Chiến lượcQuản trị
Châu chấu đá xe thế nào? Xem cách thương hiệu điện thoại tí hon này xoay sở giữa sân chơi toàn gã khổng lồ như Samsung, OPPO, Apple tại VN
“Voi cũng có thể khiêu vũ, nhưng bọ sống quanh voi di chuyển nhanh hơn và làm được những gì voi phải xoay xở lâu hơn mới làm được”, CEO Ngô Nguyên Kha cho hay.
Từ một thương hiệu “tí hon” chuyên kinh doanh dòng điện thoại phổ thông (feature phone) có mức giá từ 500.000 đến hơn 2 triệu đồng, Mobiistar đã vươn lên vị trí thứ 4 trên thị trường smartphone Việt Nam trong Q3/2016 với 5,2% thị phần.
Với một DN Việt tiềm lực hạn chế, thành quả của Mobiistar rất đáng ghi nhận. Nhất là trong bối cảnh, thị phần smartphone Việt Nam đang chịu ách thống trị của những tên tuổi số 1 thế giới như Apple hay Samsung.
Ông Ngô Nguyên Kha – CEO Mobiistar nhận định, trong một thị trường khắc nghiệt và thay đổi liên tục như smartphone, để tồn tại và phát triển, bản thân thương hiệu cũng phải có cách làm riêng.
“Tí hon đấu khổng lồ thì đã có chuyện David và Goliah. Cái khác với câu chuyện ngày xưa, là Mobiistar không thể quăng cục đá hạ ngay ông khổng lồ nào được. Voi cũng có thể khiêu vũ, nhưng bọ sống quanh voi di chuyển nhanh hơn và làm được những gì voi phải xoay xở lâu hơn mới làm được”, ông Kha chia sẻ.
Trong đó, vị CEO này nhấn mạnh:
“Chúng tôi phải học cách tồn tại và phát triển cùng ông khổng lồ, tìm những gì họ không muốn làm hoặc không thể làm uyển chuyển như các công ty nhỏ. Có một điều mà chúng tôi đã nhận ra và biết cách làm tốt: khách hàng của chúng tôi là những ông khổng lồ hoặc là những người đang được các ông khổng lồ phục vụ.
Chúng tôi không thể đến với các hệ thống bán lẻ mà nói rằng, tại tôi nhỏ bé nên chất lượng phục vụ phải bé theo. Chúng tôi buộc phải phục vụ các “ông khổng lồ” hệ thống bán lẻ theo chuẩn chất lượng mà các “ông khổng lồ” Samsung, OPPO đang phục vụ, nhưng với chi phí tiết kiệm hơn, hiệu quả có thể ít hơn 1 chút, nhưng không được thua kém quá xa”.
Ông Ngô Nguyên Kha – CEO thương hiệu điện thoại Mobiistar
Theo ông Kha, có 2 yếu tố giúp Mobiistar đối mặt với các thương hiệu ngoại trên thị trường nội. Một là luôn biết mình là ai, đứng ở đâu, mạnh điểm gì, yếu chỗ nào.
Thương hiệu tuy có thể nhỏ về thị phần, hạ tầng, nhưng lợi thế của “người nhỏ” là dễ dàng xoay sở, thích nghi với xu hướng. Không giống các thương hiệu lớn – luôn đề cao tính đồng bộ trong hệ thống, “tí hon” linh hoạt hơn, và đó là lợi thế của Mobiistar.
Hai là tuy sức nhỏ, nhưng không bao giờ được hành xử kiểu “nhỏ”. Bởi đứng trong một sân chơi lớn, bất kì doanh nghiệp nào cũng phải tuân theo quy tắc chung. Không thể vì quy mô nhỏ, mà doanh nghiệp hành xử thiếu chuyên nghiệp, chất lượng không đảm bảo.
Tới cuối cùng, “nhỏ” hay “lớn” vẫn là do trải nghiệm khách hàng quyết định. Chăm sóc khách hàng tốt, tuy quy mô có nhỏ, nhưng đổi lại tiếng tăm sẽ lớn, và ngược lại.
Theo CEO Ngô Nguyên Kha, thành tựu dễ nhìn thấy nhất của chiến lược này đó là tốc độ phản hồi đạt mức 99% các câu hỏi của khách hàng trong vòng 15 phút trên Fanpage Mobiistar hiện nay.
“Để đạt được mức độ phản hồi với hơn 1,6 triệu người theo dõi như thế này, cả đội ngũ các phòng ban Mobiistar luôn túc trực để đọc và phản hồi, cung cấp câu trả lời từ tư vấn kỹ thuật cho đến giải đáp thắc mắc về bán hàng hoặc đơn giản là “tám” với khách như những người bạn tâm tình. Không dễ để đạt được điều này, và nó đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng mỗi ngày mỗi giờ vì sự hài lòng của khách hàng, trên môi trường rất mở là mạng xã hội”, vị CEO này chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