Cách sốngSống

Cuộc sống thực sự sau vỏ bọc hào nhoáng của “thế hệ giàu sang” ở Mỹ

Tham vọng trở nên giàu sang, có danh vị khiến nhiều người Mỹ mạnh tay chi tiền cho công cuộc làm đẹp, mua sắm quá mức như những nhân vật trong chương trình truyền hình thực tế.

Cuộc sống thực sự sau vỏ bọc hào nhoáng của "thế hệ giàu sang" ở Mỹ

Đó là một bữa tiệc vào ngày 4/7/1993. Một cô gái 18 tuổi, đang ngồi bên bể bơi gần Los Angeles. Tấm băng phẫu thuật màu trắng dính trên mặt, từ lông mày đến môi trên. Tên cô là Lindsey.

Tôi muốn phẫu thuật mũi từ năm 12 tuổi“, Lindsay nói. Hầu hết bạn học của cô đều phẫu thuật thẩm mỹ, giảm hoặc tăng kích thước vòng ngực, loại bỏ mỡ bụng, làm mũi…

Bức ảnh chụp Lindsey sau ngày phẫu thuật nhưng ba ngày kế tiếp, liệu cô có hạnh phúc hay không? Điều đó khó ai biết được.

Nhiếp ảnh gia người Mỹ Lauren Greenfield, người chụp bức ảnh về Lindsey, cũng là người ghi lại sự biến đổi về giấc mơ Mỹ trong 25 năm qua.

Greenfield chú ý đến sự hấp dẫn của sự tiền bạc và danh vọng, cái mà cô gọi là “sức ảnh hưởng của sự giàu có” và mô tả cách mọi người bắt chước lối sống của những người giàu có .

Thành quả của Greenfield là 300 bộ ảnh cho các tờ báo và tạp chí về những khía cạnh trong văn hóa của những người tiêu xài quá mức: Sự phù phiếm, ảo vọng và để cao bản thân.

600 bức ảnh của cô được chọn lọc để tập hợp thành cuốn sách mang tên “Thế hệ giàu sang”.

“Tiệc tùng trên boong tàu Titanic”

Trong cuốn sách này, Greenfield chụp Eden Wood, 6 tuổi, thí sinh dự thi cuộc thi sắc đẹp nhí năm 2011. Bộ váy màu hồng của cô bé có giá 3.500 USD.

Khi đó cô bé có ý định dừng tham gia các cuộc thi sắc đẹp để tập trung làm người mẫu và tham gia chương trình truyền hình thực tế “Thế giới của Eden”. Trước đó, Eden từng giành 200 giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi sắc đẹp nhí.

Suzanne Rogers, vợ của một tỷ phú người Canada, 40 tuổi, cũng là nhân vật của Greenfield. Bà đại diện cho giấc mơ Mỹ vươn xa ra tầm thế giới.

Bức ảnh chụp bà với những đôi giày và túi xách hiệu Hermes cạnh tủ quần áo theo mùa trong nhà riêng ở Toronto năm 2010. Mỗi hộp giày đều đựng ảnh giày bên trong để dễ dàng nhận diện.

Trong khi đó, đàn ông phô trương sự giàu có trên khuôn mặt. Trong lễ trao giải âm nhạc tại Los Angeles năm 2004, ca sĩ nhạc rap kiêm nhà sản xuất âm nhạc Lil Jon để lộ hàm răng trên bọc bằng kim cương và bạch kim trị giá 50.000 USD.

Trong kỳ nghỉ ở đảo St. Barts, nhà sản xuất bộ phim “Giờ cao điểm” 29 tuổi Brett Ratner trông như vừa trúng số. Một vài người bạn thân của anh này phe phẩy xấp tiền toàn tờ 100 USD trước ống kính của Greenfield.

Nhiếp ảnh gia cho hay không phải đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cô mới nhận ra ý nghĩa thực sự trong công việc của mình. “Chúng ta đã quên đi đạo đức và mải mê tiệc tùng trên những boong tàu Titanic“, cô nói.

Greenfield tin rằng cô đã ghi lại những sự thay đổi cơ bản trong xã hội Mỹ. Trước đây, người Mỹ thường so sánh họ với hàng xóm và ước gì được sống như những người có của cải đó. Nhưng chương trình truyền hình thực tế trên tivi đã thay đổi hoàn toàn điều đó.

Chúng ta nắm rõ diễn viên trên tivi hơn cả hàng xóm và muốn có được những thứ mà họ đang sở hữu“, Greenfield chia sẻ.

Cuộc sống thực sự sau vỏ bọc giàu sang

Mọi người đều muốn có một cơ thể đẹp hơn, quần áo xịn hơn, xe tốt hơn và nhà lớn hơn, thậm chí có bể bơi và sống trong khu dân cư tràn ngập ánh nắng ở California, Las Vegas và Florida.

Báo cáo năm 2017 của Hiệp hội Phẫu thuật Thẩm mỹ Mỹ cho thấy người Mỹ đã chi 16,4 tỷ USD cho phẫu thuật thẩm mỹ trong năm 2016 (so với mức 9,4 tỷ USD vào năm 2005).

Theo Cục Điều tra Dân số, trong khoảng thời gian 30 năm (1983 – 2013), diện tích nhà của người Mỹ tăng từ 160 m2 lên hơn 240 m2. Trong khi đó Cục Dữ trự Liên bang Mỹ cho biết mức nợ thế chấp quốc gia là 8,63 nghìn tỷ USD tính đến tháng 3/2017.

Sách ảnh của Greenfield cũng bao gồm những nhân vật nổi tiếng như Donatella Versace, Karl Lagerfeld, Elton John, Imelda Marcos cùng những vật dụng mà nhiều người ước ao.

Đó là chiếc xe thể thao phủ bụi Chrysler Crossfire bị bỏ lại ở sân bay Dubai sau khi chủ sở hữu bỏ trốn, chiếc ví phiên bản giới hạn với những viên pha lê Swarovski hay mô hình nhà vệ sinh bằng vàng trong cửa hiệu đá quý ở Hong Kong.

Hàng nghìn người đến để ngắm nhìn, chạm vào hay chụp ảnh tự sướng với những đồ vật này. Greenfield thẳng thắn thừa nhận văn hóa của “thế hệ giàu sang” đang hiện hữu rất rõ trước mắt người Mỹ.

Theo Lâm Anh

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close