Tài chính - Tiền tệThế giới
Vì sao giá đồng nhân dân tệ tăng vọt?
Chỉ trong mấy phiên gần đây, đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh so với đồng đô la Mỹ, lên mức cao nhất trong vòng gần 7 tháng.
Trong vài tuần trở lại đây, đồng nhân dân tệ (NDT) tăng giá mạnh so với đồng USD. Hôm thứ Năm (1/6), Ngân hàng trung ương Trung Quốc ấn định tỷ giá trung tâm USD/NDT giảm 0,8% xuống 6,809, mức thấp nhất kể từ ngày 10/11/2016.
Đây là phiên tăng giá thứ tư liên tiếp của NDT và là chuỗi tăng giá 4 phiên mạnh nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ, theo số liệu của MarketWatch. Chốt phiên thứ Năm, 1 USD đổi 6,8070 NDT tại thị trường New York, giảm 0,2% so với 6,8223 NDT của phiên trước đó.
Diễn biến cặp tỷ giá USD/CNY. Biểu đồ: MarketWatch
Giá đồng NDT tăng mạnh bất chấp Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Caixin của nước này giảm về mức 49,6 điểm, dưới ngưỡng 50 điểm – ranh giới để đánh giá hoạt động kinh tế tăng hay giảm.
Đà tăng mạnh của đồng NDT diễn ra sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Sáu tuần trước thay đổi cách tính giá tham chiếu hàng ngày của đồng NDT. Động thái này cho phép PBOC có thêm quyền kiểm soát đối với giá trị của đồng nội tệ.
Các nhà phân tích cho rằng chính quyền Trung Quốc đang phát đi tín hiệu họ không muốn đồng NDT giảm thêm nữa. Một số khác lại cho rằng đà giảm giá của đồng NDT đã chấm dứt.
Động thái này được nhìn nhận là một cách Chính phủ Trung Quốc phản ứng đối với việc Moody’s tuần trước hạ bậc tín nhiệm dài hạn của nước này và nhằm đối phó với tình trạng bán khống đồng NDT.
Không những thế, một số nhà phân tích còn chỉ ra một số yếu tố khác đằng sau đà tăng giá này.
“Đây là một tín hiệu khác cho thấy giới lãnh đạo ngần ngại cho phép giá đồng NDT được định đoạt bởi thị trường”, Chang Liu và Mark Williams, hai chuyên gia kinh tế tại Capital Economics viết trong một báo cáo hôm thứ Tư.
“Hàm ý chính của việc thay đổi cơ chế tỷ giá là các quan chức kiên quyết không để đồng NDT mất giá nhiều”, các chuyên gia này viết.
Kiran Kowshik, một chuyên gia phân tích về tỷ giá ngoại tệ thuộc ngân hàng UniCredit Bank, nói rằng việc đẩy giá đồng NDT không chỉ là một động thái ngắn hạn sau việc Moody’s hạ bậc tín nhiệm hay một nỗ lực nhằm vào giới đầu tư bán khống.
Chuyên gia này cho rằng động cơ chính trị đóng vai trò lớn trong việc ấn định tỷ giá tham chiếu hàng ngày, như đã từng xảy ra trước khi Trung Quốc quyết định nới lỏng tỷ giá theo hướng thị trường vào năm 2015.
Trong một bài phân tích, Kiran Kowshik viết rằng thời điểm hạ mạnh tỷ giá trùng hợp với các sự kiện chính trị lớn như cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump (hôm 6/4) và báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ về tình hình ngoại hối toàn cầu (14/4).
“Dựa trên nhận định này, các sự kiện chính trị quan trọng cần để ý là thời điểm kết thúc kế hoạch tăng cường thương mại Mỹ-Trung (giữa tháng 7) cũng như Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 (dự kiến tiến hành vào tháng 10-11 năm nay). Thời điểm của các sự kiện này cho thấy tỷ giá USD/CNY có thể đi xuống vùng thấp hơn nữa (6,70-6,80) trong vòng 3-4 tháng tới, và ít nhất là đến tháng 7”.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-lago hồi đầu tháng 4. Ảnh: AFP/Getty
Đồng quan điểm với Kowshik, hai chuyên gia thuộc Capital Economics dự đoán đồng NDT sẽ còn tăng giá so với đồng USD, nhất là khi đồng bạc xanh đang suy yếu. Tỷ giá USD/CNY được dự báo giảm xuống 6,9 đến cuối năm nay từ dự báo trước đó là 7,10, và xuống 6,7 từ mức 6,8 đến cuối năm sau.
Kowshik cho rằng Trung Quốc có thể quay trở lại thực hiện chính sách ngoại hối tùy ý, mặc dù cần phải thêm bằng chứng để khẳng định điều này.
Việc PBOC thay đổi chính sách tỷ giá tham chiếu trong tuần trước cho phép ngân hàng này điều chỉnh tỷ giá “khi nhận định của thị trường về các yếu tố cơ bản của đồng NDT (gồm cung cầu ngoại hối và các yếu tố vĩ mô) chệch nhiều với quan điểm của giới chức nước này”, Kowshik nhận định.
Điều này có nghĩa rằng PBOC có thể tin rằng giới đầu tư đang “định giá thấp” những cải thiện về nền tảng của đồng NDT và đang điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu USD/CNY.
Đồng NDT từng là tâm điểm trong quá trình tranh cử của ông Donald Trump khi ứng viên tổng thống này cam kết sẽ coi Trung Quốc là một nước thao túng tiền tệ và dọa sẽ áp thuế suất nhập khẩu 45% đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Tuy vậy, ông Trump đã thay đổi quan điểm này sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hồi đầu tháng 4.
MINH TUẤN