Năng lượngThị trường
Các nhà khai thác dầu đá phiến Mỹ – “kẻ phá bĩnh” OPEC
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), Nga, và một số nước khai thác dầu lớn khác có thể đẩy giá dầu tăng trở lại mức 60 USD/thùng hoặc hơn bằng cách gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, mức giá này cũng sẽ đồng nghĩa với “đèn xanh” đối với các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ.
Ảnh minh họa.
50-60 USD/thùng dầu là mức giá mà các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ có lãi ngay cả với một số giếng dầu đòi hỏi chi phí khai thác cao. Bởi vậy khi mức giá này xuất hiện trên thị trường, họ chắc chắn sẽ đưa thêm nhiều giàn khoan vào hoạt động để gia tăng lợi nhuận.
Các nhà phân tích nói rằng, một quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng từ OPEC và các nước đối tác có thể đẩy nhanh việc đi đến cân bằng cung-cầu trên thị trường dầu. Tuy nhiên, khi đó, một làn sóng nguồn cung dầu mới từ các nhà khđược vào cuối năm ngoái, OPEC, Nga và một số nước khác đã cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,8 triệu thùng/ngày.
Giá dầu đã bật tăng nhờ thông tin trên. Trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu WTI ở Mỹ tiến sát ngưỡng tâm lý 50 USD/thùng, còn giá dầu Brent tại London trên ngưỡng 52 USD/thùng.
Nhiều nhà phân tích dự báo giá dầu sẽ lên mức 60 USD/thùng vào cuối năm nay, nhưng khó có thể tăng cao hơn.
“Về cơ bản, nguồn cung dầu của Mỹ đang tăng nhanh hơn dự báo. Lượng dầu tồn kho đang ở mức cao và giảm xuống với tốc độ chậm chạp. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này đồng nghĩa với việc giá dầu trung bình sẽ thấp xuống”, ông Francisco Blanch, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa và phái sinh tại Bank of America Merrill Lynch, nhận định.
Ông Blanch gần đây đã cắt giảm dự báo giá dầu Brent trung bình của năm nay còn 54 USD/thùng, so với mức 61 USD/thùng đưa ra trước đó. Ông cũng hạ mức dự báo giá dầu Brent trung bình của năm 2018 còn 56 USD/thùng, từ 65 USD/thùng.
Ông Ed Morse, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản toàn cầu của ngân hàng Citigroup, nói rằng nhiều khả năng OPEC và các nước đối tác cắt giảm sản lượng sẽ đưa ra một kế hoạch hạ sản lượng mạnh tay hơn mức 1,8 triệu thùng/ngày hiện nay.
Trong khi đó, ông Blanch không cho rằng Nga hay OPEC sẽ cắt giảm sản lượng sâu hơn. “Tôi nghĩ việc đó khá rủi ro vì họ sẽ mất thị phần vào tay các nhà sản xuất dầu đá phiến [của Mỹ]”, ông Blanch nói.
Mỹ hiện là nước sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sau Saudi Arabia và Nga.
“Tôi cảm thấy là Saudi, Nga, và thậm chí là Mỹ đều cần giá dầu 60 USD/thùng. Vấn đề là anh không thể có cả sản lượng lớn và mức giá đó cùng lúc”, ông Blanch nói.
Ông Morse dự báo giá dầu Brent có thể tăng tới 65 USD/thùng vào quý 4 năm nay và giá dầu WTI có thể đạt gần 62 USD/thùng, nhưng những mức giá này khó có thể duy trì lâu. Đến nửa sau của năm 2018, ông Morse cho rằng giá dầu trung bình chỉ trên ngưỡng 50 USD/thùng do hoạt động khai thác dầu đá phiến của Mỹ được đẩy mạnh.
Bất chấp giá dầu giảm thời gian gần đây, các nhà khai thác dầu đá phiến của Mỹ vẫn mở thêm các giếng mới. Trong tuần kết thúc vào ngày 12/5, có thêm 7 giếng dầu ở Mỹ đi vào hoạt động, nâng tổng số giếng dầu đang được khai thác lên con số 712, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2015 – theo số liệu của Baker Hughes.
Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit dự báo sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ tăng thêm 900.000 thùng/ngày trong năm nay, và đến cuối năm nay hoặc đầu năm sau, sản lượng dầu của nước này sẽ đạt mức cao chưa từng có. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, trong tuần đầu tháng 5, sản lượng dầu của nước này đạt 9,3 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích kỳ vọng giá dầu sẽ khởi sắc trong mùa hè nhờ nhu cầu đi lại tăng, nhưng đến nay nhu cầu tiêu thụ xăng của Mỹ vẫn thấp hơn dự kiến. Mặc dù vậy, điều này có thể thay đổi và giá dầu có thể sẽ đi lên trong mùa hè năm nay.
“Chúng tôi cho rằng giá dầu WTI có thể lên mức khoảng 60 USD/thùng trong nửa cuối năm… Có một chút trở ngại đối với sự tăng giá dầu, đó là lượng dầu tồn kho giảm chậm hơn chúng tôi tưởng”, ông Michael Wittner, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường dầu thuộc Societe Generale, phát biểu.
Theo VnEconomy