Khởi nghiệpKinh doanh

“Chê” lương khởi điểm hơn 20 triệu đồng, sinh viên FPT mở công ty riêng

Ngay khi chưa tốt nghiệp, Khúc Hữu Huy, sinh viên khoá 8 của Đại học FPT đã nhận được lời mời làm việc tại một tập đoàn CNTT lớn với lương khởi điểm hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng, Huy đã chọn việc khởi nghiệp bằng dự án từ thuở còn là sinh viên.

Nhóm M.a.D gồm 8 thành viên đến từ Đại học FPT giành ngôi quán quân cuộc thi Start-up Uni 2016, với sản phẩm là ứng dụng di động hỗ trợ khách tham quan tại các bảo tàng, khu triển lãm nghệ thuật, nhà truyền thống.

Bước ra từ cuộc thi dành cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp – “Start-up Uni: Become a Unipreneur năm 2016 với giải quán quân, nhóm nhóm M.a.D gồm 8 sinh viên Đại học FPT là Khúc Hữu Huy, Nguyễn Cao Thắng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Hữu Minh, Nguyễn Hữu Quyết, Phan Văn Giang, Nguyễn Phương Anh và Đỗ Thị Phương đứng trước những cơ hội rộng mở về nghề nghiệp ngay khi còn chưa tốt nghiệp.

“Chê” lương khởi điểm hơn 20 triệu đồng, sinh viên FPT mở công ty riêng - Ảnh 1.

Như Khúc Hữu Huy, cậu tân kỹ sư ngành Kỹ thuật phần mềm của Đại học FPT đã sẵn sàng từ chối mức lương khởi điểm hơn 20 triệu đồng tại một tập đoàn CNTT lớn của Việt Nam để thành lập công ty với mong ước tự làm chủ.

Khúc Hữu Huy và hai sinh viên khác trong nhóm M.a.D đã quyết tâm xây dựng SGuide – ứng dụng di động hỗ trợ khách tham quan tại các bảo tàng, khu triển lãm nghệ thuật, nhà truyền thống đã giành giải Nhất cuộc thi Start-up Uni mùa đầu tiên thành dự án khởi nghiệp của mình. Công ty cổ phần FIHATECH do Khúc Hữu Huy là người sáng lập đã ra đời từ chính ý tưởng khởi nghiệp này.

“Ý tưởng này đã được tôi và các bạn nhen nhóm ngay từ cuộc thi khởi nghiệp Start-up Uni. Sau cuộc thi này, nhóm chúng tôi đã đưa SGuide vào tham gia tiếp chương trình iAngel – Tăng tốc khởi nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư – và nhận được một khoản đầu tư nhỏ để tiếp tục phát triển”, cựu sinh viên Đại học FPT Khúc Hữu Huy chia sẻ.

“Chê” lương khởi điểm hơn 20 triệu đồng, sinh viên FPT mở công ty riêng - Ảnh 2.

Khúc Hữu Huy (giữa) và các bạn trong lễ tốt nghiệp khóa 8, Đại học FPT.

Ứng dụng SGuide tạm dịch là Thuyết minh bảo tàng thông minh, hoạt động như một hướng dẫn viên đồng hành cùng khách khi đi tham quan bảo tàng. SGuide có thể tái hiện lại câu chuyện ẩn chứa trong hiện vật được trưng bày với chính smart phone của khách tham quan. Vì vậy, chỉ với 1 chiếc smartphone có cài ứng dụng SGuide, khách du lịch trong nước và nước ngoài có thể hiểu thêm được phần nào về lịch sử của dân tộc.

Mang ý tưởng đó đến triển khai tại các khu du lịch như Bái Đính (Ninh Bình), dinh Bảo Đại (Đà Lạt)… Huy và những người đồng sáng lập nhận được phản hồi tích cực từ lãnh đạo các đơn vị du lịch tại đây.

Sau hơn 2 tháng triển khai sản phẩm, Huy và các cộng sự đã đi đến quyết định lựa chọn phân khúc thị trường nhỏ là các khu di tích địa điểm du lịch của tư nhân làm định vị cho sản phẩm của mình, vì nhận thấy đây là “đất” phù hợp cho sản phẩm.

Trải qua những tháng đầu lăn lộn mang sản phẩm đi thương mại hoá ngoài thị trường thực, cậu tân kỹ sư Khúc Hữu Huy tiếp tục nhận ra rằng, con đường khởi nghiệp không trải hoa hồng như nhiều người vẫn suy nghĩ, nhất là với những người trẻ tuổi.

Rất nhiều kinh nghiệm đã được rút ra sau mỗi lần thất bại. Chàng trai 24 tuổi này kể: “Có những ngày, cả công ty cùng nhìn lại và thấy mình làm việc không hiệu quả. Đó là lúc, mình trăn trở và suy nghĩ nhiều hơn về tương lai”, Huy nói.

Trước đây, khi còn là sinh viên năm thứ 3, Khúc Hữu Huy và các bạn cùng lớp đã có cơ hội đi thực tập tại doanh nghiệp. Lúc đó, suy nghĩ của chàng trai 21-22 tuổi đơn giản chỉ là làm thế nào để thực tập tốt, có thể kiếm được tiền mà không quan tâm nhiều đến việc vận hành của công ty hay các quy trình bắt buộc phải có. Đến tận khi bắt tay vào làm, Huy mới nhận ra một điều “làm việc gì cũng phải có quy trình và cách thức vận hành quy trình ấy”.

Khó khăn thì đầy rẫy, nhưng với Khúc Hữu Huy, những lăn lộn đầu đời trong vai ông chủ của một doanh nghiệp khởi nghiệp chính là chỉ dẫn để cậu vững vàng hơn trên con đường tương lai. “Chúng tôi đã lên mục tiêu cụ thể, 6 tháng sắp tới là khoảng thời gian để định vị mình là ai. Chúng tôi kỳ vọng trong tương lai không xa, khi nói đến việc thuyết minh hay du lịch là mọi người sẽ phải nhắc đến sản phẩm SGuide và Công ty FIHATECH”, Khúc Hữu Huy tự tin.

Tự tin với quyết định lựa chọn con đường khởi nghiệp đầy gian nan, Khúc Hữu Huy quả quyết: “Nếu được lựa chọn lại, mình vẫn chọn con đường khởi nghiệp”. Cậu tân kỹ sư của Đại học FPT cũng đã lên kế hoạch về những việc mình cần làm trong thời gian sắp tới, đó là tiếp tục tự học, cập nhật các kiến thức công nghệ mới, đồng thời trau dồi thêm những kỹ năng cần thiết về kinh doanh, bán hàng.

Theo Hậu Đặng

ICTNews

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close