Công nghệThời đại số
Blockchain: Không đơn giản chỉ là bitcoin
Với phạm vi ứng dụng trải khắp trên nhiều ngành nghề và lĩnh vực trên thế giới, blockchain được xem như một trong 10 công nghệ quan trọng nhất trong thời cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Blockchain không đơn giản chỉ là bitcoin. Ảnh: Medium |
Blockchain không phải là một công nghệ hoàn toàn mới mà đã xuất hiện cách đây ít nhất một thập kỷ. Vào năm 2008, blockchain đã được phát minh bởi Satoshi Nakamoto và công nghệ này đã được ông sử dụng với mục đích tạo ra đồng tiền mã hóa bitcoin, nhờ tính minh bạch cũng như sự nghiêm ngặt trong bảo mật thông tin của nó.
Ngoài ra, tính bảo mật và phi tập trung của blockchain còn sở hữu tiềm năng ứng dụng rất rộng, đơn cử một vài trường hợp như: Thực hiện các bản ghi dữ liệu sự kiện, hồ sơ y tế, quản lý hộ tịch, quản lý giao dịch, truy xuất nguồn gốc thực phẩm hay bỏ phiếu trong bầu cử v.v..
Tuy nhiên, cho đến tận năm 2013, khi xét trên bình diện chung của toàn thế giới, thì các tính năng đột phá của blockchain vẫn chưa được nhìn nhận một cách phổ biến, chủ yếu là vì nó không nhận được nhiều sự quan tâm. Chỉ đến khi cơn sốt tiền mã hóa bitcoin rộ lên, thì người ta mới bắt đầu tìm hiểu về blockchain và có cái nhìn sâu sắc hơn về vai trò cũng như các ứng dụng tiềm năng của nó.
Gần đây, trong một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), blockchain được xem như một công nghệ đầy hứa hẹn. OECD đã chỉ ra rằng nếu blockchain được áp dụng trong hệ thống thu và quản lý thuế, rất nhiều công việc giấy tờ rườm rà sẽ được giảm tải, nhờ đó có lợi hơn cho chính phủ các nước.
Blockchain trên thế giới
Trong xu thế phát triển blockchain hiện nay, có rất nhiều chương trình liên quan đến công nghệ này đã được triển khai trên toàn thế giới. Tại sự kiện Blockchain & E-Governance: A gathering at Intersection of Investment, Innovation and Policy được tổ chức bởi Infinity Blockchain Labs (IBL) và Vietnam Blockchain Club vào ngày 6/3/2018, bà Nguyễn Huỳnh Phương Thảo – đại diện của IBL – đã trình bày nghiên cứu của công ty này về một số bối cảnh pháp lý liên quan đến blockchain tại nhiều quốc gia như sau:
– Năm 2017, Trung Quốc đã phát triển nền tảng blockchain riêng của họ. Trong đó, ông lớn thương mại điện tử Alibaba là nơi tuyên bố đã tích hợp thành công công nghệ blockchain vào khâu kinh doanh hậu cần của mình.
– Tại Canada, nhiều dự án của chính phủ ứng dụng công nghệ blockchain đang được thực hiện.
– Tại Dubai, một thành phố thông minh đang được phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ blockchain.
– Tại Singapore và một số nước châu Á khác, nhiều quỹ đã được thành lập nhằm mục đích nghiên cứu và phát triển thêm về công nghệ blockchain.
Hiện tồn tại khá nhiều quan điểm khác nhau về blockchain ở khắp nơi trên toàn thế giới. Song, từ nghiên cứu của IBL, thì có thể rút ra được một điểm chung: Trong khi hầu hết các nước phát triển bày tỏ thái độ chấp nhận công nghệ blockchain và các ứng dụng của nó, thì tại các nước châu Á – nơi có nền công nghệ chưa phát triển bằng, tâm lý đối với blockchain là khá dè dặt. Ngoài ra, còn có một số nước thậm chí cấm sử dụng blockchain.
