Khởi nghiệpKinh doanh

CEO Công ty Missionizer: Khởi nghiệp là điều mỗi chúng ta cần phải học

 Dù bạn chọn khởi nghiệp cho bản thân hay giúp người khác khởi nghiệp, bạn cũng cần hiểu được những quy luật nền tảng của cuộc sống: Thấu hiểu con người để biết họ muốn gì, cần gì, mơ ước gì, tại sao họ làm vậy, họ cảm xúc như vậy…

CEO Công ty Missionizer: Khởi nghiệp là điều mỗi chúng ta cần phải học

Ông Trần Xuân Hải, CEO Công ty Missionizer.

LTS: Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp diễn ra rất tích cực. Rất nhiều trung tâm hỗ trợ được thành lập cũng như những chương trình huấn luyện, vườn ươm được mọc lên khắp nơi. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng, tuy nhiên, vấn đề đáng lo là làm sao cho phong trào đi đúng hướng? Nhà nước đang khuyến khích phong trào “Quốc gia khởi nghiệp” nhưng lại thiếu chính sách quốc gia thiết thực để hỗ trợ, đào tạo.
Trong khi đó, các bạn trẻ vừa ra trường, chưa tích lũy được kiến thức, kinh nghiệm, đã lao vào khởi nghiệp như thiêu thân, dẫn đến mất tiền, sống ảo, đổ vỡ niềm tin… Nếu cả một thế hệ cùng lao xuống sông mà không biết cách bơi sẽ ra sao? Hãy lắng nghe những chia sẻ rất thiết thực của chính những startup.
Tiếp theo chuyên đề khởi nghiệp, BizLIVE xin giới thiệu đến bạn đọc những chia sẻ của ông Trần Xuân Hải, CEO Công ty Missionizer.

Gần đây, báo đài, truyền thông toàn thế giới và cả Việt Nam rộ lên về chủ đề khởi nghiệp. Trên BizLIVE và nhiều tờ báo khác có rất nhiều bài lo lắng về việc các bạn trẻ lao vào “phong trào khởi nghiệp” như con thiêu thân, sống ảo với những chức vụ có danh không thực, làm bốc hơi bao công sức tiết kiệm của bố mẹ, đổ vỡ niềm tin, gục ngã…

Phần lớn các bài viết dạng này đi sâu vào chuyện các bạn trẻ thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, thiếu thái độ sống phù hợp, chưa được chuẩn bị cho con đường gian khổ khởi nghiệp, cần phải đi làm, cần phải học thêm… Nói chung, đọc xong các bài viết này, nếu bạn là người chuẩn bị khởi nghiệp và đọc nhiều bài dạng này, tôi đoán chắc là bạn hẳn sẽ ngần ngại và có thể bỏ ý định khởi nghiệp của mình. Nếu bạn là người thân của một người chuẩn bị khởi nghiệp, bạn sẽ mau chóng gửi bài viết này cho người đó với mong muốn người đó sẽ thận trọng hơn, hay trong một số trường hợp, bỏ luôn ý định càng tốt.

Tôi nhìn sự việc bằng góc nhìn khác.

Tại sao họ cần khởi nghiệp?

Động lực của con người là sống một cuộc sống có ý nghĩa, vượt qua chính mình để trở nên tài giỏi, tự quản lý cuộc sống và công việc của mình. Ước mơ của con người là đem lại những giá trị vượt trội cho cộng đồng, xã hội, được tôn trọng và tự trọng, được yêu thương và cảm thông, được giúp đỡ và có cơ hội cũng như khả năng giúp đỡ người khác. Rõ ràng, việc chúng ta trải nghiệm tại trường học cấp phổ thông hay đại học vẫn chưa đủ để giúp chúng ta có những kỹ năng, thái độ và kiến thức vững vàng cần thiết để thực hiện những điều vừa nêu.

Đi làm việc trong một công ty là một cách. Nếu công ty đó có lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn, biết xây dựng con người và xây dựng văn hóa công ty lành mạnh. Khởi nghiệp là một con đường khác, nguy hiểm hơn, gian nan hơn, nhưng thành quả ở cuối con đường lại lớn hơn. Nếu họ biết công thức dẫn đến thành công. Luôn có những người thận trọng, không muốn rủi ro và chọn cách đi làm thuê. Luôn có những người ngược lại, chấp nhận rủi ro và muốn thử thách bản thân, rèn luyện mình qua lửa đỏ. Có thể mất hết nhưng cũng có thể được cả thế giới.

Bạn có thể là một trong hai dạng người. Bạn cũng có thể đang phân vân lưỡng lự giữa các con đường để đi. Việc bạn chọn con đường nào tùy thuộc vào năng lực, sự tự tin, khát khao của bạn trong cuộc sống hướng đến điều gì. Các con đường đều đẹp nếu bạn biết đi…Chúng ta đã biết đi con đường của mình chưa? Chúng ta đã biết giúp người khác đi con đường của họ chưa?

