Câu chuyệnKinh doanh
Bloomberg: Samsung giúp nông dân Việt Nam kiếm được nhiều tiền hơn nhân viên ngân hàng
Cô Nguyễn Thị Dung đang kinh doanh nhà trọ và bán hàng tạp hóa, phục vụ các công nhân của Samsung. Dự tính sẽ kiếm được tới 68.000 USD trong năm nay.
Một vài năm trước, ở một trong những tỉnh nghèo nhất nước, cô Nguyễn Thị Dung kiếm sống bằng nghề chăn nuôi gà và trồng lúa. Đến năm nay, cô đang mong chờ mức thu nhập còn cao hơn cả số tiền mà một nhân viên môi giới chứng khoán bình thường có thể kiếm được. Điều gì đã tạo nên sự khác biệt này? Câu trả lời chính là Samsung.
“Gã khổng lồ” điện tử đến từ Hàn Quốc đã mở nhà máy ở giữa những cánh đồng lúa của Bắc Ninh và bắt đầu sản xuất smartphone ở đây từ 7 năm trước. Nhà máy này làm ra những sản phẩm mới nhất của Samsung, trong đó có cả những chiếc điện thoại Galaxy Note 7 vừa bị triệu hồi trên toàn cầu vì sự cố nổ pin. Chính những thiết bị điện tử của Samsung đã biến vùng quê bình yên và có phần buồn tẻ trở thành trung tâm xuất khẩu lớn thứ hai cả nước, chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh.
“Cuộc đời của chúng tôi đã thay đổi rõ rệt từ khi Samsung đến đây”, người phụ nữ 57 tuổi nói. Hiện cô đang kinh doanh nhà trọ và bán hàng tạp hóa, phục vụ các công nhân của Samsung. Dự tính sẽ kiếm được tới 68.000 USD trong năm nay (hơn 1,5 tỷ đồng), cô chia sẻ đang muốn mua một chiếc ô tô để tiện đi lại.
Cô Nguyễn Thị Dung. Ảnh: Bloomberg
Ở khu công nghiệp này, có tới 45.000 công nhân trẻ tuổi và hàng trăm nhà sản xuất linh kiện điện tử nước ngoài. Có thể coi đây là mô hình thu nhỏ của các chaebol – những tập đoàn tư nhân hùng mạnh tạo nên kỳ tích cho nền kinh tế Hàn Quốc. Ăn theo khu này là 2.000 nhà nghỉ, khách sạn và nhà hàng đã được mở ra từ năm 2011 đến 2015, giúp GDP bình quân đầu người của Bắc Ninh cao gấp 3 lần so với mức trung bình cả nước.
Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Bắc Ninh, cho biết dòng vốn đầu tư của Samsung đã tạo nên bước đột phá cho tăng trưởng của không chỉ tỉnh Bắc Ninh mà là của cả nước, giúp đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa.
Nhà máy Samsung ở Việt Nam còn là biểu tượng cho giai đoạn đầu của kế hoạch thu hút các nhà sản xuất nước ngoài từ tay Trung Quốc, quốc gia đang mất đi sức hấp dẫn trong mắt các tập đoàn dệt may, điện tử và hàng tiêu dùng thế giới bởi chi phí nhân công tăng cao. Khả năng thu hút các công ty sản xuất nước ngoài trong thời kỳ những năm 1980 và 1990 là yếu tố quan trọng nhất giúp Trung Quốc phát triển chuỗi cung ứng và cuối cùng là xây dựng được các tập đoàn lớn của riêng mình.
Samsung mở nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 1992. Giờ đây hãng đang đặt cược lớn vào Việt Nam. Từ nhà máy pin của Samsung SDI, những chiếc xe buýt chở công nhân màu trắng có logo Samsung nối đuôi nhau chạy trên những con đường nhựa thẳng tắp mà ở hai bên là những con bò đang gặm cỏ. Còn những chiếc xe tải thì vận chuyển smartphone đến sân bay Nội Bài, nơi Samsung có cả bến bốc xếp hàng hóa của riêng mình.
Tính đến tháng 6 vừa qua, tổng cộng 856 công ty nước ngoài đã đầu tư 11,9 tỷ USD vào Bắc Ninh. Hơn một nửa trong số đó liên quan đến Samsung. Đầu tư nước ngoài hiện đóng góp tới 60% GDP của tỉnh, theo ông Nguyễn Đức Cao, phó trưởng ban quản lý các khu công nghiệp ở Bắc Ninh.
Khoản đầu tư 15 tỷ USD cũng giúp Samsung trở thành công ty xuất khẩu lớn nhất cả nước, với tổng giá trị các mặt hàng điện tử xuất khẩu trong năm ngoái lên tới 33 tỷ USD. Trước khi Samsung đến, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại di động và các sản phẩm viễn thông khác chỉ ở mức khiêm tốn 593 triệu USD.
Ngoài 2 nhà máy ở Bắc Ninh, Samsung còn mở nhà máy ở Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh, thuê 130.000 lao động trên cả nước. Trao đổi với Bloomberg, lãnh đạo công ty cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ở Việt Nam, tùy vào các xu hướng tiêu dùng, xu hướng thị trường mà mở rộng.
Chuyển từ nghề nông sang làm việc trong nhà máy, những người nông dân có thu nhập cao hơn, còn có cả bảo hiểm và nghề nghiệp cũng ổn định hơn. Các công nhân còn gửi tiền về cho gia đình, với số tiền chiếm tới 7% thu nhập của vùng nông thôn trong năm 2014, theo Brian McCaig – giáo sư đến từ ĐH Wilfrid Laurier (Ontario, Canada). Ông đang theo đuổi đề tài nghiên cứu xuất khẩu giúp Việt Nam thoát khỏi nghèo đói như thế nào.
Lê Thị Hoa, cô gái 22 tuổi đang làm công nhân cho Samsung SDI, nói rằng điều kiện làm việc ở đây rất tốt. Công nhân được hưởng các trợ cấp như bảo hiểm y tế và mỗi năm đều được đi du lịch miễn phí.
Samsung xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia đang cố gắng tận dụng làn sóng các nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc sang những nước có chi phí thấp hơn như Bangladesh, Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên các nước vẫn phải nỗ lực để có được tất cả những yếu tố mà Trung Quốc đã từng có: lao động giá rẻ và chất lượng tốt, vốn giá rẻ, thị trường nội địa rộng lớn, cơ sở hạ tầng tốt và cả quyết tâm chính trị.
Theo ông Bắc, nếu Việt Nam muốn đi theo mô hình của Trung Quốc, cần phát triển những nhà cung cấp nội địa để có thể sản xuất những linh kiện tinh vi hơn thay vì những sản phẩm đơn giản như bao bì, vỏ máy giống như hiện nay. “Nếu không thể gia nhập chuỗi cung ứng với những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, nền kinh tế sẽ phụ thuộc quá nhiều vào các công ty nước ngoài trong khi lợi ích của các công ty Việt Nam bị hạn chế”.
Samsung cho biết đang có hợp đồng với 200 công ty Việt Nam.
Trong khi đó người dân Bắc Ninh vẫn đang được hưởng lợi từ công ty đến từ Hàn Quốc. Dì của Lan, người từng chạy xe ôm, giờ đang cung cấp rau củ, trứng và thịt cho bếp ăn của nhà máy Samsung. Lan cho biết dì cô vừa mua một mảnh đất với giá 1,2 tỷ đồng và có dự định xây dựng một nhà nghỉ ở đó.