Thế giớiThời sự

Vì sao nói Tổng thống Donald Trump không phải mối họa của kinh tế toàn cầu?

Những nỗi hoảng sợ hồi đầu năm 2017 về việc Tổng thống Donald Trump sẽ đưa ra nhiều chính sách gây hại đến kinh tế toàn cầu cuối cùng đã không thành hiện thực.

Vì sao nói Tổng thống Donald Trump không phải mối họa của kinh tế toàn cầu?

Ông Donald Trump – Ảnh: NyTimes

Khi Tổng thống Donald Trump mới lên nắm quyền ông chủ Nhà Trắng được ba tuần, chuyên gia phân tích tại Fitch Ratings khẳng định rằng ông Trump là hiểm họa của kinh tế toàn cầu.

Gần một thập kỷ sau cuộc Đại Suy thoái, các nhà máy trên toàn cầu cuối cùng cũng đã hoạt động bình thường trở lại.

Tuy nhiên khi mà ngài Tổng thống không ngừng tuyên bố về một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, thậm chí cả Mexico và Canada. Đồng thời ông cũng khẳng định sẽ hạn chế nhập cư và giảm bớt các nguyên tắc ngoại giao.

Ở thời điểm đó, CEO của Fitch, ông James McCormack, đã lo lắng về khả năng nhiều chính sách của nước Mỹ sẽ thay đổi bất ngờ và gây ra nhiều ảnh hưởng trên toàn cầu.

Quan chức Ngân hàng Trung ương Anh và nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng đưa ra nhiều lời cảnh báo tương tự.

Chuyên gia thuộc quỹ Carlson Capital ở Dallas, ông Matthew Barkoff, cảnh báo khách hàng rằng Tổng thống Donald Trump có thể gây ra một đợt suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Và cuối cùng, mọi chuyện không hề bi quan như người ta tưởng. Kinh tế thế giới năm 2017 cuối cùng trở thành năm tăng trưởng tốt nhất tính từ năm 2010, theo tính toán của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và triển vọng năm 2018 thậm chí còn sáng sủa hơn.

Ngày thứ Năm tuần này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục tăng điểm mạnh vượt 25 nghìn điểm và chính thức lập kỷ lục mới. Thị trường chứng khoán nhiều nước khác cũng đồng thời tăng điểm mạnh. Trong năm 2018 này, nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật và Trung Quốc cũng được dự báo sẽ vẫn tăng trưởng ổn định.

Theo nhận xét mới đây nhất của chuyên gia ngân hàng phố Wall và nhiều chuyên gia nghiên cứu tại Mỹ, chính sách quản lý của Tổng thống Mỹ Donald Trump thực ra không gây ra nhiều tác động xấu lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu dù kinh tế Mỹ hiện có tỷ trọng đóng góp lên đến 25% trong tổng quy mô kinh tế toàn cầu 80 nghìn tỷ USD.

Những ảnh hưởng từ chính sách kinh tế của Tổng thống Donald Trump đã được giảm thiểu đi rất nhiều nhờ động thái quyết liệt của Ngân hàng Trung ương các nước. Các Ngân hàng Trung ương đã bơm mạnh ra thị trường hàng nghìn tỷ USD. Giới đầu tư và quản lý doanh nghiệp trên khắp thế giới cũng dần quen với một ngài Tổng thống Mỹ có tính cách thất thường.

Mới đầu tuần này, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng nút hạt nhân trên bàn của ông còn to hơn so với nút hạt nhân của lãnh đạo Triều Tiên,ông Kim Jong Un, thị trường chứng khoán nhiều nước châu Á đã giảm điểm.

“Chúng ta đều đã trở nên quá quen với ông Donald Trump và những tuyên bố của ông. Thế nhưng ảnh hưởng của chính trị lên kinh tế khá hạn chế bởi cấu trúc vững vàng của kinh tế Mỹ. Điều này khác hoàn toàn với nhóm nền kinh tế mới nổi chịu ảnh hưởng nhiều từ các yếu tố chính trị”, trưởng bộ phận chiến lược tại Morgan Stanley Investment Management ở New York, ông Ruchir Sharma, nhận xét.

Tại châu Âu trong năm ngoái, các yếu tố chính trị cũng không thể ảnh hưởng nhiều đến kinh tế. Ban đầu, người ta lo ngại phong trào dân tộc dâng cao tại Anh, Ba Lan và Hungary sẽ gây bất ổn châu Âu, cuối cùng điều đó không xảy ra. Trong khi đó, châu Á vẫn giàu lên dù căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng cao.

Yếu tố quan trọng nhất giúp kinh tế toàn cầu phục hồi tốt từ thời kỳ suy thoái năm 2007 – 2008 chính là việc hàng loạt Ngân hàng Trung ương trên thế giới bao gồm Mỹ, EU, Anh và Nhật tung ra hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế.

Lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ của bốn Ngân hàng Trung ương này tăng gần gấp bốn lần trong khoảng thời gian trên. Chính những nỗ lực của họ đã giúp cho lãi suất tín dụng giảm, hoạt động kinh tế tăng trưởng tốt, theo nhận xét của IMF.

Tại Mỹ, trước khủng hoảng tài chính, tổng quy mô bảng cân đối kế toán của Fed là 925 tỷ USD, cho đến hiện tại, quy mô bảng cân đối kế toán đã phình to lên con số 4,5 nghìn tỷ USD.

Cho đến nay, phần lớn các chính sách mà Tổng thống Donald Trump đe dọa áp dụng ví như áp thuế cao đối với hàng hóa từ Trung Quốc, ngưng lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cuối cùng mới chỉ dừng lại ở những lời đe dọa.

Thay vào đó, gói giảm thuế quy mô 1,5 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Trump đưa ra nhiều khả năng sẽ giúp cho kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt hơn nữa.

TRUNG MẾN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close