Lấy vợ muộn, tôi là một ông bố U50 với hai nhóc siêu quậy còn đang học mẫu giáo. Mỗi ngày hai trùm quậy đó lại làm vợ chồng tôi choáng váng với những trò nghịch vừa sáng tạo vừa hài hước của chúng. Mấy trùm quậy này nghĩ ra đủ mọi loại trò chơi: leo lên cửa sắt trong nhà cao 2m, vẽ lên tường, tưởng tượng về những con khủng long, sợ hãi con cá mập trong phim “Tìm Nemo” (Finding Nemo), đánh nhau vì không chịu nhường cho nhau đồ chơi, leo lẻo “thương mẹ, yêu mẹ, hun mẹ”, bắt bố kể chuyện, mè nheo cho coi video “một lần thôi, hứa, không khóc”, rồi lăn ra ngủ say tới sáng,…

Làm bố muộn, dĩ nhiên mỗi lần thấy đứa nhỏ nào có thể có điều gì nguy hiểm, dù chỉ là nhỏ xíu, trái tim tôi lại thắt lại. Từng là một nhà quản lý, doanh nhân và nay làm đào tạo huấn luyện, tôi không chỉ quan sát hai nhóc mà còn quan sát cách hành xử của mình để còn điều chỉnh bản thân, làm tốt hơn nhiệm vụ làm bố mà tôi đang thực hiện.

Tôi nhận thấy mình có 3 cách hành xử: Một là ngăn chặn, đôi lúc la mắng, răn dạy: – Con không được tự mình đu lên cái tủ, cái tủ ngã xuống đè vào con thì sao? U đầu lân luôn đó! (Ở nhà gọi u đầu là giống con lân nên có câu này!). Hai là mặc kệ cho vấp ngã: – Con ngã hả? Rồi hết đau chưa? Con tự mình đứng lên đi! Con biết đứng lên mà. Ba là hỗ trợ con: – Con nắm tay bố rồi mình leo cầu thang nhen con. Con leo được mà. Bám vào tay vịn đi con! Dĩ nhiên, với cả ba cách, tôi đều xuất phát từ mong muốn con mình lớn lên mau hơn, trưởng thành hơn, cứng cáp hơn trong cuộc sống, có thể sống độc lập, tự cường, tự học, tự vươn lên. Tùy theo tình huống, tôi chọn cách mà tôi thấy thích hợp nhất.

Làm bố, tôi tin rằng nhiệm vụ của tôi là giúp con mình đạt được hết khả năng của nó, rằng nó cần học được né tránh rủi ro, nhưng nó cũng cần phải học rằng cuộc đời vẫn có những cú vấp ngã, và nó phải tự mình đứng dậy sau mỗi cú ngã để học được cách vượt qua nỗi đau, vượt qua nỗi sợ hãi, và vượt qua kẻ thù lớn nhất của nó – chính bản thân mình.

Nó phải học tin vào chính mình nhiều hơn là sợ đau.

Khởi nghiệp là điều mỗi chúng ta cần học

Dù bạn chọn khởi nghiệp cho bản thân hay giúp người khác khởi nghiệp, bạn cũng cần hiểu được những quy luật nền tảng của cuộc sống: Thấu hiểu con người: Để biết họ muốn gì, cần gì, mơ ước gì, tại sao họ làm vậy, họ cảm xúc như vậy… Thiết kế sáng tạo hệ thống: Hiểu và sáng tạo hệ thống chứ không chỉ sao chép cách làm của người khác để đảm bảo việc liên tục phát triển doanh nghiệp lan tỏa những giá trị vượt trội ra cho cộng đồng… Quản lý chiến lược phát triển của công ty, tôi hay gọi là Quản lý Ngọn cờ – để tạo ra những sức hút không thể cưỡng lại cho mọi đối tượng tham gia…

Thay vì la mắng, răn dạy, làm người khác sợ hãi, chùn bước. Thay vì than vãn về những điều chưa có, khóc lóc về những khó khăn, kêu gào giúp đỡ… điều chúng ta có lẽ cần làm là tự hỏi mình đã giúp được gì cho “bọn nhỏ”? Hiểu được về những quy luật cuộc sống, quy luật mọi người đang hành xử và tin theo. Hiểu những phương thức sáng tạo, phương thức xây dựng hệ thống, phương thức quản lý… Đôi lúc người đi xe cần đạp thắng (phanh), để giảm tốc, tránh nguy hiểm, cần tăng tốc vượt lên phía trước, cần lái đúng đường… Bạn hãy chọn cho mình cách đi nào phù hợp cho từng trường hợp. Xin đừng chỉ theo một kiểu! Cuộc sống bản chất là muôn màu.

Đang viết bài này, thì tình cờ tôi thấy trên YouTube bài hát “Khi ta tin” do Whitney Houston cùng Mariah Carey trình bày rất hợp với chủ đề này:

“Nhiều đêm ta cầu nguyện/Chẳng biết có ai đang nghe lời ta không/Trong trái tim ta, /một bài hát đầy hy vọng/Chúng ta chỉ hiểu sơ/Giờ ta không sợ hãi/Dù ta biết rất nhiều điều đáng sợ/Chúng ta có thể dời núi cao/Trước khi chúng ta biết mình có thể, đúng vậy đó/Khi ta tin, sẽ có bao điều kỳ diệu sẽ tới/Dù hy vọng rất mong manh, nó bất diệt/Ai biết được bạn đạt được được kỳ diệu gì/Khi bạn tin, bằng cách nào đó bạn sẽ làm được/Bạn sẽ làm được khi bạn tin…”.

TRẦN XUÂN HẢI

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close