Tài chính - Tiền tệThế giới
Châu Á hưởng lợi gì khi Tổng thống Trump muốn hạ giá đồng USD?
Nếu Tổng thống Donald Trump muốn đồng USD yếu thì nên cẩn thận: có thể châu Á mới là đối tượng hưởng lợi thực sự từ chính sách “làm nghèo hàng xóm” mà ông đang theo đuổi.
Ảnh: Reuters
Khi mà thỏa thuận thương mại song phương Mỹ – Hàn Quốc “ráo mực”, Nhà Trắng tất nhiên sẽ nhanh chóng tuyên bố đã giành thêm một chiến thắng. Chiến thắng đã được tính trước, giai đoạn ngăn chặn những sự xáo trộn mạnh trên thị trường tiền tệ.
Thế nhưng có lẽ cần phải xin lỗi Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nói đến điều này: châu Á đi trước ông Donald Trump rất nhiều trong việc giảm thiểu can thiệp vào thị trường tiền tệ, Nikkei viết trong một bài báo mới đây.
Người ta chưa thể quên năm 2017, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã không hành động khi mà đồng won tăng giá đến 13% so với đồng USD. Và không chỉ riêng Hàn Quốc, giới chức Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã chấp nhận cho đồng nhân dân tệ và đồng rupee tăng giá 6%, còn Ngân hàng Trung ương Nhật không đưa ra tuyên bố hay động thái nào khi đồng yên tăng giá đến 7% tính từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức cách đây 14 tháng.
Trên thực tế, nền kinh tế duy nhất thao túng tỷ giá đồng tiền trong khoảng thời gian nói trên chính là chính quyền của Tổng thống Trump.
Tại sao châu Á không can thiệp vào thị trường tiền tệ? Trong khi vận động tranh cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump từng phàn nàn nhiều về việc đồng USD quá mạnh và rằng “nó đang giết chết chúng ta”.
Sau đó vào ngày 25/1/2017, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố chính thức: việc nước Mỹ chấp nhận đồng USD mạnh kéo dài sẽ không còn nữa.
Tuy nhiên ngài Tổng thống thích đồng USD yếu nên cẩn thận: có thể châu Á mới là đối tượng hưởng lợi thực sự từ chính sách “làm nghèo hàng xóm” mà ông đang theo đuổi. Sau khủng hoảng tài chính năm 1997, chính phủ nhiều nước tại châu Á đã đua nhau hạ tỷ giá đồng tiền.
Động lực lớn nhất khiến các nước châu Á theo đuổi chính sách này đến từ Nhật – nền kinh tế phát triển nhất tại châu Á và được coi như mô hình phát triển truyền thống. Chỉ riêng trong năm 2004, chính phủ Nhật đã chi ra số tiền gần tương đương với tổng GDP của Indonesia để hạ giá đồng yên. Một thập kỷ sau đó, Thủ tướng Shinzo Abe cũng đặt mục tiêu hạ giá đồng yên 30%.
Những người học theo mô hình phát triển của Nhật ví như quan chức chính phủ nhiều nước, từ Thái Lan cho đến Hàn Quốc, cũng khá tự do với các biện pháp can thiệp vào thị trường tiền tệ. Thế nhưng họ vẫn còn hoài nghi về việc cuối cùng thì tất cả các biện pháp can thiệp thái quá vào thị trường sẽ mang lại điều gì.
Trong không ít trường hợp, nó làm giảm động lực buộc các công ty xuất khẩu phải đổi mới, giảm sức ép khiến nhiều ngành tái cấu trúc cũng như chính phủ nhiều nước phải đưa ra biện pháp để tăng tính cạnh tranh. Những lý do trên giải thích tại sao chương trình kích thích kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe chỉ mang lại thành công hạn chế.
Đồng yên yếu, doanh nghiệp ngại tăng năng suất, điều chỉnh hoạt động và cố gắng đưa ra những sản phẩm đột phá như doanh nghiệp Nhật từng làm được vào thời kỳ thập niên 1980.
Quan điểm chính sách tiền tệ của Nhật cũng không hề giúp cho thị trường lao động trở nên linh hoạt hơn, giảm tình trạng quan liêu, thu hẹp khoảng cách về giới, giúp cho người ta dám chấp nhận mạo hiểm hơn hoặc tăng năng suất lao động. Cùng lúc đó, nó cũng không giúp cho lương của người lao động tăng lên. Khi mà tốc độ cải tiến từ phía nguồn cung không tăng, cuối cùng, doanh nghiệp Nhật dù có lợi nhuận nhưng cũng ngại chia sẻ nó với người lao động.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng từng đối diện với vấn đề tương tự. Tháng 5/2017, ông thừa hưởng một nền kinh tế được thống trị bởi rất nhiều những tập đoàn gia đình. Đã nhiều thế hệ qua, liên tiếp các đời Tổng thống Hàn Quốc hỗ trợ cho nhóm các tập đoàn lớn này, những cái tên nổi bật nhất có thể kể đến chính là Samsung, Hyundai và Lotte.
Tất nhiên, nhóm những tập đoàn lớn này không buồn quan tâm đến việc thích ứng với môi trường kinh tế toàn cầu mới đầy năng động và luôn biến chuyển. Họ quan tâm để làm gì khi mà chính phủ luôn sẵn sàng cứu họ bằng đồng nội tệ yếu. Quan điểm đồng USD yếu của Tổng thống Trump đã làm thay đổi điều này.
Những tập đoàn xuất khẩu lớn của Hàn Quốc đang bị kéo khỏi “vùng an toàn” của họ. Họ buộc phải tái cấu trúc và cố gắng tăng tỷ lệ lợi nhuận thu được từ ngành dịch vụ, cũng như đẩy mạnh phát triển ra sản phẩm mới. Tổng thống Moon có thể giúp đẩy nhanh quá trình này hơn bằng việc áp dụng chính sách đồng nội tệ mạnh, không còn nghi ngờ gì nữa, một kỷ nguyên chịu trách nhiệm cao đang đến gần.
Tổng thống Trump cũng đang “chĩa mũi dùi” vào những nỗ lực phát triển ngành công nghiệp 4.0 mà Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đưa ra trong kế hoạch “Made in China 2025”.
Sau khi áp thuế đối với một số ngành truyền thống bao gồm nhôm và thép, Nhà Trắng đang muốn nhắm đến 10 ngành chiến lược mà Trung Quốc đang đặt mục tiêu phát triển. Mục tiêu có thể sẽ bao gồm ngành bảo vệ bản quyền trí tuệ, máy móc công nghệ cao, công nghệ sinh học, kỹ thuật hàng không và ngành năng lượng mới.
Tỷ giá đồng tiền tăng, suy cho cùng, sẽ giúp cho châu Á. Chính phủ và doanh nghiệp sẽ buộc phải thực hiện nhiều biện pháp cải cách và đổi mới trong khi đó chiến lược “Nước Mỹ là số 1” chỉ gây hại cho Mỹ. Đồng USD yếu có thể làm cho châu Á trở nên mạnh hơn.
TRUNG MẾN