Nhân sự

Các phương pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

Có nhiều phương pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nhưng chúng ta có thể phân chia ra hai nhóm: Đào tạo và phát triển trong công việc và đào tạo và phát triển ngoài công việc.
1. Đào tạo và phát triển trong công việc.

Là hình thức đào tạo trực tiếp tại nơi làm việc trong đó người học sẽ trực tiếp thu được những kiến thức và kỹ năng cần thiết thông qua thực tế thực hiện công việc dưới sự hướng dẫn trực tiếp của những người lao động lành nghề hơn.

Nhóm phương pháp đào tạo trong công việc bao gồm các phương pháp sau:

  • Kèm cặp: thường được áp dụng để đào tạo các kỹ năng cần thiết cho công nhân vừa bắt đầu công việc hoặc cho các cán bộ quản lý mà công việc có thể lượng hoá. Thực chất của kèm cặp là đào tạo theo kiểu chỉ dẫn, người chỉ dẫn giải thích mục tiêu và cách thức thực hiện công việc, người học sẽ làm thử dưới sự hướng dẫn đó cho đến khi thành thạo.
  • Luân chuyển công việc: là hình thức bố trí các nhân viên đảm trách lần lượt các nhiệm vụ khác nhau trong một luồng công việc. Đào tạo theo cách này cho phép nhân viên có cơ hội học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và hiểu sâu hơn về cơ cấu tổ chức của đơn vị. Điều đó giúp cho các cán bộ quản lý tương lai có được cơ sở kiến thức và kinh nghiệm phong phú, vững vàng.
  • Tập sự: thường là cách đào tạo cán bộ quản lý. Đây là cơ hội cho nhân viên mới đặc biệt là các sinh viên mới ra trường hiểu biết thực tế công việc và qua đó tích luỹ kỹ năng kinh nghiệm làm việc.

Ưu điểm của phương pháp đào tạo trong công việc là:

Nội dung đào tạo gắn liền với thực tế công việc: người học sẽ nhanh chóng nắm vững được kỹ năng thực hiện công việc.

Chi phí đào tạo ít vì tiết kiệm được chi phí gửi người đi đào tạo và chi phí thuê giảng viên đào tạo.

Hạn chế được tình trạng người lao động rời bỏ đơn vị sau khoá đào tạo vì những kỹ năng họ học được do đào tạo trong công việc đem lại đôi khi chỉ tương thích với đặc điểm hoạt động, đặc điểm sản xuất kinh doanh tại đơn vị đã đào tạo họ.

Nhược điểm của đào tạo trong công việc.

Người học có thể học được những yếu tố tiên tiến nhưng cũng có thể học cả những yếu tố chưa hợp lý, hạn chế của người thầy đặc biệt là khi người thầy không có kỹ năng sư phạm hay không nhiệt tình trong giảng dạy.

Chi phí gián tiếp cho đào tạo có thể rất lớn khi học viên làm gián đoạn nguồn công việc, làm mất uy tín của tổ chức với khách hàng, gây hỏng hóc máy móc, thiết bị …

Quy mô đào tạo thường nhỏ.

2. Đào tạo và phát triển ngoài công việc.

Là hình thức đào tạo trong đó người học được tách khỏi công việc thực tế.

Đào tạo và phát triển ngoài công việc có những hình thức:

  • Mở lớp cạnh doanh nghiệp: là hình thức đào tạo dựa trên cơ sở vật chất sẵn có của đơn vị. Chương trình giảng dạy thường gồm hai phần: phần lý thuyết được giảng trên lớp bởi các kỹ sư, cán bộ kỹ sư hay công nhân lành nghề còn phần thực hành diễn ra tại xưởng thực tập hay xưởng sản xuất.
  • Tổ chức trình bày bài giảng, thảo luận, hội nghị ngắn ngày.
  • Gửi học viên tới các trường chính quy.
  • Đào tạo kiểu chương trình hoá (đào tạo có sự trợ giúp của máy tính): là hình thức đào tạo được viết trên đĩa mềm của máy tính. Người học chỉ thực hiện theo hướng dẫn của máy, không cần sự chỉ dẫn của giáo viên.

Ưu điểm của phương pháp đào tạo ngoài công việc:
– Người học nắm kiến thức có hệ thống : nắm nội dung kỹ hơn và hiệu quả hơn do đào tạo trong môi trường lớp học có ít yếu tố gây phân tán tư tưởng.
– Có thể đào tạo trên quy mô lớn, phạm vi rộng.

Nhược điểm của phương pháp đào tạo ngoài công việc là:
– Chi phí đào tạo thường lớn, thời gian đào tạo thường kéo dài.
– Những tình hình huống mô phỏng trên lớp học đôi khi không sát với thực tế thực hiện của công việc.
– Người học có thể sẽ không quay lại nơi làm việc cũ sau những khoá đào tạo này.

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close