Blockchain tại Việt Nam
Ở Việt Nam, blockchain đang được đón nhận một cách tích cực. Nhưng nếu xét về mức độ phổ biến thì hầu như chưa nhiều cá nhân hay tổ chức thực sự am hiểu và mạnh dạn ứng dụng công nghệ này. Đối với đa số người dân, bitcoin hay các đồng tiền mã hoá khác – sản phẩm xuất phát từ blockchain – mới là thứ được biết đến nhiều hơn.
Nói như bà Anna Piperal – Giám đốc của Showroom E-Estonia, đại diện từ Estonia đến tham dự Blockchain & E-Governance thì việc ứng dụng của blockchain không chỉ giới hạn ở tiền mã hoá. “Trên quy mô rộng hơn, blockchain không chỉ đơn thuần là bitcoin. Các ứng dụng của blockchain có thể được sử dụng cho rất nhiều lĩnh vực trong quản lý của chính phủ “, bà chia sẻ.
Việt Nam cũng đã có những động thái phù hợp để bắt kịp với xu hướng. Phát biểu tại Blockchain & E-Governance, ông Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ – cho biết, Chính phủ sẽ công bố Luật sửa đổi về chuyển giao công nghệ với nhiều nội dung mới vào ngày 1/7/2018 tới. Trong đó, tập trung việc thúc đẩy đưa các công nghệ mới, tiên tiến vào ứng dụng trong các ngành; tạo hành lang thông thoáng, môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ mới từ nước ngoài dễ dàng hơn. Ông Dũng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong việc nhập khẩu các công nghệ này, và blockchain là một trong những số đó.
Ứng dụng blockchain trong quản trị điện tử
Và, để có cái nhìn rõ nét hơn về khả năng ứng dụng của blockchain trong các lĩnh vực khác, mà một trong số đó là quản lý thông tin của chính phủ, hãy cùng nhìn vào trường hợp của Estonia. Thông qua việc áp dụng hệ thống quản trị điện tử và sử dụng công nghệ blockchain trong quản lý, Estonia đã trở thành một trong những chính phủ làm việc hiệu quả nhất trên thế giới.
Trong đó, Estonia có tính cạnh tranh về thuế cao nhất (theo OECD) và đứng số 1 về kinh doanh – việc bắt đầu một doanh nghiệp mới thật dễ dàng khi không phải đối phó với bất kì thủ tục quan liêu nào (theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới).
Khi chia sẻ kinh nghiệm của Estonia về blockchain tại Blockchain & E-Governance, bà Anna Piperal – Giám đốc của Showroom E-Estonia – đã cho mọi người xem căn cước điện tử (e-ID) của mình. Bà nói, với chiếc thẻ điện tử ấy, người dân Estonia có thể tiếp cận tất cả các dịch vụ công cộng, từ y tế chăm sóc sức khoẻ đến giáo dục, thâm chí thông qua kênh trực tuyến. Tại Estonia, người dân sở hữu e-ID có thể nộp đơn xin trợ cấp xã hội, xin giấy phép lái xe mới, ngay cả đăng kí đặt tên cho con của mình mà chỉ cần ngồi tại nhà và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Thêm vào đó, công nghệ blockchain sử dụng tại Estonia còn được dùng hỗ trợ việc ký giấy tờ kỹ thuật số. Bởi vì ở Estonia, các loại giấy tờ được lưu trữ trực tuyến, từ đăng ký đất đai đến đăng ký kinh doanh v.v.. “Chữ ký số” là một khái niệm mới được hình thành nhờ blockchain. Người dân Estonia thậm chí còn chọn bỏ phiếu trực tuyến bằng chữ ký số của mình, vì họ không lo việc phiếu bầu có thể bị hoán đổi nhờ môi trường hoàn toàn minh bạch mà blockchain tạo ra.
Còn trong chăm sóc sức khoẻ, các hành vi gian lận không thể xảy ra và vì thế dữ liệu về sức khoẻ số được lưu giữ trực tuyến một cách an toàn gần như tuyệt đối. Không ai có thể kê đơn thuốc sai hoặc làm xáo trộn bệnh án của bất kì bệnh nhân nào.
LÊ DUY