Tình trạng trái đất nóng lên làm trầm trọng thêm nạn hạn hán, lũ lụt, đời sống nông dân ngày càng bấp bênh. Do đó, các trẻ em gái được gả đi sớm để… bớt một miệng ăn trong gia đình.
Khoảng 1,5 triệu trẻ em gái ở Malawi có nguy cơ phải kết hôn sớm vì biến đổi khí hậu. Ở Mozambique, số lượng các “cô dâu trẻ em” cũng ngày càng tăng, theo The Guardian.
Lấy chồng từ thuở 13 vì… ngập lụt, hạn hán
Cánh đồng bị nước lũ nhấn chìm, gia đình của Ntonya Sande (13 tuổi) ở quận Nsanje, Malawi, đành phải đi nhặt củi để bán kiếm sống. Vì vậy, khi có một thanh niên đến hỏi cưới Ntonya, cha mẹ cô bé đã không suy nghĩ quá lâu. Ntonya cầu xin họ đổi ý, nhưng họ đã nói rõ ràng: thời tiết khắc nghiệt đã cướp mất mọi thứ của họ, cả nhà đang thiếu lương thực trầm trọng, họ không thể nuôi nổi nhiều miệng ăn. 10 tháng sau, Ntonya sinh đứa con gái đầu lòng.
Mọi người có những góc nhìn đa dạng về biểu hiện của biến đổi khí hậu. Nhưng với nhiều trẻ em gái ở châu Phi, biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu là một đứa bé trên tay họ, trong khi bạn bè đồng trang lứa thì đang đến trường. Được Trung tâm Báo chí Châu Âu hỗ trợ, dự án The Brides of the Sun được thực hiện nhằm đánh giá quy mô tác động của những điều mà nhiều chuyên gia đang cảnh báo, rằng có một cuộc khủng hoảng đang gia tăng: sự xuất hiện ngày càng nhiều “cô dâu thiếu nhi” – kết quả trực tiếp của biến đổi khí hậu.
Trong những ngôi làng từ phía Nam Malawi đến bờ biển phía Đông của Mozambique, các “cô dâu trẻ em” và cha mẹ họ cùng gặp một tình trạng chung. Đó là trong những năm gần đây, nhiệt độ tăng cao hơn, các cơn mưa trái mùa xuất hiện nhiều, đôi khi gây ra ngập lụt ở những vùng chưa từng bị lụt trước đây. Các gia đình từng có khả năng nuôi vài đứa con và cho chúng ăn học tử tế hiện không còn đủ khả năng đảm đương trách nhiệm đó nữa. Và giải pháp duy nhất là cho một hoặc nhiều đứa con đi lấy chồng.
2 năm sau cơn hạn hán khiến dòng sông cạn khô, Carlina Nortino – sống ở làng Nataka, quận Larde, tỉnh Nampula, trên bờ biển phía Đông Mozambique – đi lấy chồng. “Tôi nhớ lúc mọi người còn đi bắt cá. Tôi mua cá của họ và bán lại cho dân làng. Nước có ở khắp mọi nơi. Nhưng rồi hạn hán xảy ra, cá dần chết hết”, Carlina nhớ lại. Carlina còn cho rằng vì thiếu mưa mà bây giờ gia đình cô chỉ thu hoạch được một hoặc hai túi sắn 50kg, trong khi trước đây, họ thường thu hoạch được khoảng 20 túi.
“Không còn nước trên sông, tôi không thể bắt cá được nữa. Trước đây, mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 cho đến tận tháng 3. Còn bây giờ, chúng tôi chỉ có mưa vào tháng 1 và tháng 2”, Horacio (16 tuổi) – chồng của Carlina kể. Đứa con trai đầu của cặp vợ chồng trẻ này đã qua đời khi vừa lọt lòng vì cả hai bên gia đình đều không có điều kiện đến bệnh viện. “Tôi chắc chắn rằng, nếu cha và chồng tôi không nghèo túng, con trai tôi đã có thể sống”, bà mẹ 15 tuổi chia sẻ.
“Khi trời vừa bắt đầu mưa, nông dân đã vội gieo trồng ngay lập tức. Nhưng 3 tuần sau, họ nhận ra mọi cây trồng đều khô héo hết. Đối với một bộ phận người dân, gả con gái đi có thể là một giải pháp. Các cô dâu mới cũng có thể giúp đỡ gia đình chồng làm việc nhà. Tất nhiên, “truyền thống lấy chồng sớm” là một phần nguyên nhân, nhưng biến đổi khí hậu đã góp phần tạo điều kiện cho mọi người kết hôn sớm hơn”, ông Amos Mtonya, thuộc Văn phòng dịch vụ thời tiết và biến đổi khí hậu ở Malawi lý giải.
Tỷ lệ tảo hôn cao đáng báo động
Năm 2015, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) ước tính chỉ riêng trong năm này, 13,5 triệu trẻ em có nguy cơ phải kết hôn dưới tuổi 18, trong đó có 4,4 triệu trẻ em có thể phải kết hôn khi chưa tới 15 tuổi. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cảnh báo vào năm 2015, nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, đến năm 2050, tổng số “cô dâu trẻ em” trên toàn châu Phi có thể tăng gấp đôi, lên 310 triệu người.
Các con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều, vì có nhiều cuộc hôn nhân không được đăng ký chính thức mà chỉ là một thỏa thuận giữa 2 bên gia đình hoặc giữa 2 cá nhân (trong trường hợp họ không còn cha mẹ).
Mozambique là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với khoảng 70% trong tổng dân số 28 triệu người sống dưới chuẩn nghèo. Vì vậy, họ rất dễ bị tổn thương trước sự biến đổi khí hậu. Độ tuổi kết hôn theo quy định là 18 (16 nếu có sự đồng ý của cha mẹ), nhưng Mozambique lại là một trong những quốc gia có tỷ lệ tảo hôn thuộc hàng cao nhất thế giới. Và tỷ lệ cao nhất được tìm thấy ở khu vực các tỉnh phía bắc, trong đó có Nampula – tỉnh có số lượng bà mẹ trẻ cao nhất nước. Cụ thể, khoảng 50% nữ giới kết hôn ở tuổi 18 và một phần bảy nữ giới kết hôn ở tuổi 15.
Còn ở phía bên kia biên giới, với gần một nửa nữ giới kết hôn khi khoảng 18 tuổi, gần một phần mười nữ giới lấy chồng khi mới 15 tuổi, Malawi “được” UNICEF xếp hạng thứ 11 trong số các quốc gia tệ nhất thế giới về nạn tảo hôn. Chính phủ Malawi đã liệt kê tảo hôn là một trong những hệ quả của trận lũ lụt mà nước này phải gánh chịu hồi năm 2015.
Quan điểm này được Tổ chức chống tảo hôn Girls Not Brides (gồm hơn 400 tổ chức xã hội đang tích cực hoạt động trên toàn thế giới) đồng tình. “Nếu không hành động từ bây giờ, chúng ta có nguy cơ phải chứng kiến thêm nhiều thế hệ tuổi thơ nữa bị đánh mất”, Lakshmi Sundaram – Giám đốc Tổ chức Girls Not Brides nhận định.