“Những hành động của ta nằm trong tay ta, nhưng hậu quả của chúng thì không. Hãy nhớ điều đó, và nghĩ hai lần trước khi định làm bất cứ điều gì” – Louisa May Alcott từng nói như vậy.
Chuyện ngụ ngôn La Fontain kể mãi không hết bởi muôn màu muôn vẻ, mỗi truyện là một bài học khác nhau. Hơn nữa ngụ ngôn La Fontain dễ đọc, dễ thuộc. Có những mẩu truyện đã đi theo suốt tuổi thơ mỗi người, nhưng lớn lên, đọc lại, truyện lại mang một màu sắc mới, một bài học mới, một ý nghĩa mới.
Hôm nay, mời bạn cùng đọc lại câu chuyện “Hai người tranh nhau con sò” do Nguyễn Văn Vĩnh dịch. Truyện rằng:
Hai người đi trảy hội chùa,
Qua nơi bãi cát gặp sò nổi lên.
Tay cùng tỏ, mắt cùng nhìn
Mồm cùng muốn lẩm, muốn vin lý già.
Người cúi nhặt, kẻ liền la:
-Khoan, khoan, hãy hỏi ai là đáng ăn?
Cứ theo như lẽ công bằng
Ai mà thấy trước thì ăn đỡ thèm.
Người kia phải đứng mà xem.
Đáp rằng: – Nếu vậy mà nên công bình.
Nhờ trời tôi mắt cũng tinh
-Cãi rằng mắt tớ còn nhanh gấp mười
Tớ thề tớ thấy trước rồi.
-Nhưng mà tao ngửi thấy mùi đã lâu!
Trong cuộc sống chúng ta chứng kiến rất nhiều tranh chấp chỉ từ những vấn đề rất nhỏ nhặt. Bài học từ câu chuyện cổ tích “hai con dê qua cầu” hầu hết chúng ta được nghe từ bé đã dần bị lãng quên. Trên chiếc cầu hẹp, 2 chú dê, một dê trắng, một dê đen đi từ hai đầu lại. cả hai đều muốn qua cầu trước, không ai chịu nhường ai. Cả 2 chú dê từ cãi nhau chuyển qua đấu đá, húc nhau quyết không nhường bước, và cả hai cùng rơi xuống sông.
Người xưa thường nói: Có lương thực ngàn gánh cũng chỉ ăn một ngày 3 bữa, có căn nhà lớn 10 tầng cũng chỉ ngủ ở một gian, báu vật trăm xe ngựa trong lòng vẫn có buồn phiền, quan to lộc hậu cũng là đi làm hàng ngày, vinh hoa phú quý cũng chỉ là thoảng qua như mây khói! Vậy, sống trên đời tranh giành làm gì?
Cũng câu chuyện hai con dê, nếu cả 2 cùng đoàn kết tìm hướng giải quyết chắc chắn cả 2 cùng sang cầu được sớm như ý muốn – đó là lời khuyên của bác Hà Mã phía dưới: Giá như cả 2 cùng đồng lòng, cõng nhau quay một vòng đổi chỗ cho nhau, cả 2 sẽ cùng qua cầu. Trở lại câu chuyện 2 người tranh nhau con sò, chuyện có chuyển biến mới:
Trong khi cãi cọ cùng nhau.
Xảy quan án nọ đi đâu qua đường
Đôi bên đem chuyện thân tường
Xin quan phân xử đôi đường trắng đen.
Cầm sò, quan đứng, quan nhìn
Tách đôi mảnh vỏ, hút liền ruột trong.
Khi quan vừa nuốt trôi xong
Ngài bèn lên giọng Bao công phán truyền:
Xử cho bên bị, bên nguyên,
Quan phân đôi vỏ, hai bên xử hòa
Còn tiền phí tổn thì tha.
Thơ rằng:
Kiện tụng xưa nay tốn kém to,
Chẳng qua nước đục chỉ nuôi cò,
Mới hay gan ruột quan moi hết,
Trơ lại còn đôi cái vỏ sò
Chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều cuộc chiến dẫn tới phân tranh mãi mãi và cả 2 cùng thiệt. Câu chuyện 2 anh em, hai ông chủ thương hiệu giày Puma và Adidas là một ví dụ. Chỉ vì những hiểu lầm trong giao tiếp, vì cách nhìn khác nhau, 2 anh em đã quyết phân đôi chiến tuyến. Cuộc chiến của 2 anh em còn sâu rộng đến nỗi ngôi làng nơi 2 anh em sinh sống và lập nghiệp cũng chia đôi với những người làm việc và ủng hộ cho người anh thì không thể có quan hệ với những người ủng hộ người em.
Cái kết của cuộc chiến giữa 2 ông chủ hãng Puma và Adidas lại khá bất ngờ khi kẻ hưởng lợi là Nike. Trong khi 2 anh em đang tìm cách đối đầu, thì Nike đã từng bước chiếm lĩnh thị trường, trở thành nhãn hàng có thị phần lớn nhất trong lĩnh vực đồ thể thao. Cũng giống như viên quan án nọ đã hưởng trọn lợi ích được con sò ngon ngọt, trong khi chủ nhân thực sự là 2 người kia lại chỉ nhận về 2 mảnh vỏ vô dụng.
Cũng có 1 câu truyện ngụ ngôn về việc sư tử chia thịt là một ví dụ. Trong cộng đồng nọ sư tử quản lý 4 con sói. Hàng ngày thức ăn kiếm về được sư tử chia làm 5 phần, phần lớn nhất sư tử chọn trước, còn lại 4 phần, nó cố ý chia không bằng hau và kêu bọn sói tự lấy phần của mình.
Đương nhiên lũ sói háu ăn không thể chấp nhận để con khác có phần hơn, bèn kiện lên sư tử. Để phân xử, sư tử lại lấy phần lớn nhất cắn bớt 1 miềng to, đưa lại cho lũ sói. Chúng lại xâu xé giành giật và vẫn phát hiện ra vẫn có những miếng thịt nhỏ hơn các miếng khác nhiều. Chúng lại kêu đến Sư tử. Chẳng khó khăn gì, Sư tử lại đồng ý phân xử, lấy miếng thịt to nhất cắn bớt một miếng to, phần còn lại lại trở thành miếng bé nhất.
Cứ như vậy, khi đã chén no nê và những miếng mồi còn lại rất bé, sư tử mới cố tình để các miếng bằng nhau cho sói.
Tranh đua, cạnh tranh không phải là điều không tốt, mà nó còn là một động lực giúp cho đối thủ có động cơ phấn đấu và phát triển. Tuy nhiên, cần cạnh tranh đúng cách, cạnh tranh lành mạnh để cả 2 cùng phát triển hơn là hủy diệt lẫn nhau để bên thứ 3 hưởng lợi. “Những hành động của ta nằm trong tay ta, nhưng hậu quả của chúng thì không. Hãy nhớ điều đó, và nghĩ hai lần trước khi định làm bất cứ điều gì”- Louisa May Alcott từng nói như vậy.
Câu chuyện “Hai người tranh nhau con sò” cũng nhắc nhở chúng ta luôn cần suy xét trước sau trước khi có bất cứ quyết định gì lớn. Quan trọng nhất hãy trừ cho mình đường lùi trước khi mất hết cả chì lẫn chài.
Trí thức trẻ