Kinh doanhThương mại điện tử

3 công nghệ tương lai cho thanh toán điện tử ở Việt Nam

Mua vé đi metro bằng thẻ EMV không tiếp xúc, thanh toán qua điện thoại di động bằng QR hay quẹt thẻ với mPOS… là những công nghệ được đại diện Visa dự báo sẽ “cất cánh” ở Việt Nam.

Dưới đây là nhận định của ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam – Lào – Campuchia về tương lai của thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Thẻ EMV không tiếp xúc

Việt Nam là một quốc gia nhanh nhạy trong việc ứng dụng các công nghệ mới. Trên thực tế, hơn một nửa dân số trưởng thành đang có một chiếc điện thoại di động. Thanh toán điện tử bằng công nghệ không tiếp xúc sẽ hỗ trợ người dân Việt Nam trong việc đi lại. Lấy dự án tàu điện ngầm metro ở TP HCM làm ví dụ. Với dân số gần 8,1 triệu người, metro dự đoán sẽ tiếp nhận một lượng vận tải khổng lồ. Thông thường, hệ thống tàu điện ngầm sử dụng thẻ nạp tiền sẵn hoặc thẻ ngày. Nhưng với lượng khách lớn, để không quá tải thanh toán điện tử chính là giải pháp.

3-cong-nghe-tuong-lai-cho-thanh-toan-dien-tu-o-viet-nam

Ông Sean Preston – Giám đốc Visa tại Việt Nam – Lào – Campuchia.

Tuyến tàu Express Rail Link (ERL) ở Malaysia nối với sân bay quốc tế Kuala Lumpur là một trong những hệ thống đường sắt nhanh nhất nước với hiệu suất dịch vụ đúng giờ là 99,98%. Trong đó, hầu hết mọi người đều mua vé lẻ hoặc trả tiền mặt, gây ra sự quá tải tại các điểm bán vé. Vì thế, tuyến đường sắt này đã đưa ra thí điểm thẻ EMV không tiếp xúc đầu tiên trên thế giới tại Malaysia, cho phép khách hàng “chạm” thẻ của họ ở cổng để trả tiền vé và lên tàu nhanh chóng. Với số lượng thẻ không tiếp xúc được phát hành ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực, du khách đến từ các quốc gia khác cũng có thể sử dụng thẻ không tiếp xúc của họ và không còn phải xếp hàng để chờ mua vé trước hoặc sau một chuyến đi dài.

mVisa

Giữa năm 2015, Visa Ấn Độ ra mắt mVisa, một phương pháp hoàn toàn mới để chi trả và nhận thanh toán dựa trên công nghệ mã QR và điện thoại di động. mVisa là một trong những sáng kiến đẩy nhanh tiến độ dịch chuyển toàn cầu từ tiền mặt sang thương mại kỹ thuật số. Người tiêu dùng có thể tải ứng dụng về smartphone rồi kết nối thẻ ghi nợ hay thẻ tín dụng Visa hoặc tài khoản trả trước với ứng dụng mVisa một cách an toàn. Người tiêu dùng có thể mua hàng mà không cần dùng tiền mặt, thanh toán hóa đơn và gửi tiền cho bạn bè và các thành viên trong gia đình. Sẽ không còn cảnh loay hoay đổi hoặc bàn giao thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ hay xếp hàng tại các ngân hàng/ ATM để gửi tiền và rút tiền mặt.

3-cong-nghe-tuong-lai-cho-thanh-toan-dien-tu-o-viet-nam-1

Việc chấp nhận thẻ qua những mã QR Code sẽ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư cho nhiều cửa hàng tại Việt Nam. 

Trong khi các giải pháp thanh toán điện tử có thể đòi hỏi việc lắp đặt các thiết bị tốn kém, khiến nhiều điểm chấp nhận thẻ không mặn mà thì tất cả những gì mVisa cần là chỉ là một mã QR. Điều này không chỉ làm giảm đáng kể các rào cản gia nhập cho những đơn vị chấp nhận thẻ; nó còn cho phép những đơn vị chấp nhận thẻ không có vị trí hoạt động cố định áp dụng thanh toán điện tử dễ dàng. Với sự đầu tư tối thiểu và hơn một phần hai dân số trưởng thành sở hữu smartphone, số lượng khách hàng tiềm năng của mVisa và thanh toán điện tử ở Việt Nam trở nên lớn hơn bao giờ hết.

mPOS

Một công nghệ khác giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ chấp nhận thanh toán điện tử là mPOS, hay còn được gọi là Mobile Point-of-Sale. Thay vì cần một thiết bị POS truyền thống để nhận thanh toán từ thẻ, mPOS sử dụng một đầu đọc thẻ thanh toán nhỏ được cắm vào smartphone. Sau khi được thiết lập cấu hình, thiết bị mPOS cho phép các đơn vị chấp nhận thẻ nhận thanh toán điện tử một cách an toàn và hiệu quả, kết nối với mạng lưới thông qua 3G hoặc Wi-Fi.

Chi phí dành cho mPOS tiết kiệm hơn so với thiết lập một hệ thống POS truyền thống, đồng thời loại bỏ rào cản gia nhập cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp trên khắp Việt Nam. Với số lượng smartphone ở Việt Nam ngày càng nhiều, đồng thời chi phí để sở hữu một chiếc điện thoại liên tục giảm, nhiều đơn vị chấp nhận thẻ đã hoàn tất xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho công nghệ mPOS.

Tại một đất nước mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp, tiềm năng của công nghệ này rất lớn: các chủ gian hàng ở chợ, các chủ quán ăn đường phố và các nhà điều hành du lịch có thể chấp nhận thanh toán điện tử ở bất kỳ nơi nào họ chọn để kinh doanh, nhằm cung cấp cho khách hàng sự tiện lợi và an toàn tuyệt đối khi thanh toán bằng thẻ.

Sean Preston

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close