Chiến lượcQuản trị

Chọn cổ phiếu ngân hàng bằng phương pháp CAMEL

Giá cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng mạnh trong những ngày gần đây trước triển vọng tiến độ xử lý nợ xấu sẽ được đẩy nhanh hơn khi có những quy định mới đã và sắp ban hành.

Tuy nhiên, việc lựa chọn cổ phiếu ngân hàng nào có sự tăng trưởng ổn định và bền vững trong dài hạn là điều không dễ. Phân tích theo phương pháp CAMEL có thể là một gợi ý để so sánh và đánh giá hoạt động của các tổ chức tín dụng.

CAMEL là thuật ngữ viết tắt từ: Capital (vốn), Asset (tài sản), Management (quản lý), Earnings (lợi nhuận), Liquidity (thanh khoản).

Đánh giá theo phương pháp CAMEL là phân tích hoạt động của một tổ chức tín dụng theo 5 khía cạnh truyền thống như trên, từ đó xác định các điều kiện tài chính và khả năng hoạt động cũng như hiệu quả sinh lời của một tổ chức tín dụng.

Capital: khả năng tự cân đối vốn xem xét đến phần vốn chủ sỡ hữu của tổ chức tín dụng trong mối tương quan với các khoản nợ ngày càng tăng cũng như khả năng huy động thêm vốn chủ sỡ hữu của tổ chức tín dụng trong trường hợp thua lỗ và chính sách thiết lập dự trữ trong trường hợp có rủi ro hoạt động.

Một số chỉ tiêu sử dụng để phân tích khả năng tự cân đối vốn như cơ cấu vốn, theo đó vốn cấp 2 tối đa bằng 100% vốn cấp 1, hệ số CAR, hệ số đòn bẫy tài chính được tính bằng tổng nợ phải trả trên vốn chủ sỡ hữu, hệ số tạo vốn nội bộ bằng lợi nhuận không chia trên vốn cấp 1, chỉ số vốn dự trữ bằng dự trữ mất vốn thực tế và dự phòng mất vốn điều chỉnh theo CAMEL.

Cũng có một số chỉ tiêu định tính khác như chất lượng của các cổ đông có ảnh hưởng lớn, chất lượng và khả năng tài chính của các cổ đông, sự tham gia của các cổ đông trong ban giám đốc và quyền biểu quyết, những thay đổi dự kiến trong cơ cấu vốn góp.

Asset: chất lượng tài sản, chủ yếu xem xét chất lượng các khoản cho vay, phân loại nhóm nợ có phù hợp cũng như quá trình thu thập thông tin và các chính sách xóa nợ cho khách hàng.

Các chỉ tiêu để đánh giá bao gồm dư nợ tín dụng trên tổng tài sản, tốc độ tăng trưởng tín dụng hằng năm, tỷ trọng dư nợ theo ngành nghề, tỷ lệ nợ xấu (theo chuẩn quốc tế là 1,5%), tỷ lệ nợ quá hạn (theo chuẩn quốc tế là 5%), tỷ lệ nợ các nhóm trên tổng dư nợ, danh mục cho vay gặp rủi ro, tỷ lệ mất vốn.

Một tổ chức tín dụng tốt sẽ có chất lượng thực tế của các khoản vay tốt, tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn dưới ngưỡng quy định, dư nợ không quá tập trung vào một ngành nghề nào đó hoặc ngành có rủi ro cao. Đối với các ngân hàng tại Việt Nam thì cần xem xét đến các khoản vay đã bán cho VAMC và các khoản nợ ngoại bảng đã xử lý rủi ro.

Management: khả năng quản lý, trong đó không những xem xét các chính sách quản lý chung của tổ chức, chính sách quản lý con người, các chế độ kiểm soát và kiểm toán nội bộ mà còn phải đánh giá hệ thống thông tin, kế hoạch về ngân sách. Thông thường người ta cũng phân tích nhân sự và phong cách làm việc của các thành viên hội đồng quản trị, ban quản lý cũng như mối quan hệ giữa 2 thành phần này.

Earnings: lợi nhuận, được xem là kết quả cuối cùng và là yếu tố quan trọng của việc phân tích doanh thu và chi phí. Để phân tích các dòng doanh thu và chi phí cần phải xem xét đến lãi suất, cơ cấu doanh thu theo hoạt động, theo khách hàng. Một tổ chức tín dụng có đủ thu nhập để bù đắp chi phí và dự trữ để tăng vốn bền vững cho thấy tính hiệu quả trong hoạt động.

Các chỉ tiêu thường sử dụng để đánh giá bao gồm ROA – lợi nhuận trước thuế trên tổng tài sản (ít nhất phải > 1%), ROE – lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (15 – 20%), hệ số NIM – lãi thuần trên tổng tài sản có sinh lời, biên độ lãi suất, tỷ suất chi phí vốn, chi phí hoạt động trên tổng tài sản bình quân…

Liquidity: tính thanh khoản, là yếu tố rất quan trọng để xem xét rủi ro thanh khoản cũng như xác định nhu cầu vốn của tổ chức tín dụng. Cấu trúc nợ và vốn chủ sở hữu của tổ chức tín dụng, khả năng thanh toán của các tài sản ngắn hạn, kỳ hạn của các nguồn vốn huy động là những yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng quản lý thanh khoản.

Một tổ chức tín dụng với khả năng quản lý thanh khoản thấp sẽ dễ gặp rủi ro thanh khoản khi nhu cầu khách hàng rút tiền hàng loạt bất ngờ tăng cao trong những thời điểm gặp khủng hoảng truyền thông, dẫn đến đe dọa tính liên tục trong kinh doanh. Các chỉ tiêu để đánh giá bao gồm tỷ lệ thanh khoản của tài sản, hệ số đảm bảo tiền gửi, hệ số thanh khoản ngắn hạn, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tiền gửi khách hàng, biến động tiền gửi và rút vốn.

Với phương pháp phân tích CAMEL, mở rộng được gọi là CAMEL HIS, còn phải đánh giá các khoản mục như Human Resources – nguồn nhân lực, Internal Control – kiểm soát nội bộ, Systems – hệ thống (bao gồm hệ thống kế toán và MIS).

Các chỉ tiêu để phân tích 3 yếu tố này chủ yếu mang tính định tính, từ đó đưa ra những cảnh báo giúp tổ chức tín dụng sớm có giải pháp điều chỉnh nhằm duy trì khả năng phát triển bền vững.

GIA LÊ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close