và sự gắn bó của những người đi theo mình và làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động. Người tài sẽ ra đi và cái nhìn ngày xưa đã thay đổi. Mọi quyết định trong khủng hoảng đều có cái giá và hệ lụy của nó. Khủng hoảng có khi không đến từ đại dịch mà vì không thích ứng được việc sống chung với bối cảnh đại dịch toàn cầu, nghiêm trọng hóa vấn đề, đi quá xa trong nỗi sợ hãi và chảy máu bản lĩnh, sa sút trí tuệ. Đã sợ thì không còn nhớ đến con người là yếu tố quan trọng nhất, là vốn lớn nhất.

Lúc này, để “trôi xuồng” mà lầm tưởng là sống chậm, hấp tấp mà tưởng là suy nghĩ nhanh, là năng động thì hậu quả sẽ khó lường. Cái chết có thể đã được báo trước nhưng lại bị bỏ qua một bên và cuộc sống sẽ bỏ chúng ta qua một bên.

Sống chậm lại và suy nghĩ nhanh hơn. Sự bình tâm không phải là lặng yên thiền định, hay tự kỷ ám thị mà chính là sự khởi phát của một loạt câu hỏi mang tính quyết định: Tài lực, nhân lực và vật lực đang như thế nào? Điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đang như thế nào? Những gì có thể sống chậm lại, triển khai chậm lại, hay trao quyền, hay hủy bỏ? Những gì cấp bách và quan trọng cần làm ngay? Kế hoạch được cập nhật như thế nào? Các giải pháp chống suy thoái đã được bàn bạc và đã được duyệt xét nghiêm túc với mức đồng thuận cao chưa?… Lúc này, để “trôi xuồng” mà lầm tưởng là sống chậm, hấp tấp mà tưởng là suy nghĩ nhanh, là năng động thì hậu quả sẽ khó lường. Cái chết có thể đã được báo trước nhưng lại bị bỏ qua một bên và cuộc sống sẽ bỏ chúng ta qua một bên.

Đừng vội thay đổi quỹ đạo phát triển. Thay vào đó, hãy nhìn lại, suy nghĩ lại, đào tạo lại, cấu trúc lại, tái tạo lại. Việc xem xét lại trong tinh thần phê phán chính là để làm mình vững mạnh hơn, sáng suốt hơn, tìm ra con đường đi sáng sủa hơn. Bạn cần một chiếc đèn pin để soi đường trong đêm tối chứ không phải đổi hướng, đâm ngang, đâm dọc trong mò mẫm, bước thấp bước cao. Trong đại dịch, những ngành như hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng bị khủng hoảng lâu dài, nhưng câu hỏi trước tiên vẫn nên là “Có cách nào không?”, “Có cách nào khác không?”, “Có không gian phát triển nào không?”, “Làm sao phát triển nội lực?” và “Còn có gì nữa không?”. Hơn lúc nào hết, trong công việc và trong cuộc sống bây giờ, bạn cần đạt được sự cân bằng năng động, theo nghĩa hóa lý khi phản ứng thuận nghịch xảy ra.

Binh-thuong-moi-5-1904-1612336067.jpg

Nhìn ra xung quanh và nhìn ra thế giới. Thế giới luôn thay đổi. Nhất là khi chính chúng ta thay đổi cách nhìn. Một năm đầy bão lũ, sạt lở núi, dịch bệnh. Một năm với đe dọa đụng độ quân sự. Một năm bị SARS-CoV-2 khống chế. Một năm nán thở, hồi hộp, lo âu, buồn đau và cả bất lực. Thế nhưng, dù có lúc giá dầu thô lý thuyết tụt xuống dưới 0 đồng, thế giới vẫn tiến về phía trước: SpaceX sản xuất ô tô điện và phi thuyền không gian Starship thu về lợi nhuận cho ông chủ thêm 110 tỷ USD trong vòng một năm. Apple vẫn theo đuổi việc ra mắt xe thông minh vào năm 2014. Cuộc chạy đua sản xuất vắc xin của BioNtech+Pfizer, Moderna, Oxford… là những nỗ lực lớn lao. Sau năm 2020, thế giới vẫn tiếp tục được kiểm tra sức chịu đựng. Các giá trị tiếp tục bị thử thách và những bài học sẽ giúp nhân loại gần nhau hơn, hòa bình với nhau hơn. Ước mong sẽ là như thế!

Hãy quan tâm đến người khác và cộng đồng. Mới đây, khi phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã kêu gọi mọi người trong khủng hoảng, đại dịch và suy thoái: “Hãy biết quan tâm và suy xét cho người khác, thấu hiểu để lấy lại chính mình, nhận thức về ý thức cộng đồng”. Đây không phải là trách nhiệm xã hội hay sự ban ơn, mà là một thái độ đúng đắn với chính mình. Trong một bộ phim của Hollywood hư cấu chuyện giành nhau sơ tán lên mặt trăng để tránh ngày tận thế, sự xâu xé, sự bỉ ổi, sự ích kỷ và gian manh đã bộc lộ rõ trong cuộc chiến sinh tồn nằm trong mỗi người. Tôi biết một doanh nghiệp đã mua gạo và 200 thùng mì gói phòng xa cho 200 nhân viên của mình. Mì gói là mì gói chay, để khi hết giãn cách xã hội thì có thể đem tặng chùa. Câu chuyện nhỏ những ý nghĩa và tầm nhìn khá thú vị trong “bình thường mới” với “bình tâm mới”.

Điều cuối này, mặc dù chưa phải là điều cuối cùng: Bạn đừng để mình mất đi bản chất tốt đẹp của chính mình, nhất là những nguyên tắc đạo lý, nhân văn trong cách xử thế với những người chung quanh.

Hãy tự truyền lửa, truyền cảm hứng, truyền động lực và truyền năng lượng. Sau năm 2020, thế giới vẫn tiếp tục được kiểm tra sức chịu đựng. Hãy luôn sẵn sàng với tâm thế “bình tâm mới”!

Nguyễn Thanh Lâm

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close